Con tôi từng bị cô "phán" tự kỷ!

01/12/2015 - 15:12

PNO - Đọc bài Ai đẩy những học sinh này tới bất hạnh? (báo Phụ Nữ 25/11/2015), tôi chạnh lòng nhớ chuyện con trai mình bốn năm về trước.

Năm ba tuổi, con trai tôi đi mẫu giáo (lớp mầm) ở một trường công lập. Suốt tuần đầu tiên, ngày nào đi học về cháu cũng gào khóc, căng thẳng, la hét cả khi được bố mẹ, ông bà vỗ về.

Cháu chán ăn, đêm ngủ không thẳng giấc, thỉnh thoảng lại giật mình, kêu khóc, tay chân vung loạn xạ. Ban ngày, cháu cũng chẳng hứng thú chơi đồ chơi với mấy đứa trẻ hàng xóm như trước. Lúc đó, tôi có cảm giác con mình đang trong trạng thái tinh thần căng thẳng tột độ.

Con tôi vốn chậm nói hơn những đứa trẻ cùng tuổi. Trong lúc bạn bè đã nói được rành rọt những câu dài thì con tôi chỉ biểu đạt bằng từng từ, chưa nói được thành câu.

Lúc đó, tôi có muốn tìm hiểu sinh hoạt ở trường của cháu cũng rất khó vì phụ huynh không được vào khuôn viên trường trong giờ học. Vì thế, tôi cố nghĩ đơn giản theo kiểu đứa trẻ nào mới đi học cũng trải qua giai đoạn đầu căng thẳng như vậy, dần dần sẽ thích nghi thôi.

Con toi tung bi co
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Sang tuần thứ hai, giáo viên đứng lớp mời gia đình lên làm việc. Cô giáo cho biết, con tôi tỏ ra bất hợp tác, khó thích nghi với môi trường xung quanh và có những biểu hiện của bệnh tự kỷ như ít nói, nói không rõ câu, rụt rè, cô hỏi gì cũng không trả lời.

Cô bảo gia đình nên đưa cháu đi khám, lấy kết luận của bác sĩ để trường xem xét việc có nên tiếp tục cho cháu theo học không. Sau khi kiểm tra, bác sĩ ở phòng khám tâm lý của BV Nhi Đồng 2 kết luận con tôi chỉ bị chậm nói, không liên quan gì đến bệnh tự kỷ, khuyên gia đình trò chuyện nhiều hơn để giúp cháu tập nói.

Nghe chuyện con tôi, một số phụ huynh khác cho biết, con họ cũng từng bị nhà trường nghi ngờ bị tự kỷ, bắt đưa đi kiểm tra như con tôi. Lúc này, tôi mới biết, hai cô giáo dạy lớp con tôi nổi tiếng dữ dằn và hay quát tháo, thậm chí đánh trẻ. Tôi biết, sĩ số lớp học quá đông, với chế độ đãi ngộ giáo viên như hiện nay mà áp lực công việc không hề nhẹ, các cô cáu kỉnh như thế cũng dễ hiểu.

Thấy có sự phân biệt trong cách đối xử của cô giáo với con mình, tôi quyết định chuyển cháu sang trường tư, dù học phí đắt gấp năm lần trường cháu đang học.

Được cái giáo viên ở trường mới rất nâng niu học sinh. Kết quả, chỉ chưa đầy một tuần sau, con tôi đã vui vẻ, hoạt bát hẳn lên, còn líu lo hát, điều mà chúng tôi chưa từng thấy ở cháu trước đó. Đến nay, con tôi đã hơn bảy tuổi, phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác.

Thực tế, có những phụ huynh vì tin kết luận vội vã từ phía nhà trường đã xem con mình như một đứa trẻ tự kỷ, khiến trẻ bị phân biệt đối xử một cách oan ức. Không chỉ gần gũi thường xuyên để hiểu rõ những thay đổi ở con mình, các bậc cha mẹ cũng cần có kiến thức nhất định để tỉnh táo trước những kết luận vội vàng từ các cô giáo như trường hợp của con tôi.

Về phía nhà trường, không chỉ cần có cái tâm, giáo viên, nhất là ở bậc mầm non, cũng nên được trang bị kiến thức bài bản vì họ gần gũi với học sinh chỉ sau gia đình (có khi còn hơn cả gia đình), chứng kiến hàng ngày những diễn biến tâm sinh lý của các cháu.

Tự kỷ là một dạng bệnh khá nhạy cảm trong nhận thức của cộng đồng. Mọi kết luận vội vã khi chưa qua kiểm chứng kỹ lưỡng không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống, tương lai của các cháu mà còn ảnh hưởng đến cả gia đình các cháu nữa.

Đỗ Thu Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI