Còn thương rọ heo mọc bên đường

04/08/2022 - 21:32

PNO - Trong hàng loạt món rau dân dã do các chị các cô hái ra chợ, tôi phát hiện bó ngọn rọ heo trong chiếc mẹt nhỏ của cô hàng rau...

Quê tôi gọi cây này là cây rọ heo, vì có cái rọ nhỏ xinh bọc lấy trái
Quê tôi gọi cây này là cây rọ heo, vì có cái rọ nhỏ xinh bọc lấy trái


Tôi sinh ra vào năm 1980. Thời đó và mãi đến cuối những năm 1990, vùng Đạ Huoai (Lâm Đồng) vẫn là nơi đất nhiều - người ít. Các loại chất hóa học như thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hay máy cắt cỏ gần như không có. Dụng cụ làm vườn thường là rựa hoặc cuốc, nên chủ vườn phần lớn phát cỏ ở khu vực cây trồng, còn hàng rào, ven đường, ven suối đều giữ nguyên sự um tùm. Những khu vực um tùm đó là khu vực “săn” trái cây của bọn trẻ trong xóm.

Trái rừng quê tôi rất phong phú. Chúng tôi có thể thu hoạch trái mâm xôi đỏ như những đốm lửa, trái muối trắng tinh, trái mua tim tím, trái dú bò vàng vàng, trái trâm xanh sống, đỏ chín và tím mùi… Mỗi trái một màu, mỗi trái một vị và mỗi trái cũng một mùa, chỉ có dây rọ heo là cho trái chín quanh năm.

Cây rọ heo thân dây, có thể bò trên mặt đất hay mượn tạm một cây rừng, hoặc rào kẽm gai để làm giàn. Trái rọ heo chín quanh năm, dây xanh mướt những chiếc lá to nên ban đầu, lũ trẻ nhầm tưởng loại cây này không chết. Chỉ đến lúc phát hiện một cây rọ heo trong góc khuất có cả dãy trái chín vàng ươm với lá héo rũ, chúng tôi mới nhận ra, khi cây cho trái đến độ nào đó, cây sẽ chết. Trái chín khi rụng xuống đất sẽ có hàng chục cây con mọc lên thay thế. 

Người quê tôi gọi loại cây rừng này là cây rọ heo. Trái của cây sẽ lớn dần trong “chiếc rọ” thiên nhiên do cây tạo ra. Lúc đó, chỉ cần xé nhẹ lớp vỏ mỏng vàng, thì xuất hiện một hương thơm thoang thoảng, ngai ngái cùng những múi trái có màu vàng nhẹ bao quanh chiếc hạt đen ánh. Tôi sẽ đưa phần trái đã xé vỏ lên môi, hút nhẹ, theo lực hút, phần thịt quả dần tách khỏi cuống màu trắng, di chuyển qua môi và lưỡi, cho hương thơm nhẹ, vị ngọt, thanh... 

Nếu lũ trẻ chúng tôi chỉ dám rón rén hái trái, thì người lớn “mạnh tay” hơn. Hễ phát hiện đám rọ heo nào um tùm là họ kéo cả dây, cả giàn về nhà, chặt chặt, phơi phơi, nấu nước uống để ngủ ngon. 

Thời đó, dây rọ heo mọc nhiều đến nỗi, thi thoảng phát hiện kho báu của mình đã bị người lớn mang đi, chúng tôi chỉ chạnh lòng một chút, rồi lôi kéo nhau đi xa nhà hơn, thể nào cũng tìm thấy một đám rọ heo khác với những dãy trái chín vàng.

Cứ thế, tôi lớn lên theo các mùa trái rừng, đi học, rồi lấy chồng, sinh con. Vài ngày trước, khi ra vùng ven của quận 9, TPHCM, trong hàng loạt món rau dân dã do các chị các cô hái ra chợ, tôi phát hiện bó ngọn rọ heo trong chiếc mẹt nhỏ của cô hàng rau. Thấy ánh nhìn của tôi, cô vui vẻ” “Chị mua đọt nhãn lồng về luộc đi. Rau này giúp ngủ ngon đấy”. 

Nghe cái tên mỹ miều của loại cây dại này, tôi ngỡ mình nhận lầm, vội cầm một bó lên săm soi. Đúng mà, vẫn chiếc lá ấy, vẫn những vòi cuốn ấy, vẫn cái mùi ngai ngái ấy. Biết mình không nhận sai, tôi mỉm cười: “Quê em người ta gọi nó là cây rọ heo, vì có rọ bao quanh trái. Nhưng người ta không ăn ngọn, người ta chặt cả cây, phơi khô, nấu nước uống. Lũ trẻ thì hái trái chín để ăn”. 

Gặp người “trong nghề”, chị bán cười, kể tội đám con và lũ cháu. Rằng chúng cũng ghiền loại trái này nên chỉ đồng ý cho chị hái ngọn, không được chặt cả cây, không được nhổ gốc… Nhờ vậy, mà thi thoảng chị hái được cả rổ đọt nhãn lồng mang đi bán.

Tối đó, ông xã tôi ồ lên khi phát hiện “tuổi thơ” qua đĩa ngọn nhãn lồng luộc. Đến lúc ấy tôi mới biết, không chỉ vùng đất ấu thơ của tôi mà ở vùng biển quê anh, loại dây dại này cũng mang tên “cây rọ heo”. 

Huỳnh Hằng

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI