Cơn thịnh nộ vô lý của các bà mẹ

25/09/2017 - 06:00

PNO - Làm mẹ trước hết phải biết công bằng với con cái, chính chúng ta muốn sinh nó ra chứ không phải nó tự dưng xuất hiện.

Vụ việc bé Võ Hiếu N (9 tuổi, ở Vĩnh Long) bị mẹ ruột và dì họ bạo hành đến mức phải nhập viện đang làm xôn xao dư luận. Trước những luồng ý kiến chỉ trích mẹ của bé N đầm đìa nước mắt cầu xin: “Mong rằng mọi người hãy thông cảm và tha thứ. Tôi chỉ muốn con tôi nên người”.

Tất nhiên lời bao biện đó không được chấp nhận bởi hành động đánh đập bé N đã kéo dài trong hơn hai tháng, không chỉ mẹ bé và cả người dì họ cũng tham gia.

Con thinh no vo ly cua cac ba me
Con bị đánh mới nên người?

Nhìn bé trai phổng phao, sáng sủa, nghe nhắc đến mẹ đã co rúm người và chỉ có một mong ước: “bây giờ con chỉ muốn sống với cha và nội” khiến mọi người xót xa. Trước đây, đã từng có rất nhiều vụ bạo hành trẻ con xảy ra, chỉ có điều người bạo hành là mẹ ruột rất hiếm. Bởi “hổ dữ còn không nỡ ăn thịt con” huống chi là người mẹ, tự tay hành hạ núm ruột của mình.

Đọc những dòng tin về vụ việc này tôi chợt giật mình vì không ít lần mình đánh con vô cớ. Và tôi tin chắc, trong số các bà mẹ ai cũng có ít nhất một lần như thế. Đôi khi chỉ là bực bội chuyện này chuyện kia, không biết trút vào đâu lại đem con ra đánh. Nhưng rồi, tất cả đều được biện minh dễ dàng “thương cho roi cho vọt” hoặc “chỉ muốn con tôi nên người” như lời mẹ bé N.

Thật quá bất công nếu mẹ nghĩ, con mình sinh ra thì mình có quyền đánh lúc nào cũng được. Một đứa trẻ là cá thể độc lập ngày từ khi ra khỏi bụng mẹ nên đừng lấy công sinh thành để dễ dàng hành hạ con trẻ. Cách đây một tuần, khi đưa con đi ăn sáng, tôi vô tình chứng kiến cảnh một bà mẹ bạt tai con đến nỗi văng cả miếng bánh ướt đang ăn dở trong miệng vì tội ăn chậm.

 Chị ta vừa đánh vừa gầm gừ: “mày có ăn nhanh không, tao muộn giờ rồi, ngồi đó mà ngậm hoài”. Cho con ăn như thế chi bằng cho nó nhịn đói còn hơn bởi “trời đánh tránh miếng ăn” mà. Cô bé hàng xóm của tôi lén lút kể: “mỗi lần bố nhậu say về muộn y như rằng con bị mẹ đánh”. Tôi ngạc nhiên bảo: “bố về muộn thì liên quan gì đến con mà mẹ đánh”. Cô bé ngậm ngùi: “thì mẹ bực bố nhưng không nói được nên quay sang đánh con”

Con thinh no vo ly cua cac ba me
Mẹ bực bố nên đánh con. Ảnh minh họa

Tôi chợt hiểu ra vấn đề, mẹ của cô bé vốn chỉ ở nhà nội trợ nên rất sợ chồng, tất cả uất ức dồn nén chị chỉ biết giải tỏa bằng cách đánh con. Mặc dù biết những chuyện như thế rất vô lý nhưng các bà mẹ hiếm khi tỉnh táo để kiềm chế được. Như ngay bản thân tôi, có những lần đánh con xong tôi nhận ra mình đã quá sai nhưng không hiểu vì sao lúc đó lại hành động như thế.

Có hôm, vì bực bội chuyện ở cơ quan mà về nhà tôi thấy rất căng thẳng và cáu bẳn. Chỉ vì con đòi đem con vịt nhựa đi tắm tôi cũng la lối và phát vài cái vào mông con rõ đau. Hoặc khi việc quá nhiều, thấy con luẩn quẩn quanh đó vướng víu cũng sẵn sàng cho vài roi cho bõ tức. Tâm lý như tôi chắc ít bà mẹ tránh được nhưng lại dễ dàng cho qua. Nhiều đêm nhìn những vết lằn ở mông con, tôi thấy thương vô cùng nhưng thỉnh thoảng vẫn lặp lại như cũ.

Mẹ của tôi, năm nay đã ngoài 70 tuổi, mỗi lần thấy tôi nạt nộ con đều tỏ ý không hài lòng. Bà bảo: “làm gì thì làm chứ không được đánh con, chỉ một cái đánh vô lý con sẽ nhớ cả đời”. Tôi vẫn lấy lý do việc nhiều, mệt mỏi hoặc muốn con ngoan để giải thích cho những lúc nóng giận vô cớ đó nhưng bà không đồng ý. Bà nói: “làm mẹ trước hết phải biết công bằng với con cái, chính chúng ta muốn sinh nó ra chứ không phải nó tự dưng xuất hiện”. Ngẫm lại lời bà nói không hề sai

Con thinh no vo ly cua cac ba me
Đừng biến con thành nơi trút giận. Ảnh minh họa

Trở lại câu chuyện của bé N, rõ ràng mẹ bé có những uẩn khúc gì đó ở cuộc hôn nhân không trọn vẹn. Những trận đánh con có lẽ cũng để giải tỏa một phần tâm lý căng thẳng. Hầu như tất cả các bà mẹ, không ít người cũng như thế dù không đến mức hành hạ con như mẹ bé Nghĩa.

Bởi vậy, đừng bao giờ bao biện cho hành động đánh con của mình là vì lý do này, lý do kia. Khi đã đánh con là chúng ta đang sai, ít nhất là về phương pháp giáo dục. Đừng biến con trở thành nơi trút giận chỉ vì chúng quá nhỏ để phản ứng lại người đã sinh ra mình.

Diệu Ly

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI