Còn thương bếp ngoại ngày mưa

01/09/2021 - 06:49

PNO - Sau những cuộc chơi đầy ắp tiếng cười, thể nào cả đám con nít cũng ùa vào chái bếp của ngoại nũng nịu vòi ngoại làm món này món nọ cho ăn.

Hẻm nhỏ giăng dây theo cơn dịch tràn qua thành phố. Dân cũng toàn tứ chiếng đổ về, chủ yếu là buôn gánh bán bưng nên cái lo bữa no bữa đói in hằn theo tiếng thở dài. Thấp thỏm chừng hai ba ngày thì một buổi trưa vắng, dân hẻm nghe lanh lảnh tiếng loa gọi các nhà trật tự ra đầu hẻm nhận hàng tiếp tế.

Đã mấy ngày thiếu rau trái nên ai cũng hồ hởi khi thấy ngoài mớ gạo mớ mì gói lại được bó rau muống, mấy củ cà rốt, su su. Ai đó về ngang cửa nhà nói vọng: “Có mấy trái thanh long với cả mớ chôm chôm nữa nè”.

Chị nói với má: “Cứ mỗi lần thấy chôm chôm là con nhớ bếp của ngoại”
Chị dâu tôi nói với má: “Cứ mỗi lần thấy chôm chôm là con nhớ bếp của ngoại”

Hồi tôi còn nhỏ, mỗi hè, anh em chúng tôi lại được ba má gởi từ Sài Gòn về quê ngoại miệt phù sa trổ chín cửa sông. Ba má tảo tần suốt nên sợ để mấy đứa con ở nhà chẳng ai chăm, lại thêm ba má cũng muốn con mình dù sinh ra và lớn lên ở đô thành phồn hoa vẫn phải biết gốc tích ông bà, quê hương.

Vậy miết thành quen rồi ghiền. Hễ vừa được nghỉ học là đám con lại háo hức giục ba má cho về quê. Sáng tờ mờ ra xa cảng miền Tây leo lên xe ngủ một giấc đã nghe mùi phù sa quyện cánh mũi, thấy ba tháng hè rộn rã với đám anh em họ dưới quê hiện ra trước mắt. 

Mưa đổ đồng mấy lượt, đám cây trái quanh vườn lúc lỉu trên cành. Đây là mùa của sầu riêng, măng cụt, nhãn, xoài, chôm chôm… Đám chúng tôi cứ bày trò đánh trận giả, tắm sông, trèo cây hái trái mê mệt suốt ngày.

Sau những cuộc chơi đầy ắp tiếng cười, thể nào cả đám con nít cũng ùa vào chái bếp của ngoại nũng nịu vòi ngoại làm món này món nọ cho ăn. Cứ hôm nào có gì ngon, ngoại lại nấu ra món mới. Sau này, đám chúng tôi cứ hễ canh mưa, canh tháng là biết ngay trong vườn nhà trái nào chín tới để rồi lại thèm thuồng cái món dân dã chân quê từ bàn tay khéo léo của ngoại. 

Món ngon từ chôm chôm
Món ngon từ chôm chôm

Như hôm người ta cho mỗi nhà cả chùm chôm chôm, tôi lại nhắc má mấy món hồi trước ngoại hay làm. Mùa chôm chôm độ chừng nửa tháng, vườn nhà mấy bận lái vào hái bán nhưng ngoại vẫn dành lại vài cây chôm chôm tróc để hễ đám cháu í ới là ngoại liền bày ra nấu mấy món ngon cho ăn.

Chôm chôm chẳng phải chỉ là loại trái cây để ăn chơi vui miệng. Từ chôm chôm, ngoại còn nấu thành mấy món hấp dẫn cho bữa cơm chính thêm phần đa dạng.

Còn nhớ mấy bận mưa chiều, ngoại cho đám cháu tắm mưa rồi hái mớ chôm chôm chín đỏ lột vỏ bỏ hột. Khi đám cháu còn mải đùa giỡn trong vườn nhà, ngoại bắc bếp luộc gà.

Phần thịt gà, ngoại xé ra trộn với phần ruột chôm chôm đã chẻ làm tư rồi thêm mớ cà rốt, dưa leo, hành tây xắt sợi. Ngoại nặn thêm vài miếng chanh, trộn đều; làm thêm chén mắm tỏi ớt chua cay. Vậy là đám cháu có món gỏi gà chôm chôm. Món gỏi có vị ngòn ngọt chua thanh ăn rất lạ miệng.

Phần xương gà ngoại hầm chung với cà rốt, khoai tây, su su cắt khúc. Đợi mớ củ chín tới, ngoại cho thêm phần ruột chôm chôm còn nguyên trái đã lấy hột vào đun sôi thêm mấy bận nữa rồi bắc xuống làm món canh cho đám cháu, rải lên mớ hành ngò mới hái, thêm chút tiêu xay.

Mùi hương tỏa lên đủ khiến đám cháu xôn xao. Mỗi đứa một tô cơm, cứ thế bữa ăn chiều nơi chái bếp của ngoại lại rôm rả tiếng cười. 

Ngoại khéo tay nhất nhà. Mấy món ăn của ngoại cũng lạ nhất nhà. Như má hay kể, hồi còn nhỏ, mấy cậu mấy dì và má cũng mê mẩn nhiều món ăn từ khu vườn xanh um hoa lá cây trái xứ phù sa. Bận giỗ chạp trong làng, người ta thường ghé nhà nhờ ngoại đi nấu đám.

Cứ canh theo mùa vụ, mùa này có thứ gì ngon, ngoại lại dùng làm nguyên liệu để nấu thành đặc sản, nên bàn tiệc của ngoại nức tiếng khắp vùng.

