Sinh con hơn một năm nhưng vẫn chưa được hưởng chế độ thai sản
Sinh con hơn một năm nhưng vẫn chưa được hưởng chế độ thai sản là tình cảnh của chị Trương Thị Hòa (KP.9, P.Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương), đang làm việc tại Công ty TNHH TM Quốc Thắng (53/1A Quốc lộ 13, KP.1, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM).
Làm hai năm chỉ được đóng bảo hiểm xã hội tám tháng
Chị Hòa cho biết, ngày 1/8/2013, chị được nhận vào làm kế toán cho Công ty (CT)TNHH TM Quốc Thắng, nhưng mãi đến ngày 31/12/2014, CT vẫn không ký hợp đồng lao động (HĐLĐ), không đóng bảo hiểm (BH) cho chị. Sau đó, CT yêu cầu chị ký HĐLĐ (từ 8/2013 - 12/2014), trong HĐ ghi: lương đã có các khoản BH theo quy định. “Tôi thắc mắc thì được CT giải thích, HĐ đó chỉ hợp thức hóa thời gian đã qua, sang năm 2015 sẽ ký HĐ mới và tham gia BH theo quy định”, chị Hòa kể.
Năm 2015, đợi mãi cũng không thấy CT ký HĐ, lúc này lại đã mang thai, nên chị Hòa xin tham gia BH để hưởng chế độ thai sản. Sau nhiều lần đề nghị, tháng 6/2015 chị mới được ký lại HĐ, nhưng CT chỉ ký đến lúc chị nghỉ sinh là tám tháng (từ tháng 1/2015-8/2015 với mức lương tham gia BH là 3.320.000đ). Trong thời gian này, CT chỉ đóng BH cho chị 11% (365.000đ/tháng), phần còn lại chị phải đóng là 21,5% (714.000đ/tháng). Trong tám tháng, số tiền chị bị trừ đóng BH là 5.710.000đ; trong khi theo quy định, chị chỉ phải nộp số tiền BH trong tám tháng là 2.789.000đ.
Chị Hòa bức xúc: “Đến tháng 7/2015, khi tôi làm đơn xin nghỉ hưởng chế độ thai sản từ ngày 15/8/2015-15/2/2016 thì CT không đồng ý, yêu cầu tôi nghỉ việc luôn với lý do HĐLĐ của tôi đến ngày 31/8/2015 là hết hạn. Sau thời gian nghỉ thai sản, tôi nhiều lần đề nghị, CT mới trả sổ BHXH. Khi tôi đến BHXH Q.Thủ Đức làm thủ tục lãnh chế độ thì được biết HĐLĐ của tôi hết hạn trùng với thời điểm nghỉ sinh nên phải về địa phương để lãnh. Tôi đã liên hệ với BHXH TP.Thủ Dầu Một, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”.
Cần khởi kiện để đòi quyền lợi chính đáng
Vì sao người lao động (NLĐ) làm việc đã 16 tháng, CT không đóng BHXH? Ông Đỗ Thanh Hán, Giám đốc CT TNHH TM Quốc Thắng cho biết, năm 2013-2014, trước khi ký HĐLĐ, cán bộ lao động tiền lương có yêu cầu NLĐ phải nộp đầy đủ hồ sơ giấy tờ, nhưng không thấy chị Hòa bổ sung. Vậy chị Hòa thiếu giấy tờ gì? Ông Hán mập mờ “phải kiểm tra lại”. Theo ông Hán thì “CT không ký HĐ nhưng tất cả đã đưa vào lương, BHXH trả luôn vào thu nhập rồi. Ai đầy đủ giấy tờ thì vẫn ký, một số nhân viên trong CT vẫn ký HĐLĐ đầy đủ”. Về vấn đề chi trả chế độ thai sản, ông Hán cho biết, CT đã trả sổ BHXH cho chị Hòa, BHXH Q.Thủ Đức đã hướng dẫn về địa phương nhận, nên CT đã hết trách nhiệm với NLĐ.
Theo ông Đỗ Văn Thuyên, Trưởng phòng Tuyên truyền BHXH TP.HCM, căn cứ vào Luật BHXH, người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ ba tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật đều phải tham gia BHXH. Điều 31, khoản 2, chương 3, Luật BHXH quy định, NLĐ phải đóng BHXH từ đủ sá u tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì được hưởng chế độ thai sản.
“Đối chiếu với những quy định trên thì CT phải truy đóng BHXH, BHYT cho chị Hòa từ tháng 8/2013 đến tháng 12/2014. Trường hợp HĐ hết hạn trùng với thời điểm nghỉ sinh thì thời gian này không được tính là thời gian đóng BHXH và chị Hòa có thời gian tham gia BHXH đủ từ sáu tháng trong vòng 12 tháng thì được giải quyết chế độ thai sản”, ông Thuyên phân tích.
Cũng theo ông Thuyên, chị Hòa cần yêu cầu CT truy đóng BH cho chị thời gian còn thiếu. Nếu CT không thực hiện, chị có thể khởi kiện. Trường hợp nơi tiếp nhận giải quyết chế độ thai sản không thực hiện đúng theo luật, chị cần kiến nghị lên lãnh đạo đơn vị đó để xem xét.
Từ ngày 1/8/2013-31/12/2014, CT và NLĐ thỏa thuận ký HĐLĐ bao gồm lương đã có các khoản BHXH và BHYT là vi phạm pháp luật, bởi thời hạn HĐLĐ từ ba tháng trở lên thì phải tham gia BHXH và BHYT bắt buộc (điều 2, Luật BHXH năm 2006). Do đó, CT và NLĐ phải truy nộp số tiền BHXH và BHYT bắt buộc để đảm bảo quyền lợi liên tục của NLĐ (khoản 1 và 4, điều 26, Nghị định 95/2013/NĐ-CP).
Giai đoạn từ 1/1/2015-31/8/2015, CT chỉ ký HĐLĐ thời vụ tám tháng là vi phạm khoản 3, điều 22, Bộ luật Lao động năm 2012 vì: không được giao kết HĐLĐ thời vụ dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên. Do đó, CT phải ký lại HĐLĐ có thời hạn đến 36 tháng để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, tức là từ ngày 1/1/2015-1/10/2017. Do CT đã ký HĐLĐ trái luật nên phải điều chỉnh thời hạn đến ngày 31/12/2017, vì vậy, sau ngày chị Hòa nghỉ thai sản (15/2/2016), CT phải nhận NLĐ trở lại làm việc và đăng ký cơ quan BH chi trả trợ cấp thai sản cho NLĐ đúng quy định. Nếu CT không nhận NLĐ trở lại làm việc là vi phạm khoản 3, điều 155, Bộ luật Lao động năm 2012: người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với lao động nữ vì lý do nuôi con dưới 12 tháng tuổi. NLĐ có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Về việc cơ quan BHXH từ chối chi trả trợ cấp thai sản cho NLĐ thì cần xác định rõ nguyên nhân: nếu cơ quan BHXH từ chối vì cho rằng NLĐ có sự gian lận BHXH thì NLĐ có quyền khiếu nại. Nếu cơ quan BHXH xác định lỗi là do CT chậm thực hiện nghĩa vụ khai nộp BHXH thì NLĐ có quyền yêu cầu CT bồi thường thiệt hại.