Con thần tượng người hát hay, nhảy đẹp có gì sai?

08/08/2023 - 05:58

PNO - Khi xem bộ phim "Những đứa con chuyển sinh của thần tượng" (phim Nhật, gây sốt ở nhiều quốc gia) có cảnh 2 fan cuồng khi chết được tái sinh làm con của thần tượng, một cậu bé 10 tuổi buột miệng: “Con ước khi chết được làm con của cầu thủ Messi”.

 

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Làm... fan cùng con 

Chị Hạnh - bà mẹ có con đòi tái sinh làm con của Messi - chia sẻ: “Tôi đứng hình khi con nói, nhưng kịp trấn tĩnh, vì tôi hiểu con rất mê đá banh và xem Messi là hình mẫu hướng tới”. Chị Hạnh không phải tín đồ túc cầu, nhưng khi con quá mê trái bóng và mê Messi, chị cho con học đá banh và tập xem đá banh cùng con. 

Chị Hạnh kể: “Mùa World Cup 2022, tôi không bỏ sót trận nào của Argentina - đội bóng của idol (thần tượng) của con. Thấy tôi xem cùng, con vui lắm, cháu giải thích cho tôi hiểu về việt vị, thẻ vàng, thẻ đỏ và 1.001 câu chuyện về Messi. Đến trận chung kết, Argentina vô địch.

Trên ti vi, Messi ăn mừng cùng đồng đội thì ở ngoài này, tôi và con trai cũng ôm nhau mừng rỡ. Tôi cảm nhận được niềm vui trọn vẹn, sự thăng hoa cảm xúc của con khi idol lần đầu đoạt được cúp vàng thế giới”. Từ khi con mê Messi, con học chăm chỉ hơn, vì chị Hạnh ra điều kiện “nếu con muốn được chơi đá banh và muốn đá banh giỏi như Messi thì phải tập trung học tốt, mẹ sẽ ủng hộ, cho đi đá banh thường xuyên”.

Luật sư Võ Anh Loan (Công ty luật GOLD KEY, quận 3) có con mê thần tượng là một nhóm nhạc nữ nước ngoài. Bình Minh - con gái 11 tuổi của chị - cũng ỉ ôi mẹ mua vé xem show diễn. Thế nhưng, sau khi nghe mẹ phân tích: ngoài tiền vé, còn có chi phí máy bay, khách sạn, ăn uống… sẽ tốn hàng chục triệu đồng và số tiền đó có thể mua được cả kho sách, giúp hàng trăm bữa ăn cho người nghèo (bé rất mê đọc sách và hay được mẹ dẫn đi thăm viện dưỡng lão, trại trẻ mồ côi).

Vậy là con gái chị Loan chọn xem các phóng sự ảnh, bình luận trên báo mạng về đêm nhạc yêu thích của mình. Để có sự thương thảo thành công này, chị Loan chia sẻ: “Tôi luôn trò chuyện với con mỗi ngày, mẹ con nói với nhau đủ thứ chuyện, trong đó có thần tượng.

Ngày xưa, ở tuổi con, tôi cũng có idol để mình có động lực học theo những cái hay, cái tốt của họ. Tôi hay cùng con xem những bài hát mới của nhóm nhạc con thích và chính tôi cũng thấy thích khi nhóm nhảy đẹp, hát hay, có gu thời trang.

Tuy nhiên, khi con đòi mua album, LoMo card chính hiệu với giá cả triệu đồng thì tôi phân tích cho con thấy có đáng để bỏ ra số tiền đó hay không, trong khi con vẫn có thể xem được trên mạng, trên báo… Con thích bộ trang phục, đôi giày… theo phong cách của idol thì tôi có thể mua cho con, vì con có thể sử dụng được nhiều lần. Con có idol và tôi luôn đồng hành cùng con nên mẹ con tôi như bạn bè”. 

“Mấy đứa này tài cán gì mà thần tượng?" 

Bạn Đ.H. - sinh viên Trường đại học Huflit - cho biết, từ năm lớp Chín (2019), H. bắt đầu biết nhóm nhạc B.B (Hàn Quốc) và thích phong cách ăn mặc của họ, đặc biệt là trưởng nhóm.

Đến năm lớp Mười, H. bắt đầu mặc những chiếc quần đáy thụng, áo hoa văn chim cò, thú dữ hoặc hoa lá… Mỗi lần H. lên đồ là bị anh Hai, ba mẹ trêu “muốn chơi nổi, lập dị…”. Đến khi thấy H. kiên định với phong cách này, ba chửi H.: “Ăn mặc dị hợm, quái đản; mặc gì như lấy giẻ lau trùm lên người”. Còn mẹ H. công kích idol của con: “Mấy đứa này tài cán gì mà thần tượng, chỉ nhảy loi nhoi, mặt mày thì trang điểm thấy ghê. Tụi nó mà qua đây coi chừng bị hốt vô bệnh viện tâm thần”. 

H. ngày càng thu mình vào thế giới riêng, em chia sẻ: “Em thực sự rất buồn và cô đơn. Em chỉ ăn mặc theo sở thích, chứ có sa ngã, dính vô thói xấu nào mà ba mẹ đối xử với em như tội phạm. Em hy vọng đến một lúc ba mẹ sẽ hiểu và tôn trọng sở thích của em”.

Với H.T. - học sinh lớp Mười một ở An Giang - thì chỉ cần ai nhắc đến 2 từ “thần tượng” là em bị ăn chửi ngay. Idol của T. là Thái Hạo Vũ - người lập ra game Honkai Impact 3, theo phong cách anime được đón nhận nồng nhiệt trên thế giới. T. thích ông từ khi học lớp Tám và hay xem những buổi live stream của ông, rất truyền cảm hứng cho T. Cậu học trò nhỏ xem ông là hình mẫu, tượng đài để nuôi dưỡng ước mơ trở thành người giỏi giang và thành công.

Thế nhưng, ba T. phản ứng: “Chủ công ty game thì ra thể thống gì mà thích, toàn đám nghiện game”. T. tâm sự: “Em rất sốc và buồn. Sau đó, ba còn tỏ thái độ miệt thị về game và Thái Hạo Vũ, dù ba chưa từng biết ông và cũng không cần tìm hiểu vì sao con mình thích.

Ba dị ứng với game và chỉ cần nghe tới game là mặc định người xấu. Ba bắt đầu giới hạn thời gian em xem điện thoại, máy tính, cũng như thường xuyên kiểm tra điện thoại em. Em cảm thấy rất ngột ngạt và không được tôn trọng nên ngày càng hạn chế giao tiếp với ba, với ông bà nội. Mọi người không hiểu, càng cho rằng em lười biếng, chỉ biết chui rúc trong phòng”.

Cũng có con thần tượng ca sĩ K-pop RM nhưng chị Thanh Lan đã chịu khó mày mò tìm hiểu thông tin về RM cùng con và hướng con mình học hỏi những điểm tích cực như RM, thủ lĩnh đầy tài năng của nhóm nhạc BTS. 

Chị gửi thông tin cho con, rằng thời còn là cậu bé học sinh cấp II, thủ lĩnh BTS đã đạt 900/990 điểm cho bài thi TOEIC - kỳ thi tiêu chuẩn quốc tế nhằm kiểm tra trình độ tiếng Anh của những người không phải là người bản ngữ.

Chưa hết, lên cấp III, nam rapper còn nằm trong tốp 1% học sinh toàn quốc đạt điểm cao nhất trong kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia. Bài thi này bao gồm các môn như ngữ văn, toán, ngoại ngữ, xã hội. Chị muốn con hiểu, muốn có được những thành tích này, RM đã phải rất cố gắng trong học tập, để bố mẹ có thể yên tâm cho cậu đi theo sự nghiệp ca hát. “Và con cũng vậy, có thần tượng ba mẹ không cấm, nhưng cần biết cân bằng với mọi thứ xung quanh mình” - chị Thanh Lan nói với con.

Từ góc độ người trong cuộc, luật sư Võ Anh Loan nhận thấy: “Yêu thích, hâm mộ nghệ sĩ, doanh nhân, nhà khoa học hay chính trị gia… là quan điểm và quyền của con cái. Các fan không có lỗi khi thần tượng một ai đó, mà quan trọng là thái độ của phụ huynh về idol của con như thế nào, chia sẻ về idol của con như thế nào?

Nếu được người lớn chia sẻ, có thể trẻ sẽ nhìn idol ở một góc độ khác, th hiện sự hâm mộ, cuồng nhiệt khác, con sẽ biết chỉ hâm mộ những điểm tích cực và thể hiện sự yêu thích một cách chừng mực”. 

Thư Bảo - sinh viên đại học sư phạm TPHCMHãy đồng cảm với “thanh xuân cháy hết mình” của con!

Thu Bảo - sinh viên đại học sư phạm TP HCM

Thần tượng trong lòng giới trẻ luôn là một hình mẫu đẹp, là động lực và cũng là thanh xuân yêu quý. Bỗng nhiên một ngày phụ huynh phát hiện ra, họ định kiến “mình sinh ra con mình, sao nó không thương mình mà lại thương một thằng nhóc/con nhỏ ất ơ nào khác, sao mà chịu nổi”. Họ giận dữ, họ đả phá thần tượng của con và tiếng nói của 2 bên trở thành đối lập.

Sao phụ huynh không nhìn thấy những mặt tích cực? Người có thể trở thành thần tượng của con thường là người có sức ảnh hưởng; họ phải giỏi điểm gì đó, thậm chí giỏi nhiều thứ.

Ba mẹ chỉ cần tìm coi có nét nào của họ mà mình đang muốn dạy con mình không. Ví dụ về sự nỗ lực, về tính kỷ luật chẳng hạn, nếu được “truyền thông” từ thần tượng thì teen dễ học hơn ngàn lần những bài khô khan. 

Để có sản phẩm nghệ thuật đỉnh cao, định vị mình trong lòng khán giả, người ca sĩ phải chăm chỉ, luyện tập có khi tới 14 giờ mỗi ngày, làm việc rất kỷ luật. Nhiều người vào công ty khi đang tuổi teen, ăn ngủ cùng với áp lực cao và giờ đã là triệu phú, góp phần cho thương hiệu quốc gia.

Nếu đã yêu thương một thần tượng, luôn ngắm nhìn những màn trình diễn của họ qua màn hình, hẳn người hâm mộ nào cũng mơ đến một ngày được đứng cùng idol của mình.

Vì thế, để được cùng đứng chung với thần tượng trong các buổi hòa nhạc, người hâm mộ trẻ phải luôn cố gắng học tập, làm việc. 

Thần tượng là tuổi trẻ, là thanh xuân cháy hết mình. Phụ huynh chắc cũng từng thần tượng ai đó? 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI