Con tôi được tập cách ứng xử văn minh ngay từ căng tin

09/10/2014 - 11:26

PNO - PN - Các bé tiểu học chờ mua thức ăn đông đúc nhưng không hề có cảnh chen lấn, hối thúc; đứng xếp hàng chờ đến lượt mình trật tự trước sau như lối vào làm thủ tục ở sân bay; khi nhận được món đồ cần mua, các bé biết nói...

edf40wrjww2tblPage:Content

Con toi duoc tap cach ung xu van minh ngay tu cang tin

Nguồn ảnh: Internet.

Tiếng là căng tin trường học nhưng được bài trí đẹp như một nhà hàng thu nhỏ, sạch sẽ, gọn gàng. Căng tin khá nhỏ nằm khiêm tốn trong một góc hẹp của trường, nhưng tôi thấy con tôi và bạn bè cháu rất thích thú khi được ăn uống trong không gian có ánh đèn vàng dịu nhẹ và tiết tấu vui nhộn của những bài hát thiếu nhi. Bàn ghế cũng không thuần theo khuôn mẫu như những căng tin khác, những chiếc gối được thiết kế để các bé có thể ngồi bệt tự do, không gò bó… Nhưng điều quan trọng là các bé đang được tập thói quen xếp hàng trật tự, ứng xử văn minh nơi công cộng ngay từ những sinh hoạt như thế này.

Khi con tôi mới được phân tuyến vào ngôi trường này, tôi đã muốn xin chuyển vì so về bề dày thành tích hay khuôn viên thì trường không bằng các trường khác. Nhưng sau một năm, rồi hai năm và bây giờ con tôi đã bước vào lớp 3, tôi lại thấy hài lòng với môi trường nơi đây, dù con tôi cũng chưa có thành tích học tập xuất sắc. Trường nằm ngay trung tâm quận nên khuôn viên nhỏ hẹp, cao bốn tầng lầu, sân trường chỉ vỏn vẹn hai cây bàng lấy bóng mát.

Giờ ra chơi chỉ có 15 phút, nhiều học sinh (HS) ở tầng thượng không thể chạy xuống sân chơi nên đứng quanh quẩn trên các tầng cao. Thấy vậy, nhà trường đã cải tạo hai phòng học ở tầng thượng làm thành sân vườn. Trường còn nhiều HS có hoàn cảnh khó khăn nên không phải lớp học nào cũng được phụ huynh (PH) đóng góp trang bị máy chiếu, ti vi, nhưng tất cả các lớp học đều được trang trí sơ đồ đường đi học của HS trong lớp. Cô hiệu trưởng lý giải rằng vẽ sơ đồ đi học để các bé biết bạn bè xung quanh đến từ đâu, ở khu vực nào. Trên đường đi học gặp sự cố, các bé cũng biết đường đến trường hoặc về nhà… Những thứ này có lợi cho HS mà lại không tốn tiền.

Thực tế, PH chúng tôi cũng phải đóng tiền để làm những công trình, trường cũng vận động xã hội hóa để làm thư viện, nhà vệ sinh. Tất nhiên chúng tôi sẽ cảm thấy ấm ức, bức xúc nếu tiền đóng vào mà không thấy phục vụ gì cho con em mình. Ở đây, tôi thấy việc đóng góp là chính đáng, tiền của chúng tôi được dùng đúng mục đích. Hơn nữa, thầy cô cũng góp một phần phúc lợi để cùng làm.

Thay vì làm nhà vệ sinh thông minh tốn nhiều tiền thì trường chỉ làm nhà vệ sinh bình thường đảm bảo yêu cầu, các cháu đi vệ sinh xong được hướng dẫn có ý thức tự dội nước, rửa tay. Thư viện thì được đầu tư hiện đại, bài trí bắt mắt, có cả sách, truyện tiếng Anh… vừa làm nơi tự học, thư giãn cho HS; cũng là nơi để giáo viên, PH vào đọc báo.

Tôi có con lớn đi học nên tôi hiểu việc nhà trường vận động PH đóng góp mỗi đầu năm học là rất phổ biến, PH các nơi bức xúc vì quá nhiều khoản phải đóng. Nhưng nếu tiền đóng vào phục vụ cho việc học và sinh hoạt của HS thì PH chúng tôi ủng hộ. Đời sống của đại bộ phận PH cũng không phải khá giả nên chỉ hy vọng nhà trường vận động những khoản hợp lý. Chúng tôi chỉ cần đảm bảo đủ điều kiện cho trẻ chứ không hy vọng con mình bước vào nhà vệ sinh trường học sang… như khách sạn hay thư viện điện tử cao cấp. Vận động xã hội hóa mà đúng cách thì chúng tôi luôn đồng lòng ủng hộ.

MỸ DUNG (Q.1, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI