Con tôi không xem YouTube là... không bình thường?

14/03/2021 - 10:30

PNO - Mẹ ơi, sao con không được bình thường như mấy bạn kia?

Đọc các bài viết về kênh YouTube Thơ Nguyễn trên Báo Phụ nữ Online, tôi càng tin vào phương pháp giáo dục con của mình, dù nó có vẻ hà khắc.

Trong mắt cô con gái 10 tuổi của tôi thì cả bố lẫn mẹ của con là… không bình thường, vì thế nên con mới không được bình thường như những đứa trẻ cùng trang lứa. Không bình thường trong suy nghĩ của con, là bởi đa số những đứa trẻ trong xóm, trong lớp của con đều được ôm smart phone hay laptop, iPad và rất rành YouTube còn con thì không.

Con tôi không được thoải mái nghe nhạc trên điện thoại như các bạn - Ảnh minh họa
Con tôi không được thoải mái nghe nhạc trên điện thoại như các bạn - Ảnh minh họa

Hôm đó, sau khi đi chơi nhà hàng xóm, con về và phụng phịu, buồn bã nói với tôi:

- Mẹ ơi, sao con không được bình thường như mấy bạn kia?

Tôi ngạc nhiên đến sửng sốt vì không hiểu tôi đã làm việc gì đó kinh khủng tới mức con mình không được bình thường nên con phải ước ao được bình thường như con nhà người ta? Tôi hỏi con:

- Mẹ chưa hiểu. Con muốn bình thường là sao?

- Thì mấy bạn ai cũng được bố mẹ cho mượn điện thoại để chơi, chỉ có con là không được thôi. Sao mẹ không cho con mượn điện thoại của mẹ? Bạn Chíp còn ôm điện thoại của mẹ bạn ấy ra đường chơi nữa kìa.

À, hóa ra là chuyện cái điện thoại, vậy mà tôi cứ tưởng tượng chuyện gì ghê gớm lắm. Tôi phải ngồi xuống ghế, nhìn vào mắt con rồi giải thích:

- Bố mẹ không muốn cho con dùng điện thoại là muốn tốt cho con thôi. Nếu con ôm điện thoại nhiều thì mắt sẽ bị đau, đầu óc chậm chạp, không tập trung để học bài được, giảm trí nhớ. Con không thấy trên tivi có anh kia chơi điện thoại lâu bị méo mặt sao? Con có muốn như vậy không? Con có nghe tin mấy bạn xem YouTube trò treo cổ rồi bắt chước làm theo nên chết thật đấy thôi. Con không muốn bị như vậy, đúng không?

Con vẫn chưa chịu: thì con chơi điện thoại chút xíu thôi.

Tôi cương quyết:

- Chơi điện thoại rất dễ bị nghiện. Lúc đầu chơi ít sau chơi nhiều rồi nghiện luôn lúc nào không biết. Người lớn còn nghiện chứ đừng nói trẻ con.

Biết không thuyết phục được mẹ nên con không kèo nhèo nữa mà xin đi chơi tiếp.

Tôi toát mồ hôi vì đòi hỏi được bình thường như đứa trẻ khác của con. Hóa ra giữa tất cả những đứa trẻ được bố mẹ thoải mái nhét điện thoại vào tay bất chấp những hậu quả đã được cảnh báo thì con tôi lại thành không bình thường.

Hình ảnh những đứa trẻ phải vào trại cai nghiện smart phone thì lâu lâu mới xuất hiện trên ti vi nhưng cái cảnh cả nhà đi cà phê mà lớn bé mỗi người dán mắt vào một cái điện thoại thì phổ biến đến mức nhìn đâu cũng thấy.

Chị hàng xóm của tôi ngoài giờ đi làm cơ quan còn bận buôn bán shop quần áo nên nhiều hôm đón con đi học về chị giao cho con chiếc điện thoại để con chịu ở nhà một mình, mẹ ra shop, bố đi chơi bóng chuyền. 

Tôi chỉ mua cho con một cái điện thoại “cục gạch” để cho con cầm theo những lúc cần thiết như đi ngoại khóa với lớp hay lúc ở nhà một mình. Vì điện thoại cục gạch không lên mạng được cũng chẳng có trò chơi gì hay nên con chẳng mấy khi dùng.

Thời gian xem YouTube trên tivi Internet của các con cũng bị tôi quy định chặt chẽ và hạn chế, chỉ xem những chương trình mẹ đã duyệt. Tôi chấp nhận bị con kêu là “mẹ ác quá” mỗi khi tôi bắt con thoát khỏi những chương trình con thích nhưng tôi không duyệt.

Dù tôi đã rất cố gắng hạn chế sử dụng điện thoại khi các con ở nhà, chỉ dùng những khi thật cần thiết để làm gương cho con thì vẫn là chưa đủ sức thuyết phục với con. Xung quanh con cứ 10 đứa trẻ chắc có tới 8 đứa dù ở nhà hay đi chơi vẫn dán mắt vào điện thoại nên con cứ thèm được như thế.

Dù con buộc phải chấp nhận không giống bạn vì sự cương quyết của mẹ nhưng nhiều lúc nhìn ánh mắt ganh tị của con mà tôi cũng phải suy nghĩ, liệu sự cố gắng “khác người” của tôi có đủ để bảo vệ con trước những hiểm nguy trên mạng khi mà con vẫn có thể xem những clip độc hại trên điện thoại của bạn bè hàng xóm? 

Như Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI