Còn sức còn làm

19/07/2016 - 09:10

PNO - Họ nói rằng với ai, má cũng đối xử như người thân, ruột thịt. Nhà má được coi là địa điểm “gỡ rối tơ lòng”, rộng cửa đón tất cả những ai cần giúp đỡ.

Con suc con lam
Dì Nguyễn Thị Cẩm luôn đwọc gọi bằng cái tên "Má Cẩm" gần gũi yêu thương

Về P.2, Q.3, sẽ nghe nhiều người gọi dì Nguyễn Thị Cẩm bằng cái tên gần gũi yêu thương: “Má Cẩm”. Họ nói rằng với ai, má cũng đối xử như người thân, ruột thịt. Nhà má được coi là địa điểm “gỡ rối tơ lòng”, rộng cửa đón tất cả những ai cần giúp đỡ.

Ngày đất nước còn chiến tranh, má Cẩm tham gia phong trào phụ nữ cứu quốc. Chính nền tảng kinh nghiệm đó nên sau giải phóng, đất nước thống nhất, má tiếp tục đến với công tác chăm lo đời sống chị em phụ nữ (PN), khởi đầu bằng trách nhiệm Chủ tịch Hội LHPN P.2. Bấy giờ, nắm bắt khoảng trống kiến thức của chị em đối với việc làm đẹp, chăm sóc gia đình, má mở Câu lạc bộ nữ công gia chánh, dạy làm bánh, nấu ăn, tuyên truyền những kiến thức PN cần phải có nhằm thích nghi, đáp ứng cuộc sống mới, trong thời đại mới, nhất là để giữ hạnh phúc riêng.

Má Cẩm nhớ, ngày nào cũng có khoảng 200 chị em đến với các lớp học. Con số ấy khiến công việc của má bận rộn hơn bởi phải vừa lên lịch sắp lớp, “chiêu mộ” giáo viên, tổ chức cuộc thi sau mỗi khóa học, vừa lo nghĩ các chương trình mới để hoạt động PN thêm phong phú, ý nghĩa. Vất vả nhưng má thấy phấn khởi vô cùng. Nhiều khi về nhà, trời khuya, mệt mỏi đến mức chỉ cần đặt lưng là ngủ vùi, song chưa một lần má nghĩ đến chuyện bỏ bớt “gánh” công việc để một ngày thảnh thơi.

Hồi đó, má Cẩm thường đạp xe xuống thăm từng gia đình để tìm hiểu hoàn cảnh, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chị em nhằm kịp thời giúp đỡ. Nghỉ hưu năm 1993, má vẫn giữ thói quen đi về những xóm nhỏ, vào từng con hẻm trò chuyện với người nghèo, hiểu họ cần gì và mình giúp được gì cho họ. Cũng từ đó, công tác khuyến học được má coi là quan trọng nhất. Má biết có rất nhiều hoàn cảnh học sinh mà con đường học vấn chênh vênh, hết tiền thì hết học. Má lên danh sách các em, sau đó vận động bà con giúp đỡ.

Để nêu gương, má là người đi đầu, tự bỏ tiền túi rồi rủ các con mình cùng tham gia tạo quỹ. Cuốn sổ khuyến học được má tỉ mẩn gìn giữ hơn chục năm qua, như một thứ của cải. Trong đó má ghi lại những món tiền của từng người vận động được. Má Cẩm bảo, nhiều khi giật mình thấy không ít người đã gần như nuôi một học sinh học hành thành đạt; hay xúc động khi có người năm sau đóng góp số tiền luôn cao hơn năm trước. Để tri ân họ, mỗi năm, má đều gửi thư cảm ơn, báo cáo tình hình học tập của các em cho họ biết. Má bảo đó là cách tạo lòng tin cho mọi người mà ai làm công tác dân vận cũng phải nắm bắt, thuộc nằm lòng.

Nhà má Cẩm ngày nào cũng tấp nập người ghé thăm. Bà con ví von rằng, nhà má là “trung tâm tư vấn cộng đồng”, ai có rắc rối đều tìm đến. Người muốn xin ý kiến má cho bài toán hôn nhân sắp chạm bờ đổ vỡ; người bất lực hỏi má ứng xử sao khi đứa con đang yêu cuồng sống vội… Bằng kinh nghiệm hơn mười năm tham gia Hội thẩm nhân dân Q.3, má Cẩm luôn đưa ra những lời khuyên xác đáng.

Má bảo, ngoài kinh nghiệm, để “bắt” được tình hình, xu thế mới của đời sống, khi vai trò người PN trong gia đình, xã hội đã có nhiều thay đổi cũng như vấn đề dạy dỗ con cái đã khác trước rất nhiều, má phải cập nhật kiến thức. Đọc sách báo, nghe chương trình tư vấn trên các đài lẫn tham khảo từng cuốn sách là cách má trau dồi kiến thức.

Gần 5 năm nay, má còn là người “duyệt” các trường hợp chị em đến với Quỹ tiết kiệm của chi hội Hội PN P.2. Tuy quỹ chỉ có 5,2 triệu đồng do má và các hội viên đóng góp, gây dựng nhưng đã giúp đỡ không biết bao nhiêu hoàn cảnh chị em cần vốn làm ăn, giải quyết việc cấp bách. Ai gấp gáp cần tiền mở gánh hàng mưu sinh, mua bảo hiểm, đóng học phí cho con… đều được má trích quỹ cho mượn. Nhiều người nhờ đó qua được cơn túng khó.

Trò chuyện với má Cẩm, chứng kiến việc má làm, hiểu rằng má luôn thuận theo quan niệm sống: nhân ái, sẻ chia, giúp đỡ là cách đơn giản nhất giảm thiểu bất hạnh. Năm nay 83 tuổi, hỏi má khi nào thực sự “nghỉ hưu”, má cười dịu dàng: “Còn sức là còn làm. Mệt quá má mới nghỉ vì Bác Hồ đã nói rằng “việc học, việc làm là việc suốt cuộc đời” mà con!”.

 

Bà Nguyễn Thị Cẩm (sinh năm 1933)

- Chủ nhiệm CLB Hội Mẹ quận.

- Thời gian công tác Hội: 40 năm. Thành tích:

- Kỷ niệm chương Vì sự phát triển của PN Việt Nam.

- Cán bộ Hội cơ sở giỏi (2003 - nay).

- Gương điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gương điển hình dân vận khéo nhiều năm liền của phường, quận, thành phố.

- Huy chương Vì nghiệp giải phóng PN năm 1995.

- Gương PN tiêu biểu trên các lĩnh vực năm 2008.

- Gương dân vận khéo tiêu biểu ba năm (2008 - 2010).

Yên Nhạn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI