Con thi 9 điểm mỗi môn vẫn trượt đại học: Cha mẹ không hiểu chuyện gì đang xảy ra

20/08/2024 - 12:57

PNO - Con thi 3 môn đều 9 điểm vẫn trượt đại học. Nhiều người hồi tưởng về thời đi học của mình, có phụ huynh đùa vui rằng điểm thi bây giờ bị "lạm phát", bị "trượt giá"...

“Văn thi làm bài được điểm 9 đã là điều gì đó rất kinh khủng rồi. Nhưng 9 điểm văn vẫn trượt thì đúng là choáng váng!”. Một người đã bày tỏ suy nghĩ như này dưới một bài chia sẻ điểm chuẩn một số ngành học, trên mạng xã hội.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ví như, ngành Trung Quốc học - Học viện Ngoại giao có điểm chuẩn 29,2 (tổ hợp C00). Ngành truyền thông đa phương tiện - Học viện Báo chí: 28,25 ở tổ hợp C15 (ngữ văn, toán và khoa học xã hội). Riêng ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, có tới 3 ngành lấy trên 29 điểm gồm Báo chí (29,03), Hàn Quốc (29,05) và Quan hệ công chúng (29,1), cũng ở khối C00. Các ngành còn lại của trường này lấy đầu vào phổ biến khoảng 27,38 - 28,83 điểm.

Có nghĩa, thí sinh 3 môn đều được 9 điểm vẫn trượt!

Rất nhiều người nhân dịp này hồi tưởng về thời đi học của mình. “Trước thì 9 điểm 3 môn vẫn có khả năng đậu đại học, giờ thì 3 môn 27 điểm vẫn rớt như thường!”. Họ tếu táo: “Tôi và ông sinh thời này thì chỉ… ăn mày!”.

Lại có người lo âu rằng, đầu vào một số ngành cao ngất ngưởng, nhưng sinh viên ra trường đi làm thu nhập tháng chỉ vài triệu, tốt nghiệp mấy năm vẫn sống bám cha mẹ.

“Ngày xưa mình thi đại học được 18 điểm mừng rơi nước mắt. Giờ thế hệ 8X, 9X không dám vỗ ngực nói: Hồi đó tôi thi được 27 điểm nữa rồi…”. Cha mẹ 7X trầm tư: "Hồi xưa tổng 3 môn 21 điểm là được nhà nước cho đi du học, chưa biết ngoại ngữ thì bổ túc thêm 6 tháng hoặc 1 năm là ổn hết. Qua nước ngoài họ học rất tốt, trở về đều khẳng định được năng lực. Áp tiêu chuẩn ấy cho bây giờ thì... ".

Mới đây, một phụ huynh đã chia sẻ lên mạng xã hội: "Con tôi được 27 điểm nhưng trượt nguyện vọng Học viện ngân hàng. Con ở trong phòng khóc cả tối nay. Tôi xót con quá…".

Người mẹ này cũng nói thêm: "Thực sự buồn vì con nỗ lực, điểm không hề thấp mà sao bất công quá. Tôi nghĩ nên quay về thi đại học như ngày xưa để điểm thi không còn bị lạm phát, không công bằng. Nhiều người có điều kiện cho con học các thứ, còn tôi ở quê thì thực sự bất lực".

Đây cũng là tâm sự chung của không ít thí sinh lẫn phụ huynh, bởi điểm chuẩn năm nay ở nhiều trường tăng cao, nhiều ngành trên 27 điểm mới đỗ đại học. Thế nhưng, vẫn có rất nhiều phản hồi trái chiều trước lý lẽ của vị phụ huynh này: “Trượt thì quay ra trách móc", “Núi cao còn có núi cao hơn! Con nhà mình nỗ lực chưa đủ chị ơi, chẳng nhẽ con nhà người ta không nỗ lực à?”. Hoặc có ý kiến cho rằng, trượt đại học không đáng sợ, đáng sợ là trượt đại học nhưng người mẹ vẫn không nhìn vào sự thật phũ phàng, lại đi đổ lỗi.

Những tranh cãi này đều xoay quanh thực trạng, tỷ lệ học sinh giỏi quá cao, nên điểm thi như vậy cũng không lạ. Ngoài ra, một số em đã có kết quả đậu sớm bằng cách xét học bạ 3 năm trung học, khiến cơ hội của các bạn tuyển sinh bằng điểm thi càng hẹp. Có bạn bày tỏ rằng, tùy theo mức độ chấm điểm “siết” hay dễ dãi với “gà nhà”, “nương” hay không của từng trường mà học bạ cũng khác nhau. Điều này có thể mang tới thiệt thòi cho bạn nào lỡ học phải “trường khó”.

Một số trường đại học đã xét tuyển theo chứng chỉ quốc tế và học bạ rồi, nên số còn lại phải cạnh tranh gắt hơn về điểm thi tốt nghiệp PTTH, dẫn đến nhiều thí sinh thi trượt. Đề thi tốt nghiệp đương nhiên không khó như đề thi riêng của kỳ thi tuyển sinh đại học trước đây, chưa thật sự phân hóa được học sinh giỏi với khá, phải thừa nhận rằng tương đối dễ dàng để thí sinh có thể đạt 9 điểm. Nhiều người băn khoăn là, nếu chỉ căn cứ vào điểm thi, quả cũng khó đánh giá được trình độ học sinh một cách thực chất…

Xoay quanh vấn đề này, nhiều bậc cha mẹ có con ở độ tuổi phổ thông đã “ngoái nhìn quá khứ” và ao ước các trường tự ra đề tuyển sinh đại học như xưa. Có như vậy trường mới chọn được sinh viên như ý, chứ giờ nhiều điểm 9 -10, làm sao biết cháu nào vượt trội hay thầy cô lỏng tay!

Yến Nguyễn (quận 10, TPHCM)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI