Còn thương ngọn gió qua vườn…

30/11/2019 - 14:08

PNO - Về sau này, Ý Nhi viết thêm truyện ngắn. Như bà tâm sự, những gì không chuyển tải hết được bằng thơ, bà chọn văn xuôi.

Có lần tôi gọi cho nhà thơ Ý Nhi, chuông reo mấy lượt mà không ai bắt máy. Mãi đến chiều tối, cô mới gọi lại, bảo: “Cô dở tay làm vườn”. Hôm nay, nhận được tác phẩm Ngọn gió qua vườn (tuyển tập thơ - truyện ngắn, nhà xuất bản Phụ Nữ) của cô, tự dưng tôi hình dung về một người đàn bà ngồi lặng lẽ nơi khu vườn nhà, trong im lặng khẽ khàng mà thanh yên cùng hoa lá và ngọn gió. Bình yên sống và lặng lẽ viết, nhẹ nhàng thế thôi. 

Ngọn gió qua vườn dày gần 1.000 trang, bao gồm cả phần phụ lục những bài viết của bạn bè thi nhân dành cho Ý Nhi. “Ý Nhi dường như luôn mang theo mình một nguồn sức mạnh. Một sức mạnh và sự ngay thẳng. Tôi không bao giờ quên lần bà đọc thơ cùng Demetria Martinez tại Thư viện Boston hoặc tại Santa Fe. Hình ảnh bà xuất hiện trên sự trống trải của sa mạc, những ngôi làng người da đỏ. Hình ảnh một người phụ nữ phá vỡ những khuôn mẫu và thần thoại cũ, truyền tải đến chúng tôi những gì bền vững, tốt và có giá trị, cách để bước đi ngay thẳng trên thế giới này” - nhà thơ Kevin Bowen, Giám đốc William Joiner Center for the Study of War and Social Consequences - đã nhận định về Ý Nhi như thế. 

Con thuong ngon gio qua vuon…

Năm 2015, Ý Nhi được trao giải thơ Cikada của Thụy Điển. Năm 2016, tên tuổi bà được nhắc đến trong đề cử Nobel văn chương. Dù chỉ là “bước chạm ngưỡng” đến một giải thưởng danh tiếng thế giới nhưng đó cũng là “cú chạm” vào thơ ca Việt Nam, nhắc người ta nhớ rằng, thơ và những giá trị thật không bao giờ bị lãng quên. Sự phôi pha có chăng là do người ta lâu nay đã nghĩ về thơ theo cách nhìn trào lộng, bỡn cợt quá nhiều. 

Lần nào tiếp cận tác phẩm của nhà thơ Ý Nhi, tôi cũng có được cảm giác chìm đắm và thẳm sâu - đó là thứ cảm giác đẹp mộng mị và tuyệt vời mà văn chương đích thực có thể mang lại cho người đọc. “Khác với Xuân Quỳnh, cảm thức về cá nhân trong thơ Ý Nhi không tuôn chảy dào dạt. Xuân Quỳnh thả cảm xúc ra, đẩy cảm xúc tới, đi hết cõi lòng mình, muốn nói một lần cho tất cả. Ý Nhi nén lòng mình lại, luôn giữ một chút gì đó trong lòng, chưa bày tỏ hết. Thơ Ý Nhi viết hay về tuổi trẻ và tình yêu; truyện Ý Nhi viết hay về tuổi già và tình bạn. Người già trong truyện bà như người đi lạc, lạc loài và lạc lõng với thế giới này” - giáo sư Huỳnh Như Phương nhận định. 

Ngọn gió qua vườn như gói ghém cả một đời thơ của Ý Nhi. Tác phẩm bắt đầu bằng bài thơ Mưa dạo tháng Mười được viết tại Thái Nguyên (1972) đến Mặt trời tháng Tư, Từ phố biển em về, Cửa rừng, Thư mùa đông, Trung du, Biển… Sách cũng được chia thành nhiều chủ đề riêng biệt dành cho thơ. Đó là tựa những tập thơ từng được in từ năm 1974 của bà: Nỗi nhớ con đường và đến với dòng sông, Người đàn bà ngồi đan, Ngày thường, Gương mặt, Vườn cùng phần truyện ngắn và phụ lục. 

Về sau này, Ý Nhi viết thêm truyện ngắn. Như bà tâm sự, những gì không chuyển tải hết được bằng thơ, bà chọn văn xuôi. Trong văn có thơ, truyện của bà nhiều cảm xúc, nhiều vần điệu. Ý Nhi nói, bà đã nghĩ sẽ “về vườn”, không viết lách gì nữa sau Ý Nhi tuyển tập (2010) nhưng rồi bà vẫn viết, khi “văn chương chữ nghĩa đã thấm vào trong máu”. Bà bảo viết như một nhu cầu. Để rồi Có gió chuông sẽ reo, Kỷ niệm không có mưa tiếp tục ra đời và giờ là Ngọn gió qua vườn.

Nhà văn Lê Minh Khuê khi viết về Ý Nhi đã đúc kết bằng câu: “Một cuộc độc thoại triền miên” - độc thoại với những khát vọng, tình yêu và sự tự do. Thơ Ý Nhi như lời nguyện cho nỗi yên hàn. 

Nhà thơ Ý Nhi (Hoàng Thị Ý Nhi, sinh năm 1944, tại Quảng Nam) từng được trao giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam với tác phẩm Người đàn bà ngồi đan năm 1985. 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI