Con tôi sẽ đón chuyến tàu điện đầu tiên

01/01/2018 - 09:04

PNO - Quệt dòng mồ hôi chảy ròng đuôi mi mắt rồi chỉ tay về hướng công trình nhà ga thuộc Dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, anh Đoàn Văn Sơn hào hứng: “Con trai tôi sẽ đón chuyến tàu đầu tiên ở trên đó”.

Anh Sơn - công nhân đúc trụ dầm, là một trong những công nhân của dự án metro, đang ngày đêm miệt mài để hoàn thành tuyến tàu điện hiện đại.

Con toi se don chuyen tau dien dau tien
Anh Đoàn Văn Sơn

Khẩn trương trong mọi công đoạn

Quê ở xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, cùng với chú và hai người em ruột, anh Đoàn Văn Sơn (27 tuổi) vào TP.HCM làm công nhân ở công trường metro số 1 được hơn bốn năm nay, ngay từ những ngày đầu dự án được khởi công vào giữa năm 2012. Sinh con được 6 tháng, chị Đoàn Thị Bảo Yến - vợ anh - cũng phải gửi con cho bà ngoại trông giữ rồi theo chồng thuê trọ ở, đi làm công nhân may ở khu chế xuất Linh Trung 1 (Q. Thủ Đức).

Lương khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng, Sơn là tổ trưởng của nhóm thi công gần 20 người. Công việc hằng ngày của anh là cùng anh em lắp cốp-pha sắt, đúc trụ dầm, xà mũ (nơi gác đỡ máng ray tàu điện) đoạn qua sông Sài Gòn nối Q.2 và Q. Bình Thạnh…

Lúc mới vào, anh Sơn làm ở đoạn cuối tuyến metro, khu vực Suối Tiên (Q.9) rồi về ngã tư Thủ Đức. Làm ở hai nơi đó được ba năm đầu, nhà thầu bàn giao, anh Sơn cùng anh em chuyển về đoạn cầu Sài Gòn làm hơn một năm nay. Dù đã dùng nhiều máy móc, thiết bị hiện đại nhưng ở đoạn công trình này, luôn có khoảng 100 công nhân làm việc, khi cao điểm thì cần nhiều người hơn. Ở đây, nội quy lao động, an toàn lao động được thực thi nghiêm cẩn. 

Con toi se don chuyen tau dien dau tien
Metro đoạn trên cao qua Suối Tiên

Sơn vốn là một thợ xây ở quê, “nghề dạy nghề” nên cứng tay. “Chưa bao giờ tôi làm công trình lớn thế này. Cực thì có cực, nhưng nhờ đó mới biết được nhiều điều hay” - Sơn bộc bạch. Giờ đây, anh đã thao tác thuần thục kỹ thuật sử dụng ván thép để đúc trụ, từ đơn giản đến phức tạp.

“Ngán nhất là nội quy. Chỉ cần quên mang chiếc giày bảo hộ thôi là chỉ được đứng ngoài công trình mà ngóng, khó qua được cửa bảo vệ. Có đi làm thế này, mình mới bỏ được thói bừa bãi” - anh Sơn lè lưỡi cười.

Trực chiến xuyên suốt tại công trường, kỹ sư Thái Việt Hồng - thuộc đơn vị tư vấn giám sát công trình - cho biết, ga Tân Cảng là một trong tổng số 14 nhà ga trên toàn tuyến metro số 1 dài 19,7km, trong đó gồm 11 nhà ga trên cao đi qua các Q. Bình Thạnh, Q.2. Q.9, Q. Thủ Đức và ba nhà ga ngầm ở quận 1.

Con toi se don chuyen tau dien dau tien
Metro đoạn trên cao qua Quận Bình Thạnh.

Ga số 5 Tân Cảng đang trong giai đoạn hoàn thiện phần kết cấu để sớm tiến tới thi công phần kiến trúc. Do thi công trên cao nên nhà thầu và các đơn vị thi công chú trọng bậc nhất vào yếu tố an toàn lao động. Dù vậy, ai nấy đều làm với tinh thần khẩn trương để hoàn thành công trình đúng và vượt tiến độ được giao. 

Kỹ sư Hồng đội chiếc mũ bảo hộ màu trắng, liên tục di chuyển. Khi nãy thấy anh đứng trên cao, có vẻ đang trao đổi cặn kẽ điều gì đó với một công nhân; thoắt cái, đã thấy anh đứng dưới đất quan sát hơn 50 công nhân đang tỉ mẩn làm việc. Từng vệt mồ hôi hằn rõ lên các đường viền phản quang trên áo bảo hộ anh mặc.

“May mắn là bão tan rồi. Anh thấy đó, mỗi người mỗi việc nhưng ai nấy đều phải hết sức khẩn trương trong mọi công đoạn” - kỹ sư Hồng chỉ tay về nhóm công nhân đứng trên cao cách mặt đất hàng chục mét đang chăm chú đưa que hàn chạm vào khung kim loại. 

Con toi se don chuyen tau dien dau tien
Những giọt mồ hôi của công nhân trên công nhân trên công trường metro số 1

Giữa trời nắng gắt, vẫn có thể thấy từng chùm tia lửa bắn tung tóe, rơi vương vãi giữa không trung. Hầm hập nóng, chỉ có tiếng máy, tiếng sắt thép va vào nhau. Tiến độ từng công đoạn, từng ngày đã được đưa ra trong buổi sáng sớm. Xong, việc ai nấy làm, tất cả được giám sát chặt chẽ. Từng phút trôi qua, mồ hôi bện chặt những tấm lưng áo mà màu xanh tươi đã chuyển sang thẫm.

