Con táy máy tay chân

24/03/2013 - 00:19

PNO - PNCN - Tôi vừa bị hàng xóm mắng vốn vì cậu con chín tuổi của tôi sang chơi rồi lấy trộm tiền. Trước đó, cháu hai lần lấy 10.000-20.000đ của mẹ (nhà tôi bán tạp hóa nên tủ tiền để khá hớ hênh) để mua đồ chơi yoyo, siêu nhân…...

Thu Thủy (Bình Chánh)

Thu Thủy mến,

Tôi xin chia sẻ với chị, chị đang rất lo lắng và muốn tìm cách giúp cháu chấm dứt tật xấu “táy máy tay chân”. Cháu từng lấy trộm của mẹ, nay còn lấy trộm của người ngoài. Chị đánh giá tính ăn cắp vặt của con đang ngày càng nặng là rất đúng.

Muốn giúp cháu, chị cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao cháu nảy sinh tật xấu, vì sao cháu tiếp tục lấy trộm tiền, dù đã biết lỗi.

Chị thử nhìn lại xem cháu có được cha mẹ quan tâm trong các sự kiện của cuộc sống hàng ngày hay không? Có phải cháu cần tiền mua đồ chơi nhưng do cha mẹ không đáp ứng nên mới phải trộm tiền để mua?...

Sau khi con lấy trộm tiền do chị để tủ tiền bán hàng hớ hênh, chị có cẩn trọng hơn trong việc cất tiền? Đôi khi chúng ta vô tình làm nảy sinh lòng tham và thói xấu nơi con trẻ vì cha mẹ không kiểm soát tốt tiền bạc.

Khi con xin lỗi, chị đã la rầy hay khen con biết nhận lỗi và phân tích cho con nhận ra ăn cắp là xấu? La rầy có thể làm cháu thêm ấm ức và tiếp tục thực hiện hành vi xấu có khi chỉ vì cha mẹ không chấp nhận mình. Trẻ có thể nghĩ đằng nào cũng bị la, nếu cần tiền cứ lấy trộm, rồi cũng chỉ bị la thôi.

Trả lời các câu hỏi trên, phần nào chị sẽ thêm hiểu cháu, hiểu lý do vì sao cháu nhiễm tật “táy máy”.

Con tay may tay chan

Để khắc phục tật xấu này, chị có thể trò chuyện cùng cháu với một vài cách sau:

Phân tích cho cháu hiểu ăn cắp là rất xấu, không ai chấp nhận. Nếu con có gì đẹp, tốt mà bị người khác ăn cắp con thấy thế nào? Hãy cho con hiểu cảm xúc của người bị mất cắp, hiểu cảm xúc tức giận, buồn, thất vọng của cha mẹ khi bị hàng xóm mắng vốn…

Khen ngợi những tính tốt, việc làm tốt của cháu. Khen con đã từng biết nhận lỗi và xin lỗi. “Con là đứa con ngoan. Mẹ tin con sẽ không lấy bất cứ thứ gì không phải của con nữa…”. Việc khen ngợi này sẽ giúp trẻ tin tưởng vào giá trị bản thân, từ đó xây dựng lòng tự trọng. Trẻ muốn giữ hình ảnh đứa con ngoan nên sẽ dần từ bỏ hành vi xấu.

Thường xuyên quan sát các hành vi của cháu để kịp thời can ngăn. Khi thấy đồ chơi lạ, vật dụng lạ, hay thấy tiền trong cặp của con, cha mẹ cần chấn chỉnh ngay và yêu cầu trẻ trả lại cho người bị mất.

Quan tâm hơn đến các nhu cầu của con: đồ chơi, quần áo, đồ dùng học tập... Cháu nhà chị còn đang tuổi thích chơi, vì vậy nếu đồ chơi có ích thì chủ động mua thưởng khi bé có hành vi tốt. Chơi đùa cũng là một cách giúp trẻ học hỏi được nhiều điều tốt, giúp trẻ thư giãn sau những giờ học căng thẳng...

ThS Phạm Thị Thúy
(Công ty Kỹ năng sống)
Thư cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ: tuvandanhchochame@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI