PNO - PNCN - Tiếng con suối cạnh nhà ồn ào đến nửa đêm, văng vẳng như đám bạn gái cãi vã về mô-đen quần thụng hay tóc dài của nam diễn viên Hàn Quốc xuất hiện trên ti vi.
Lắng nghe thật kỹ, lại thấy là tiếng rì rầm của rừng già. Sao giống như tiếng Vượng mỗi khi anh nói về những dự kiến tương lai. Người anh cao lớn thế, mà tiếng nói rủ rỉ giống con gái, những âm cuối cứ trượt đi như gió thoảng, phải chú ý lắm mới nghe được. Hay mỉm cười nhớ lại câu nói của Vượng lần đầu tiên: “Tên con gái gì mà Thúy Hay. Nghe tên là muốn gặp người. Gặp người là muốn yêu luôn”. Câu tỏ tình rất tự nhiên của Vượng. Hay quơ tay muốn ôm lấy tiếng động của rừng núi, bàn tay chạm vào vách nứa nhẵn và lặng.
Đêm bỗng bật tung tiếng tắc kè khàn khàn uể oải. Nó kêu liền sáu tiếng. “Chẵn mưa lẻ nắng”, dân bản nói vậy mà. Con tắc kè này ở nơi nào trong núi bỗng bò về chái nhà bên kia như muốn làm bạn với cô giáo trẻ. Phòng ở của Hay nằm cạnh lớp học, cách một vách nứa đan kiểu nong đôi. Con tắc kè lại uể oải lên tiếng, nó nhắc Hay: “Đói rồi! Đói… rồi! Đói…rồ..ì..ì”. Lạ thật, hồi còn sinh viên Hay ít ăn lắm, bạn bè thường trêu “ăn như mèo ngửi”, mà mới sáu tháng lên bản Chiềng cao vút này bỗng dưng cô ăn khỏe. Có thể khí hậu vùng cao hợp với con gái. Hay béo ra, nước da trắng càng thêm trắng hồng. Kéo chiếc gối che lên mặt, cô muốn ngủ lại, nhưng không ngủ được. Vải gối cũng thấm đẫm mùi núi rừng ngai ngái, thơm hắc.
Nhớ lại ngày mới lên bản, Hay rùng mình. Một ngày một đêm ngồi lắc lư trên chuyến xe khách bò chậm như rùa. Rồi hơn hai giờ ngồi xe ôm xóc chồm chồm như cưỡi ngựa. Đi bộ mấy con dốc, lội qua ba con suối mới đến nhà chủ tịch xã họ Giàng. Hay ngồi bệt xuống cầu thang, thở. Chủ tịch Giàng là người đàn ông da ngăm đen, tròn như củ khoai lang. Đánh vần mãi mới xong giấy giới thiệu của Phòng Giáo dục, ông bảo: “Cô giáo ngủ lại nhà mình thôi. Lên trường bây giờ không có chỗ nghỉ”. Hay chẳng cần biết sẽ nghỉ ở đâu, chỉ cần được ngả lưng nằm một giấc. Tuy vậy, hai ngày sau mới có phòng nghỉ cho cô giáo. Căn phòng cạnh lớp học, vách nứa tanh bành trống hoác. Chủ tịch xã phân bua: “Các cô giáo trước đây cứ về nửa năm lại bỏ đi, dân bản không muốn sửa lại nữa”. Hay cắt một số tranh ảnh từ cuốn “Người đẹp” mang theo dán xung quanh vách nứa mới, trông cũng vui mắt. Cánh cửa bằng ván mỏng, ra ngoài không cần khóa, đêm ngủ cài ngang cây gậy là xong.
Buổi sáng, thấy Lầu A Dúi tìm đến lớp học. Đầu trọc, người xanh mướt. “Cô giáo lại cho mình đi học chứ?”. Chàng trai bản gầy gò này đã 20 tuổi, chỉ kém cô giáo hai tuổi và đang học lớp 3. Dúi là học sinh cá biệt của Hay trong số 15 học sinh của cả ba lớp 1-2-3. Mỗi lần có cô giáo mới về, Dúi lại xin đi học. Khi cô giáo bỏ đi thì Dúi cũng bỏ lớp. Thế nên học mãi chưa qua nổi lớp 3. Hồi đầu năm, khi lũ học trò đủ các lứa tuổi kéo nhau đến trường đăng ký học lại, Dúi đến sau cùng, bàn tay có những móng dài cáu bẩn gãi mãi mái tóc lởm chởm. “Mình là Lầu A Dúi, đang học lớp 2, à lớp 3. Cái chữ nó sắp quên mình rồi, cô giáo cho học lại chứ?”. Hay ngạc nhiên khi thấy chàng thanh niên cao nghều đến xin học. Sau Dúi cũng nói thật: “Mình thích cô giáo thì đi học thôi”. Hay bảo phải hỏi ý kiến chủ tịch xã. Chủ tịch Giàng vỗ tay: “Cứ cho nó đi học! Xã vận động được nhiều người xóa mù là được huyện khen đấy”. Vậy là Dúi được vào lớp. Cũng sách vở, bút mực. Cậu được xếp ngồi bàn cuối vì cao như cây sào chống cửa.
Lũ học trò ban đầu còn tập trung vào học, một lúc sau đứa kêu đói, đứa nhảy ra sân chơi hoặc chạy lung tung sang “lớp” khác tán gẫu. Dúi ê a đọc bài được một lúc rồi ngáp ngắn ngáp dài. Ngáp đến lần ba thì cậu lỉnh mất, mãi sáng hôm sau mới đến lớp. Mấy đứa học trò lớn mách cô giáo: “Anh Dúi đi tìm thuốc phiện đấy!”. Hay hoảng hồn. Thế ra cậu học trò lớn nghiện thuốc phiện. Có người chỉ cho cô ngôi nhà cuối bản Dúi hay đến. Hay đi tìm và thấy Dúi đang nằm bẹp bên ngọn đèn mỡ lợn cháy leo lét. Tẩu thuốc reo o... o... Dúi buông tẩu, rót một cốc nước sôi trong phích ra đổ tuột vào mồm. Đang lơ mơ nhưng cậu cũng nhận ra đôi má đỏ ửng và cặp mắt tròn đen của cô giáo, đôi mắt đầy vẻ trách móc. Dúi cảm thấy mình có lỗi, cố ngồi dậy dựa lưng vào vách gỗ. Đôi môi thâm xì mấp máy: “Năm ngoái mình đau bụng, chúng nó bảo hút thuốc phiện thì khỏi. Bây giờ quen thuốc mất rồi”. Hay nghiêm mặt: “Dúi còn hút thuốc phiện thế này, sẽ không được đi học nữa đâu”.
Một tuần liền Dúi không đến lớp. Nỗi lo lắng thúc giục Hay tìm đến nhà cậu ta. Bà mẹ Dúi, váy chàm xoắn quai cồng đang cho lợn ăn dưới sàn, thấy Hay thì chỉ lên nhà trên: “Thằng Dúi nằm trên ấy. Nó không đi học được đâu”. Lập cập leo hết chín bậc thang nhà sàn, Hay đứng một lúc lâu mới nhìn thấy Dúi ngồi gục đầu trong xó nhà, một chân bị khóa vào sợi xích dùng để đóng móng ngựa, sợi dây xích lại khóa vào cột nhà. “Ai trói Dúi vào đây?”. Hay cố nín thở chịu đựng mùi hôi hám từ thân thể của Dúi, bước vào hỏi han. Cặp mắt lờ đờ, giọng Dúi thều thào: “Mình tự trói đấy cô giáo ạ. Không hút thuốc phiện nữa. Mình còn phải đi học cho hết lớp 3 chứ”. Cô thấy mũi cay cay: “Thế là tốt lắm Dúi ạ. Cả lớp đều mong Dúi đấy. “Cô giáo có mong mình không?”. Hay không kịp nghĩ, liền gật đầu. Dúi cười méo xệch: “Thế thì mình nhất định cai được thuốc. Cô giáo đừng giận mình nhé”. Bỗng Dúi rúm người, hai tay cào cấu xuống sàn nhà. Ánh mắt cậu nhìn về phía bậu cửa sổ, ra dấu giúp đỡ. Phía ấy có bát nước đen sì sì, chắc là thuốc cắt cơn. Hay bưng bát thuốc, cố dựng Dúi ngồi dậy. “Nào, uống đi Dúi. Cố lên!”. Mắt Dúi chạm phải bàn tay trắng hồng có những ngón tay thon dài của cô giáo. Cậu cố uống một ngụm, lại phun phèo ra kêu đắng. Bàn tay cô giáo chùi nhẹ vào khóe miệng Dúi, cậu cố sức bập môi vào bát thuốc và uống ừng ực. Cố ngóc đầu dậy, nó hỏi: “Cô giáo không bỏ bản mình đi như những cô giáo khác chứ?”. Hay chỉ biết gật đầu.
Tiếng suối dường như cũng mệt mỏi thiếp đi. Hay thấy mình như chim bay vèo xuống núi, rồi lại thấy mình co ro trước khung ngang chiếc xe đạp của Vượng. Đàng trước là con dốc nhỏ, ở đó có quán nem rán hai người hay đến ăn. Vượng hổn hển đạp xe, bộ ngực vuông ấm nóng miết vào lưng cô theo từng nhịp đập. “Tiền lương gia sư tháng này nhiều, chiêu đãi em món nem rán cả tuần nhé!”. Hay bảo. “Cả đời vẫn được! Nhưng tốt nghiệp xong, ở lại thành phố với anh nhé?”. Vượng hỏi thế mà không để ý câu trả lời lấp lửng của Hay. Nhà cô nghèo, quê cô nghèo, học xong Hay chỉ muốn về quê mình. Được như vậy là quý lắm rồi, chứ làm sao dám mơ ở lại thành phố. Mãi đến khi Hay cầm quyết định lên tăng cường cho bản Chiềng ở một vùng cao biên giới, thì cả hai đều bị choáng. Vượng không biết làm gì cho người yêu ngoài mỗi tuần một lá thư. Những lá thư có khi hai, ba tháng mới đến tay Hay vì lũ suối không cho người đưa thư sang bản. Lá thư gần đây Vượng báo tin đã tìm cho Hay một việc làm ở phố. Nhân viên trực điện thoại, tháng hai triệu đồng, chỗ ở miễn phí, cơm nước tự lo. “Trái nghề một chút nhưng được gần nhau em ạ!”. Hay đọc thư mà mường tượng tiếng Vượng thoảng nhẹ như gió thổi. Nhịp sống thành phố đang trở lại trong tâm trí cô như ấm nước dần đun sôi.
Buổi sáng hôm ấy lên lớp Hay không chú tâm vào giảng bài. Lũ học trò thấy cô giáo nhìn ra phía bờ suối. Chúng lại nhìn nhau với ánh mắt lo lắng.
Đoạn đường từ lớp học ra bờ suối la liệt những đống phân bò. Đêm qua chúng kéo về nằm từng đàn trong bản. Mỗi khi đàn bò thả rông từ núi kéo về bản là sắp có mưa rừng. Hay ngồi trên tảng đá quen thuộc, dòng nước trong vắt thấy rõ cả những hòn sỏi xám. Bọt xà phòng nở xòe thành đám mây xốp cầu vồng, trôi biến về cuối ghềnh đá. Bỗng nhiên dòng nước dưới chân cô trở nên đục ngầu. Hay vừa cầm chiếc áo giặt dở, định chuyển sang hòn đá khác thì dòng suối réo ào ạt. Một thác nước từ sau lưng Hay đổ ập xuống, cuốn phăng Hay ra giữa dòng. Sặc sụa vì nước, cô trượt khỏi gờ đá.
Hay tỉnh dậy trong căn phòng của mình. Trời đã tối vì chung quanh cô nhập nhòa những ngọn đèn dầu. Những bộ mặt lo âu của các bà, các cô trong bản. Thấy Hay mở mắt, họ đồng loạt reo lên: “Cô giáo sống rồi!”. Hay cựa mình, toàn thân đau nhức. Mọi người bảo cô hãy nằm yên. Họ tranh nhau kể chuyện cô bị lũ cuốn đi, may có cậu Dúi nhìn thấy bèn liều mạng băng xuống cứu. Khi đẩy được cô giáo vào bụi lau sát bờ, Dúi trượt tay bị dòng nước hung hãn cuốn đi. Mới cai thuốc, cậu còn yếu quá. Đàn ông trong bản chia nhau tìm cả đêm mà không thấy. Hay chỉ kêu được “Dúi ơi!”, rồi ngất lịm.
Khỏe lại. Hay ra lớp. Bọn trẻ im thin thít không đùa giỡn như mọi ngày. Chỗ Dúi ngồi cuối lớp giờ trống không. Cô cảm thấy những ánh mắt trẻ thơ lo lắng, dò xét nhìn mình.
Đêm. Hay quyết định viết thư cho Vượng, viết một lèo không băn khoăn “Liệu có phép màu nào cho tình yêu chúng mình không anh? Em yêu anh, nhưng bỏ lớp, bỏ bản mà về lúc này thì không thể. Anh có chờ em không?”.
Rừng đêm thăm thẳm. Hay vươn vai hít đầy lồng ngực mùi hương rừng ngây ngất. Cô cảm thấy có điều gì đó thiêng liêng hơn tình cảm lứa đôi.