“Không lơ là được đâu anh. Ngay cả tôi đây, không ăn cơm mang theo thì ăn cơm hộp được mang đến tận hiện trường. Ở đây không có chỗ nghỉ, chỉ quây bạt tạm cho anh em nghỉ trưa. 13g30 vào việc lại rồi. Thời gian rảnh của chúng tôi là… tan ca, mà lúc đó mỏi nhừ rồi” - anh Hồng nói.

Con toi se don chuyen tau dien dau tien
 

Vào trận thì không được bỏ trận địa

Sau ba tuần quần quật nơi công trường, sáng 28/12, anh Nguyễn Đức Hùng - công nhân Công ty cổ phần Cầu 14, đơn vị thầu phụ tại khu vực thi công đoạn ngã tư Bình Thái, Q. Thủ Đức - xin nghỉ để lấy lại sức. Phòng trọ này là nơi tạm trú của 15 công nhân quê khắp các vùng miền. Tiến độ công việc ở công trường luôn dồn dập nên mỗi sáng sớm, họ mang cơm theo, đi bộ 2km đến công trường. Đến công trường là như vào trận đánh.

Gia đình ở Nghệ An, bữa cơm sum họp với vợ con của anh Hùng là mấy ngày tết Nguyên đán. “Đời thợ công trình mà, chấp nhận thôi. Cực thì cực, nhưng có làm ở đây mới cảm nhận được niềm vui. Hai năm rồi mình sáng tối chốn này. Nghĩ tới cảnh người người nô nức trên chiếc tàu hiện đại lao vun vút trên cao, thấy cũng vui vui” - loay hoay với nồi cơm điện khá to, anh Hùng nói bâng quơ. 

Con toi se don chuyen tau dien dau tien
 

Xao xuyến đến bất ngờ trong tôi, khi nghe anh ao ước: “Xong công trình rồi, mình sẽ đón vợ con vào thành phố này chơi. Chắc chắn, mình sẽ là hành khách đầu tiên trên chuyến tàu đó, nhất định là vui rồi”.

Hình như phải là người trong cuộc, những người đã bước những bước đầu tiên xuống lòng đất, hè nhau khiêng những khung sắt, đường ray cho tuyến trên cao, mới cảm nhận hết nỗi bồi hồi cho một ngày thư thái bước lên toa tàu.

Tôi hình dung lúc đó, đứa con anh sẽ tròn xoe mắt khi nghe bố nói rằng “bố đã góp phần để con được đi tàu điện đó”. Nó sẽ không hình dung những gian khổ mà anh cùng bao người đã gồng mình vượt qua, nhưng chắc chắn bài học về sự hiến dâng của những người công nhân vô danh như anh có giá trị với nó hơn rất nhiều trang sách.

Con toi se don chuyen tau dien dau tien
Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đoạn đi ngầm dưới cảng Ba Son

Tôi nhìn phòng trọ, đủ giọng Bắc Nam xen nhau. Trăm miền hội tụ về đây, cơm đùm cơm nắm, mưa nắng thất thường, công việc nặng nề, cả những khốn khó chung khi nguồn ngân sách có lúc gián đoạn. Họ chấp nhận hết, bởi đó là áo cơm, nhưng trên cả những lo toan đời thường là bài ca xây dựng âm thầm mà thôi thúc trong họ.

Metro này không chỉ góp phần giải quyết bài toán tắc đường vốn kinh niên ở thành phố, mà  còn là cánh tay nối dài, liên kết thành phố với những vệ tinh, góp phần tạo nên một xung lực mới, đưa đoàn tàu kinh tế xã hội của thành phố và các tỉnh băng về phía trước.

Hình hài của một thành phố mà đoàn tàu như một mũi tên đột phá đầu tiên, đã dần thành hình. “Ngày mai, anh lại ra công trường chứ?”. Anh Hùng đáp ngay: “Tất nhiên rồi. Cuối năm mà, tiến độ không chờ ai hết. Vào trận, ai lại bỏ trận địa?”.

Con toi se don chuyen tau dien dau tien
 

Hết mưa rồi và nắng đã lên. Phía bên kia sông Sài Gòn, cao cao trên ga số 6 Thảo Điền (Q.2), thấp thoáng hàng chục công nhân mặc áo xanh, đội nón vàng vẫn đang hối hả làm việc. 

Dự án tuyến đường sắt đô thị (metro) Bến Thành - Suối Tiên (tuyến số 1 của TP.HCM) có tổng vốn đầu tư 2,49 tỷ USD, dài gần 20km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức và thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Trong đó, công trình có khoảng 2,6km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17km trên cao (11 nhà ga). Công trình được khởi công từ tháng 8/2012, dự kiến đưa vào vận hành, khai thác vào cuối năm 2020. Khi toàn tuyến hoàn tất, sẽ giải quyết được áp lực ùn tắc giao thông, tạo động lực phát triển ở các địa phương và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tốc độ tàu chạy 40-60km/giờ; cứ 5 phút, có một chuyến xuất bến và tàu dừng ở mỗi ga khoảng 1,5 phút để đón - trả hành khách. Theo Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM, dự án tuyến metro số 1 đến nay đã thi công đạt khoảng 50% khối lượng công việc. 

Quang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI