Còn thương rau đắng mọc bình thường!

19/05/2017 - 09:12

PNO - Chính thái độ văn minh của những người làm công tác quản lý văn hóa sẽ giúp “rau đắng” được mọc bình thường, theo buồn vui của nhiều thế hệ người Việt!

Cục Nghệ thuật biểu diễn vừa cấp phép cho 10 ca khúc sáng tác trước năm 1975 được lưu hành, gồm: Xa người mình yêu của tác giả Song Phượng, Những chuyến xe trong cuộc đời của tác giả Hoài Linh, Con đường mang tên em của tác giả Trúc Phương, Tình nghèo có nhau của tác giả Đài Phương Trang, Còn thương rau đắng mọc sau hè của tác giả Bắc Sơn, Giã từ cố đô của tác giả Phạm Mạnh Cương, Tôi bước vào yêu của tác giả Trúc Bạch - Hoàng Sơn, Vỹ Dạ đò trăng của tác giả Canh Thân, Lại nhớ người yêu của tác giả Giao Tiên và Tìm em nơi đâu của tác giả Nguyễn Công Phương Nam - Trần Nguyễn Thiên Hương.

Con thuong rau dang moc binh thuong!
 

Như vậy, danh mục những ca khúc có thể ngân vang trên các sân khấu chuyên nghiệp lại được nhiều thêm một chút. Nhưng nỗi băn khoăn về quy trình phổ biến các ca khúc cũ vẫn còn nguyên.

Trong 10 ca khúc vừa được “tái sinh”, trường hợp khiến người yêu nhạc ái ngại nhất là Còn thương rau đắng mọc sau hè. Hóa ra, bao nhiêu năm qua các ca sĩ đều hát… chui bài hát này, từ thị trường băng đĩa đến những sự kiện hoành tráng được truyền hình trực tiếp trên màn ảnh nhỏ quốc gia. Vì không ai “xin” nên chẳng ai “cho” giấy phép phổ biến ca khúc này, hay ai thích hát thì hát mà không ai thèm bận tâm?

Nhạc sĩ Bắc Sơn đã qua đời năm 2005 ở độ tuổi 74, chắc ông không thể nào ngờ 12 năm sau, ca khúc nổi tiếng nhất của ông mới được cấp lại “chứng minh thư” hợp pháp. Vốn là một nghệ sĩ biểu diễn, nhạc sĩ Bắc Sơn viết ca khúc Còn thương rau đắng mọc sau hè cho vở kịch Bếp lửa ấm công diễn lần đầu năm 1974.

Sau khi đất nước thống nhất, ca khúc Còn thương rau đắng mọc sau hè được hát khắp nơi, và được xem như một trong những bài hát mang âm hưởng dân ca Nam bộ quen thuộc. Bản thân nhạc sĩ Bắc Sơn cũng được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú vào năm 1997. Trớ trêu thay, Còn thương rau đắng mọc sau hè vẫn chỉ “mọc” ngoài hàng rào của các cơ quan quản lý văn hóa.

Sau vụ lùm xùm về văn bản tạm dừng cấp phép Con đường xưa em đi và bốn ca khúc trước năm 1975, bị dư luận phản ứng gay gắt, cuối cùng phải ra văn bản khác để hủy bỏ, đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn giải thích quy trình thủ tục của việc cấp phép phổ biến ca khúc trước năm 1975 phải có các bước cụ  thể.

Thứ nhất, tổ chức đề nghị cấp phép gửi đề nghị đến phòng quản lý băng đĩa. Thứ hai, phòng quản lý băng đĩa thẩm định nhân thân tác giả, thẩm định nội dung, hoàn cảnh sáng tác rồi gửi đến hội đồng nghệ thuật. Thứ ba, hội đồng nghệ thuật sẽ thẩm định giá trị nghệ thuật rồi gửi cho lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn ký ban hành giấy phép. Với ba bước trên, Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng “không thể gọi đúng quy trình đó là quy trình xin-cho, mà là quy trình đề nghị - đồng ý”.

Khái niệm xin-cho và đề nghị - đồng ý chỉ khác biệt về mặt ngôn ngữ. Ở đây, ca khúc Còn thương rau đắng mọc rau hè của nhạc sĩ Bắc Sơn (cũng như ca khúc Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) bị rơi vào hoàn cảnh trớ trêu là không có cơ quan nào đưa ra những lưu ý cần thiết về tư cách tồn tại hợp pháp khi bài hát được biểu diễn lần đầu tiên sau năm 1975.

Nếu cái quy trình mà Cục Nghệ thuật biểu diễn khẳng định hoàn toàn hợp lý, thì tại sao những sản phẩm âm nhạc hoặc những chương trình nghệ thuật có ca khúc Còn thương rau đắng mọc sau hè vẫn được cấp giấy phép một cách hồn nhiên như vậy? Thậm chí, bao nhiêu năm, tác giả vẫn được nhận bản quyền Còn thương rau đắng mọc sau hè, và rất nhiều ca sĩ vẫn giành được giải thưởng nọ giải thưởng kia nhờ bài hát Còn thương rau đắng mọc sau hè!

Bất cứ ca khúc nào muốn xuất hiện trong băng đĩa hoặc tại các show diễn, đều phải được sự phê duyệt của cơ quan quản lý văn hóa trên địa bàn. Tại sao Cục Nghệ thuật biểu diễn không căn cứ vào những hoạt động công khai ấy, để cấp giấy phép cho các ca khúc?

Tại sao Cục Nghệ thuật biểu diễn chờ người khác “đề nghị” để “đồng ý”, mà không thiện chí “đề nghị” để các tác giả hoặc các trung tâm băng nhạc “đồng ý” làm thủ tục phổ biến ca khúc? Nhất là những ca khúc đã có chỗ đứng riêng trong lòng công chúng như Còn thương rau đắng mọc sau hè (hoặc Nối vòng tay lớn) thì đời sống của nó luôn dài hơn nhiệm kỳ của một lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Cái ngắn phải nương theo cái dài, cái nhất thời phải nương theo cái trường cửu, chứ không thể ngạo nghễ làm ngược lại.

Chính thái độ văn minh của những người làm công tác quản lý văn hóa sẽ giúp “rau đắng” được mọc bình thường, theo buồn vui của nhiều thế hệ người Việt!

Lê Thiếu Nhơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI