Con trai chăm mẹ

13/12/2022 - 06:15

PNO - Đàn ông, khi đã có hiếu với cha mẹ, thì họ chăm sóc trên cả chữ tuyệt vời.

Tôi gửi video ghi cảnh 1 chú trung niên chăm mẹ vào group Zalo chị em trong nhà. Một thời gian dài, chú Hương trong video là “hiện tượng” của cộng đồng mạng, được nhiều người yêu quý vì sự hiếu thảo với mẹ. 

Gửi xong tôi nhắn: “Không biết sau này anh Quan (anh trai tôi) có chăm mẹ được như thế này không, 1/10 thôi cũng được”. Các chị, em tôi đọc tin nhắn xong thì đều im lặng. Có khó quá không khi về già, mẹ được con trai chăm sóc?

Bà nội tôi có 2 con, ba tôi và người con gái. Cô tôi lớn lên đi lấy chồng xa. Từ nhỏ đến lớn, ba tôi sống với bà nội, cho đến khi bà mất trong vòng tay của ba. 

Ba mồ côi cha từ nhỏ, nên mọi tình cảm ba đều dành hết cho bà nội. Từ ngày mất mẹ, ba càng lặng lẽ, ít nói, sức khỏe cũng giảm sút rất nhiều. Dù ngoài 70 tuổi, nhưng ba vẫn như đứa trẻ bơ vơ. Thỉnh thoảng tôi thấy ba bưng đồ ăn sáng lên bàn thờ nội rồi thì thầm gì đó, chắc là câu mời: “Má về ăn sáng nha má”.

Chú Hương - người con trai chăm mẹ chiếm cảm tình của cộng đồng mạng
Chú Hương - người con trai chăm mẹ chiếm cảm tình của cộng đồng mạng

 

Hồi bà nội còn sống, thực sự tôi chưa thấy người đàn ông nào kiên nhẫn chăm mẹ như ba. Ba lãnh phần trách nhiệm mua đồ ăn sáng cho nội. Các buổi cơm còn lại, mẹ tôi là người đảm trách. 

Dù chỉ mua đồ ăn sáng, nhưng ba tỉ mẩn từng món một. Ba thay đổi liên tục món ăn cho nội, sợ nội ngán, sợ nội già răng yếu, sợ ăn món này nhiều dầu mỡ, món kia nhiều muối nhiều đường… Vậy nên, sáng sáng thấy ba xách xe chạy đi đâu đó một lúc lâu mới về, hỏi thì biết là ba đi tìm mua đồ ăn phù hợp với sức khỏe của nội.

Ba nói, người già trí óc họ như trẻ con nhưng cơ thể già nua và lão hóa. Chọn món ăn cho nội, ba phải lựa rất kỹ.

Thức ăn hằng ngày mẹ tôi mua về chế biến cũng vậy. Ba tuyệt đối không cho nội ăn nước mắm, các loại mắm hay bún cua, vì sợ người già dễ lên huyết áp. Ba không cho nội ăn thịt heo có mỡ, dù nội rất thèm. Tuy vậy, thỉnh thoảng ba cũng cho nội ăn vài món theo sở thích với số lượng rất ít, để nội đỡ thèm. 

Ba rầy: “Má ăn mấy thứ đó vô rồi đau nhức trong người, rồi uống thuốc, rồi lại rên”. 

Lúc mẹ tôi bận việc này việc kia hay đi đâu đó vài bữa, toàn bộ việc chăm nội đều một tay ba cáng đáng. Ba ẵm nội, lau chùi, vệ sinh tắm rửa, thay đồ cho nội, đút cho nội ăn, xoa bóp cho nội. Tôi chưa thấy lần nào ba than thở. Ba cứ lẳng lặng hiếu thảo với nội mà chẳng cần ai biết việc ba làm. Có lần, nội hờn dỗi, ôm áo đòi bỏ đi, ba còn khóc quỳ lạy nội rồi cõng nội trở về.

Nhớ đợt nội bệnh nặng, phải nhập viện đa khoa tỉnh Quy Nhơn, ba gọi điện kêu chị em tôi về. Ba nói: “Bác sĩ kêu bà nội hết cách chữa trị rồi, chắc đằng nào cũng cho nội về thôi”. Nói rồi ba khóc ồ lên như đứa trẻ. Mắt ba đỏ hoe, đầu ba lất phất những sợi bạc, lưng thì khòm xuống thấp. Chị em tôi nghẹn ngào theo.

Và rồi chắc trời thương ba, thấu cảm cho sự hiếu thảo của ba nên cho nội sống thêm một thời gian nữa, đủ lâu để chúng tôi còn thấy ba chăm sóc nội, thuốc thang cho nội nhiều hơn. Mỗi khi nội đau hay trái gió trở trời, đêm hôm ba cõng nội lên nhà điều dưỡng để chích thuốc. 

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

 

Cho đến ngày nội sắp mất, ba cũng cảm nhận sự chia xa chỉ còn tính từng giờ, từng phút. Ba túc trực bên nội vào những giây phút cuối đời và nội đã nhắm mắt trong vòng tay lẫn những giọt nước mắt của ba. Hôm nội mất, đưa nội đi chôn xong, lúc về ba ngất xỉu. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy ba không đứng vững, thấy ba bị kiệt sức, thấy ba yếu đuối…

Mấy hôm nay, tôi xem vài clip của chú Hương, “hiện tượng lạ” được nhiều người biết qua những video chăm mẹ. Tôi chợt nhớ những ngày nội còn sống và cách mà ba chăm sóc nội. Hễ nội kêu nhức chỗ này, đau chỗ nọ là lập tức có thuốc cho nội uống ngay. Ba hiểu ý nội, ba biết thể trạng của nội. Hơn ai hết, ba chính là bác sĩ riêng của nội, không chỉ về mặt thể chất mà cả về mặt tinh thần. Nội sống thọ phần lớn là nhờ vào sự chăm sóc của ba. 

Tôi cũng liên tưởng đến hình ảnh mẹ mình sau này. Không biết, liệu anh trai tôi có đủ yêu thương, lòng bao dung, sự kính trọng và yêu quý mẹ của chúng tôi như cách ba tôi đã từng đối xử với nội hay với cách chú Hương chăm sóc mẹ hay không. Không biết, liệu cuối đời, mẹ tôi có được phần phước như nội tôi hay mẹ của chú Hương, tức là được con trai lẫn con dâu chăm sóc hay không?

Nhiều người cứ nghĩ, chỉ có con gái mới chăm sóc cha mẹ tốt và chu đáo. Hoặc nếu so sánh giữa phụ nữ và đàn ông thì đàn ông chăm mẹ không thể nào bằng phụ nữ. Thế nhưng, hiếm chứ không phải là không có. Đàn ông, khi đã có hiếu với cha mẹ, thì họ chăm sóc trên cả chữ tuyệt vời. 

Huyền Nga

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI