|
Alex, con trai tác giả, “sáng tạo” ra cách bịt mắt chơi rubik |
Tôi thường xuyên nghe than “chán” từ con tôi và nhóm bạn khi chúng mới vài tuổi đầu. Trẻ con ngày nay có nhiều phương tiện giải trí khi cha mẹ dẫn đi đâu cũng nghĩ xem ở đó có gì cho bọn trẻ vui chơi không. Dù vậy, chúng vẫn thấy nhàm chán.
Ở phương diện này tôi nhận thấy một đứa trẻ hạnh phúc không phải có nhiều món đồ chơi hay thú giải trí, mà là một đứa trẻ không lệ thuộc vào những niềm vui đến từ bên ngoài, biết tự làm mình vui và biết tự tìm những thứ giúp mình giải khuây khi cần thiết.
Một chút buồn chán, chẳng sao cả!
Đứa trẻ nào cũng mê đồ chơi, nhưng vì muốn con phải biết cách vẫn vui khi “không có gì” nên tôi chỉ cho phép con có vài món đồ chơi cơ bản, chủ yếu do họ hàng hay bạn bè của tôi đến thăm tặng. Chỉ có vài món đồ, chơi mãi cũng chán nhưng do đã chuẩn bị cho việc này nên tôi không ngạc nhiên nhiều khi con tôi đến tuổi biết bày tỏ cảm xúc và thể hiện: “Con thấy chán”.
Đầu tiên, tôi vui mừng vì con biết nhận diện và phân loại cảm xúc, cũng như biết cách bày tỏ với cha mẹ điều này.
Một chút buồn chán cũng không có gì là tệ, tôi giải thích với con: “Không ai có nghĩa vụ phải làm cho con vui ngoại trừ chính con, vì vậy con phải tìm cách đem lại niềm vui cho mình. Con có thể đọc sách, chơi cờ, tự chơi lego, xếp hình, tập đàn, hoặc vẽ lên giấy những gì con thích”.
Trẻ cần phải biết cách tự tìm những hoạt động mình yêu thích để lấp đầy thời gian trống, để làm được điều này cha mẹ cần hạn chế hoặc cấm trẻ sử dụng các thiết bị điện tử như ti vi, máy tính bảng, điện thoại…
|
Ảnh mang tính minh họa - JCOMP |
Kích thích sự sáng tạo
Các chuyên gia tâm lý cho rằng cha mẹ không nên quá lo lắng khi nghe con thỉnh thoảng than buồn chán. Làm cho trẻ thấy vui không phải là trách nhiệm trọn đời của cha mẹ mà đó là cảm nhận và nỗ lực tự thân của trẻ. Khi trẻ cảm thấy sự buồn chán, đó là cơ hội để trẻ sáng tạo ra cách chơi làm chúng thấy thú vị.
Có khi từ những cơ hội sáng tạo và mày mò này, trẻ sẽ nhận ra chúng có sở trường và niềm đam mê ở bộ môn nào đó. Như con trai tôi, những khi than chán tôi đưa con cục khối màu rubik và thử thách cậu bé xếp được sáu mặt, dần dần sau khi xếp xong sáu mặt con tôi tự thấy có hứng thú phải xếp nhanh hơn, rồi đến tự thách thức bản thân nhắm mắt giải khối màu…
Từ đó, đi đâu trong cặp hay ba lô của con tôi cũng có khối màu này, mỗi khi ngồi chờ khám bệnh, chờ ở sân bay cháu cứ tự lấy khối rubik ra xoay mà quên đi cảm giác buồn chán vì chờ đợi. Việc này cũng giúp con tôi độc lập và có trách nhiệm hơn với cảm xúc và thời gian rỗi của chính mình. Lần sau, mỗi khi đi đâu do không muốn bị nhàm chán, cháu đem theo vài món đồ để mình vui, vì cháu biết rõ nếu than buồn chán thì cha mẹ cũng không giúp gì trong chuyện này.
Việc cha mẹ quan tâm quá mức, luôn cố gắng giảm bớt sự buồn chán của con bạn có thể gây hại nhiều hơn lợi. Sự can thiệp liên tục của cha mẹ khiến đứa trẻ khó học cách tự đưa ra quyết định. Khi lớn lên chúng dễ phụ thuộc vào những người khác để cung cấp trò giải trí cho mình. Những đứa trẻ này thường tìm kiếm niềm vui bên ngoài, đôi khi chưa đủ chín chắn để nhận ra có những thú vui gây hại về sau. Có khi chúng chấp nhận cả những niềm vui thiếu lành mạnh và mang tính phá hoại…
|
Ảnh mang tính minh họa (Our-Team) |
Cha mẹ làm gương
Cha mẹ không nhất thiết phải làm việc này việc kia cho trẻ thấy vui, mà chỉ cần gợi ý, trẻ cần có trách nhiệm với cảm xúc của chính mình. Bạn cũng không nên làm cho trẻ cảm thấy cha mẹ là người có trách nhiệm làm cho con vui mà chỉ là người đồng hành, chính con cũng phải nỗ lực trong việc tạo dựng thái độ vui sống. Ban đầu, do chưa quen, trẻ có thể cần trợ giúp của cha mẹ trong việc hướng dẫn, chọn hoạt động, lên kế hoạch nhưng dần dần khi trẻ quen thì cha mẹ nên để trẻ tự quyết định hoạt động lành mạnh nào làm cho chúng thấy vui và gắn bó với nó.
Để làm điều này, cha mẹ cũng cần phải làm gương và tạo môi trường cho con học hỏi. Việc dạy trẻ hiệu quả nhất là từ chính cha mẹ, cha mẹ đọc sách, hứng thú với các hoạt động thể thao và không dán mắt vào màn hình thì không khó giúp trẻ vượt qua được cảm xúc buồn chán khi một mình.
Là cha mẹ, chắc chắn chúng ta luôn thấy có trách nhiệm với mọi thứ xảy ra với con. Đôi lúc chúng ta chọn cách dễ dàng: Chỉ cần đưa đồ chơi là giúp giải quyết xong mọi việc. Nhưng đó là giải pháp dễ cho cha mẹ mà lại gây khó khăn cho con trẻ trong việc cảm nhận niềm vui sống trong hành trình lớn lên. Dạy trẻ luôn có năng lượng tích cực và hứng thú với mọi thứ, cũng như biết tự mang lại niềm vui cho mình là điều nên làm càng sớm càng tốt.
Nhất Phương