Con tôi mới bốn tuổi đã bộc lộ tính hung hăng, bé sẵn sàng cắn, đá hoặc cấu véo người khác nếu không vừa ý. Hầu như ngày nào đến trường đón con, tôi cũng nghe cô giáo mắng vốn, rằng cháu đã cắn, đánh, tát bạn để giành đồ chơi, hoặc đơn giản là giành chỗ ngồi.
Cháu là con đầu lòng nên vợ chồng tôi khá cưng chiều, không để con phải thiếu thứ gì. Khi cháu hư, cả nhà không ai la mắng vì sợ bé buồn, chỉ dỗ ngọt. Tưởng được yêu chiều như thế, cháu phải ngoan hiền, nhưng ngay cả với tôi, bé cũng sẵn sàng hét ầm lên, cắn hoặc xô đẩy rất hung hăng nếu không đáp ứng điều cháu muốn.
Hôm rồi, cháu cứ đòi uống nước cam trước giờ đi ngủ, dù tôi đã giải thích “nước cam sẽ làm con mất ngủ”, nhưng cháu vẫn hét ầm lên, đấm đá lung tung. Bực quá, tôi mắng thì cháu túm lấy con gấu bông và… vặt đầu, ném vào góc phòng, mặt cháu đỏ bừng, răng cắn chặt rồi lao thẳng, húc đầu vào bụng tôi, hét lên “con ghét mẹ”.
Tôi rất lo lắng trước tính cách này của con. Liệu sau này lớn lên, cháu có trở thành kẻ ngỗ nghịch, hung ác, thậm chí phạm tội bạo hành với người khác?
Nghiêm Thị Chu (Tân Kỳ, Tân Quý, Q.Tân Phú, TP.HCM)
|
Ảnh mang tính chất minh họa. Shutterstock |
Tìm hiểu nguyên nhân, ngăn ngừa thịnh nộ
Chị kể ra rất nhiều hành vi biểu hiện tính hung hăng của con, nhưng lại không hiểu nguyên do nào khiến cháu hành xử như vậy. Bất cứ việc gì cũng có nguyên nhân, kể cả những biểu hiện thuộc về tâm lý như tính hung hãn, thích gây hấn. Có thể con trai chị bị một chấn thương tâm lý nào đó, như từng bị mẹ bỏ ở nhà một mình, bị ảnh hưởng bởi cảnh bạo lực trên phim, hoặc do cháu được nuông chiều quá mức, nên khi không vừa ý thì phản ứng.
Khi mệt, không được quan tâm, trẻ cũng dễ bộc phát tính hung hãn, nhằm gây chú ý. Nếu hiểu được nguyên nhân khiến bé có biểu hiện bạo lực với người khác, chị sẽ dễ dàng giải tỏa được tâm lý bức bối của cháu.
Là giáo viên, tôi thường gặp những trẻ hay gây sự với bạn. Quan sát và tìm hiểu cũng như thông qua phụ huynh, nắm bắt được diễn biến tâm lý của trẻ, tôi ngăn ngừa cơn thịnh nộ của bé: “Con không nên giành đồ chơi với bạn, cả hai có thể chơi chung hoặc đổi đồ chơi cho nhau”; “Cô thấy hai con là bạn thân của nhau, sao giờ lại cãi nhau nhỉ. Mình cùng ngồi xuống nói chuyện xem nào”; “Sao con không ra chơi với các bạn? Có điều gì làm con lo lắng?”…
Khi thấy trẻ bắt đầu phấn khích, cha mẹ cần giúp bé dịu lại bằng việc hỏi han, cho bé uống nước hoặc ăn nhẹ, đôi khi chỉ cần ôm trẻ vào lòng, khen con là đã giúp bé bình tĩnh lại.
Điều chị cần làm tiếp theo là trò chuyện với bé, trấn an và giải thích cho con hiểu việc đánh, cắn, la hét là rất xấu. Hành vi ấy không được cha mẹ và mọi người chấp nhận. Mẹ hiểu đó chỉ là phản ứng tức thời của con, vì con là một đứa trẻ ngoan và mẹ yêu con. Biết mình được lắng nghe, an ủi và yêu thương, trẻ sẽ nguôi ngoai những bức xúc và dịu lại, quân bình được tâm lý.
Minh Thùy (Quận 11)
Đừng dùng bạo lực để chế ngự bạo lực
Tôi làm nghề xây dựng nên thường xuyên vắng nhà. Việc nuôi dạy con cái, chăm sóc gia đình tôi giao khoán cho vợ. Trong một lần ở nhà, tôi bất ngờ phát hiện con gái bảy tuổi rất hung dữ. Đứa em trai ba tuổi nghịch ngợm lấy bút tô màu vẽ nguệch ngoạc vào cuốn vở tập viết của chị, vậy là cháu tát em, còn xô em té chúi nhủi vào góc nhà, sưng u một cục trên đầu. Thằng em khóc thét vì đau và chắc cũng tủi thân.
Tôi nóng mặt quát con bé, bắt cháu nằm úp sấp đánh cho ba roi để chừa tật bắt nạt em. Tưởng con sẽ sợ, dè đâu cháu không thèm khóc, mắt cứ trợn lên nhìn tôi đầy vẻ thách thức. Bực quá, tôi la vợ không biết dạy con. Tưởng cô ấy nghe rồi có cách khuyên can con, nhưng lại kéo nó ra giữa nhà, liên tục phát vào mông, mắng mỏ “không biết thương em, cứng đầu, hung dữ như quỷ, ngữ này lớn lên đi đánh lộn khắp xóm”.
Lần này thì con bé khóc tức tưởi, hét lên “con ghét thằng Tùng” (là đứa em trai). Trong cơn nóng giận, vợ chồng tôi đã không hiểu rằng, từ khi có con trai, chúng tôi cưng chiều thằng bé mà quên mất con gái. Hẳn là cảm giác bị ra rìa, không được quan tâm đã tích tụ trong lòng con bao lâu nay, nên nó mới trở nên cục tính, hung hăng như vậy.
Con gái tôi bỏ nhà đi hoang năm 14 tuổi khi trở thành học sinh cá biệt, bỏ học tụ tập bạn xấu suốt ngày đánh lộn, bắt nạt bạn bè, trở thành “đại ca” và nhiều lần bị bắt lên phường vì tham gia đua xe. Vốn nóng tính, lại thêm xấu hổ, thất vọng về con, tôi chỉ biết la mắng, đánh cháu. Điều ấy đã đổ thêm dầu vào lửa, khiến con bé càng lì lợm, hung hãn.
Giờ khi tôi hiểu được điều này thì con bé đã bị tổn thương rất nhiều. Mới đây cháu bị bắt khi tham gia một băng cướp giật. Vì còn trong độ tuổi vị thành niên và do bị xúi giục nên cháu được trả về cho gia đình. Khi tôi giơ tay định tát con, cháu trợn mắt quát: “Ông muốn giết thì giết luôn đi, tôi không cần sống khi là kẻ thừa trong nhà này nữa”. Tôi khựng lại trước khuôn mặt trẻ con nhưng già khấc của nó.
Cả hai cha con tôi cùng bật khóc. Sau đó, tôi đã trò chuyện với con cả đêm và hiểu được nỗi lòng của cháu. Tôi nghiệm ra rằng, chỉ có tình thương, lắng nghe và gần gũi mới có thể giúp con trẻ trưởng thành, kìm hãm tính khí nóng nảy, hung hăng.
Trần Quân Trung (Quận 4)
Gia đình hòa hợp, yên vui sẽ giúp trẻ kiểm soát tốt cảm xúc
Hung hăng không phải là một thói tật, đó là tâm lý bình thường ở bất cứ trẻ nhỏ nào. Điều cha mẹ cần biết là hiểu được cảm xúc của trẻ để giúp con kiềm chế, kiểm soát, dần tạo nên tính cách tốt cho trẻ. Thực ra những trẻ này rất nhạy cảm, khó kiểm soát cảm xúc nên cha mẹ cần quan tâm theo dõi con.
Nếu thấy trẻ có biểu hiện nóng nảy, lời nói hoặc hành vi bốc đồng thì kịp thời tìm hiểu tâm tư, lắng nghe và xoa dịu trẻ. Tuyệt đối không thỏ a hiệp với hành vi hung hăng của trẻ mà cần nghiêm khắc phân tích cho bé thấy mặt xấu, tác hại của nó bằng thái độ nghiêm khắc và cương quyết.
Cha mẹ cũng nên cùng trẻ chơi, tổ chứ c cho con làm việc nhóm với nhiều trẻ khác. Thông qua những hoạt động này, bạn sẽ dạy trẻ cách giao tiếp, hò a hợp với người khác. Thái độ vui vẻ, hò a nhã của bạn cũng là cách làm gương để trẻ học theo. Nếu trẻ gây hấn với bạn, đánh hay xô đẩy trẻ khác, bạn cần ôn tồn giải thích và hướng dẫn con cách chơi chung với bạn.
Duy trì một gia đình hòa hợp, vui vẻ và cởi mở cũng chính là cách bạn ngăn ngừa tính hung hăng ở trẻ. Khi sống trong không khí gắn bó, yêu thương, trẻ sẽ học được cách quan tâm đến người khác và hạn chế được những cơn nóng giận.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Đức Trí (Trung tâm tư vấn TYHN Linh Tâm, Hà Nội)