Hay như hồi anh tôi lấy vợ là người Sài Gòn, một mùa chôm chôm khi ngoại không còn khỏe mạnh như trước, tay chân bắt đầu run run, anh dẫn vợ về gặp ngoại bởi hôm đám cưới ngoại chẳng thể lên Sài Gòn được. Ngoại bảo anh thích món chôm chôm nhồi thịt của ngoại lắm.

Bận đó, chị dâu được ngoại tỉ mỉ truyền lại cái món mà như ngoại nói, là để “giữ chồng”.

“Đàn ông thời này ra đường năm bảy bữa cơm ngoài cũng chẳng lạ nhưng nếu khéo nấu nướng thì chỉ vài bữa cơm ngon bếp nhà cũng đủ để chồng mình tìm về nhen con. Cái nghĩa vợ chồng ấm hay không là nằm ở gian bếp nhà mình”, vừa hướng dẫn chị món chôm chôm nhồi thịt, ngoại vừa thủ thỉ. Chị dâu gật gù vừa phụ vừa nghe ngoại dạy dăm chuyện phải đạo của duyên vợ chồng.

Ngoại biểu chị lột vỏ rồi lấy hột trái chôm chôm. Xẻ một đường ngang quanh thân rồi lấy mũi dao nhọn mà lẩy theo từng thớ, chôm chôm tự tróc theo từng đường lẩy, lấy được cái hột mà vẫn giữ nguyên hình hài trái chôm chôm.

Thịt bằm ngoại thêm vào miếng giò sống trộn đều; nêm chút nước mắm, chút đường, chút tiêu, mớ hành cắt khúc rồi trộn cho thấm gia vị. Đem mớ thịt đã trộn nhồi vào ruột của trái chôm chôm. Hầm nồi nước xương heo với củ sắn, cải thảo, cà rốt, cải trắng hay su su... rồi cho mớ chôm chôm nhồi thịt vào nấu chung.

Món này nấu nhanh, chỉ cần rau củ mềm, nghe mùi ngòn ngọt thanh thanh của chôm chôm bốc nghi ngút theo làn khói mỏng là ăn được.

“Ăn riết thành ghiền. Như chồng bây đó, cứ mùa chôm chôm nào cũng canh về mà bắt ngoại làm. Giờ bây học rồi thì nhớ nghen, ngoại đâu có còn mấy mùa chôm chôm nữa mà nấu cho con cháu ăn miết”, ngoại nói. Bận đó đám cháu lớn tồng ngồng tụ về nơi chái bếp của ngoại chợt rưng rức cõi lòng. 

Từ chôm chôm, ngoại còn nấu thành mấy món hấp dẫn cho bữa cơm chính thêm phần đa dạng
Từ chôm chôm, ngoại còn nấu thành mấy món hấp dẫn cho bữa cơm chính thêm phần đa dạng

Những mùa chôm chôm cứ thế đi qua. Đám cháu con xuôi ngược nơi thị thành phồn hoa, thoảng khi thấy mấy xe chôm chôm bán dạo dọc đường lại nhớ đến ngoại. Ngoại chẳng còn nữa. Sau cái hồi ngoại dạy chị dâu được năm mùa chôm chôm là ngoại đi, ngay mùa chôm chôm sai trái.

Má về ngồi nơi chái bếp phụ mấy dì mần đám ngoại. Mấy chị em hỏi nhau biết ngoại khoái ăn món gì không để làm cúng. Vậy mà ngơ ngác. Hết má ngồi thẫn thờ đến mấy dì chưng hửng, đám cháu cũng ngẩn ngơ.

Hóa ra cả đời người gắn chặt với chồng con và đám cháu, ngoại đâu bao giờ nấu món gì mình thèm. Bếp của ngoại chỉ nấu cho con, cho cháu. Mỗi đứa một nết ăn. Mỗi đứa một món ghiền. Ngoại nhớ hết trơn.

Chỉ cần đám cháu con gọi điện thoại nói tuần này con về nha ngoại, vậy là bếp của ngoại đã đầy đủ món của đứa này đứa kia. Giữa những bữa ăn ấm áp rộn ràng, đám cháu con cứ hít hà khen lấy khen để, rồi nhanh tay gắp món này, lẹ đũa chọn món kia. Cứ nhủ lòng chỉ cần ăn hết mấy món ngoại nấu là ngoại vui nhưng rồi ngay giây phút muốn nấu một món ngoại thích, thì cả nhà cứ trân mắt nhìn nhau rồi nghe cay xè sống mũi. 

Chị dâu vừa đem vào nhà mớ chôm chôm quà bà con miền Tây gởi lên tiếp sức cho bà con Sài Gòn đi qua cơn dịch. Chị nói với má: “Cứ mỗi lần thấy chôm chôm là con nhớ bếp của ngoại”. Câu nói nhẹ tênh mà da diết.

Trời bắt đầu trút mưa. Mới nắng đó mà mưa ngay. Đôi khi bàn chân ta mải miết đi về phía trước mà đánh rơi những mùa thương cũ. Mùa này, chôm chôm có còn lúc lỉu vườn nhà? Bếp của ngoại có còn ai cơi lửa ấm? Mấy món của ngoại liệu đám cháu con mấy ai học được?

Mưa rì rầm trên mái tôn. Mưa dội vào lòng đám cháu con khi thấy mấy trái chôm chôm.

Hình như má cũng buồn. Má lột vỏ chôm chôm, tách hột. Chị dâu mở tủ lạnh lục tìm gà và thịt xay. “Chiều nay nhà mình ăn canh chôm chôm nha bây”, má biểu vậy và vẫn đều tay lột vỏ. Trái chôm chôm chín đỏ một màu rưng rưng thương nhớ. 

 Tống Phước Bảo

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI