Sau khi tạo cú hích với doanh thu xấp xỉ 5,5 tỷ đồng chỉ trong ngày đầu mở cửa, Zara đã khiến cả thế giới… mắt tròn mắt dẹt, tiếp sức thêm cái nhìn VN là miền đất hứa.
Cơn lốc thời trang quốc tế tấn công tín đồ Việt Nam
Ước tính có khoảng 200 thương hiệu thời trang quốc tế từ cao cấp (Louis Vuitton, Dior, Gucci, Versace, Givenchy…) cho đến trung cấp (Mango, GAP, Topshop, Giordano…) đã đến VN.
Ở phân khúc trung cấp, ngoại trừ thương hiệu Old Navy của tập đoàn Gap In với hệ thống hơn 1.000 cửa hàng trên thế giới với các sản phẩm trang phục, phụ kiện cho nam và nữ, từ trẻ nhỏ đến người lớn mới gia nhập nên chưa biết thị trường sẽ đón nhận ra sao.
|
Xếp hàng dài chờ thử quần áo tại một shop thời trang quốc tế |
Riêng các thương hiệu như GAP thường tung ra các bộ sưu tập theo mùa và trưng bày mẫu mã hàng tháng trời khiến người tiêu dùng ít có lý do lui tới cửa hàng. Phong cách GAP đơn giản và cổ điển, chủ yếu là quần jeans, áo phông, sơ mi vốn được xem là những sản phẩm cơ bản, phù hợp phân khúc hẹp, chưa tạo được đột phá hoành tráng trong lòng đa số khách Việt.
Thương hiệu Tây Ban Nha Mango cũng tung ra các bộ sưu tập theo từng mùa trong năm dành cho người thành đạt nhưng nhờ gu thời trang tinh tế nên có lượng khách hàng riêng, chiếm vị trí ổn định trong thị trường Việt.
Và có thể nói trước khi Zara - kẻ “đồng hương” của Mango - xuất hiện, mê hoặc giới mộ điệu thì dù được chuộng trên thế giới, nhưng nhiều thương hiệu trong số đó vẫn chỉ chiếm vị trí khiêm tốn ở thị trường VN.
Đến nay, lực lượng fan hùng hậu của thời trang có vẻ rất hào hứng với thông tin sắp tới cửa hàng đầu tiên H&M chính thức xuất hiện tại Trung tâm thương mại Vincom (Q.1, TP.HCM). Cửa hàng có diện tích khoảng 2.200m2, nằm sát vách với “đối thủ” đáng gờm Zara đến từ Tây Ban Nha hoành tráng với diện tích 2.400m2.
Cơn lốc sính thời trang quốc tế giá bình dân sôi động hơn bao giờ hết và tiếp tục đe dọa ngành công nghiệp thời trang trong nước và cạnh tranh các thương hiệu thời trang quốc tế khác cùng phân khúc. |
H&M (Hennes & Mauritz) là thương hiệu thời trang đình đám chuyên hợp tác với các thương hiệu danh tiếng như Versace, Karl Lagerfeld, Stella McCartney, Isabel Marant, Lanvin, Alexander Wang… và những ngôi sao hàng đầu thế giới như Madonna, David Beckham, Kylie Minogue… để tung ra các bộ sưu tập thời trang sang trọng nhưng giá bình dân. Điều này khiến nhiều tín đồ thời trang chia sẻ trên mạng xã hội sẵn sàng chờ để tậu cho bằng được món đồ mình yêu thích.
Có thể nói, cơn lốc sính thời trang quốc tế giá bình dân sôi động hơn bao giờ hết và tiếp tục đe dọa ngành công nghiệp thời trang trong nước và cạnh tranh các thương hiệu thời trang quốc tế khác cùng phân khúc. Điều gì đã làm nên sự khác biệt này?
Những cú hích mê hoặc
Trên thực tế, Zara, H&M đều thuộc phân khúc thời trang bình dân trên thế giới (còn gọi là fast-fashion), chuyên cung cấp các mặt hàng giá rẻ từ quần áo, túi xách, giày dép… Khi đổ bộ vào VN, so với điều kiện kinh tế của người Việt, những sản phẩm này lại được xếp vào loại cao cấp và thổi phồng một cách thái quá.
|
Người tiêu dùng trong nước chen chúc mua hàng ngoại giảm giá |
Dù vậy, chúng không phải là hàng đẳng cấp xa xỉ như nhiều người lầm tưởng. Điều gì khiến các thương hiệu này thu hút người tiêu dùng Việt và khiến VN trở thành thị trường béo bở trong mắt quốc tế?
Sức hút 1: Trải nghiệm cảm giác thượng lưu
Thu nhập và gu thẩm mỹ ngày một cao hơn khiến nhiều người muốn sử dụng sản phẩm chất lượng cao, giá tốt từ các thương hiệu quốc tế. Trước đây, để sở hữu những món đồ này, người tiêu dùng sẽ đặt vé máy bay sang nước bạn tậu về hoặc đặt hàng online hay xách tay (rủi ro dễ mua nhầm hàng nhái).
Hiện nay, Zara mở cửa hàng lớn giữa trung tâm thương mại bậc nhất TP.HCM nhằm mang lại cho các tín đồ thời trang trải nghiệm cảm giác thượng lưu, được tận tay sờ, ngắm và chọn mua món đồ thời trang cao cấp với giá hợp lý khiến fan thêm“cuồng”.
Sức hút 2: Xuất xứ đa dạng nhưng sản phẩm thống nhất, mẫu mới liên tục, số lượng hạn chế
Ngoài một số ít sản phẩm sử dụng nhân lực từ các nước châu Á như Trung Quốc, Bangladesh, VN và châu Phi, hơn 50% sản phẩm của Zara được sản xuất tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Morocco.
Tuy vậy, dù được sản xuất từ bất cứ nước nào, tất cả sản phẩm đều được chuyển về Tây Ban Nha trước khi xuất xưởng phân phối cho các cửa hàng trên toàn cầu. Các fan ví Zara như cỗ máy tung sản phẩm mới với… tốc độ ánh sáng.
Hai tuần một lần, các cửa hàng gửi phản hồi của khách về trung tâm phân tích dữ liệu của Zara đặt tại trụ sở chính Cube ở Tây Ban Nha. Ngay lập tức, 300 nhà thiết kế liền cho ra đời mẫu mới đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng khắp thế giới. Hai tuần sau, các store trên toàn cầu sẽ có hàng loạt mẫu mới với bộ sưu tập như nhau và số lượng đặc biệt có hạn. Trong một tuần, mẫu nào bán không chạy sẽ lập tức bị hạ bệ và thay ngay bằng những thiết kế sốt xình xịch khác. Mỗi thiết kế chỉ tồn tại bốn tuần nhằm rút ngắn vòng quay của sản phẩm, không sợ hàng tồn.
Chiến thuật cực kỳ thông minh này khuyến khích khách trở lại cửa hàng thường xuyên, đáp ứng tâm lý không thích đụng hàng và sợ sản phẩm bị bán hết. Nhờ đó, Zara lấn át các thương hiệu bình dân khác, ảnh hưởng đến cả các “ông lớn” như Prada, Louis Vuitton, khiến họ phải sốt vó tung bốn-sáu bộ sưu tập mỗi năm thay vì chỉ hai bộ như trước đây. Zara cũng chẳng tốn xu nào để quảng bá thương hiệu nhưng rất chịu khó kèn cựa với các hãng thời trang cao cấp bằng cách mở store sát kế bên và bán đồ na ná nhưng giá mềm.
Sức hút 3: Nuông chiều các thượng đế
Zara còn rất chăm chỉ… “sale off”! Xuất hiện tại VN từ tháng Chín năm ngoái đến nay, không dịp lễ lạc nào mà Zara không tung chương trình giảm giá, có lúc giảm kịch sàn đến 70% (Black Friday) khiến dân tình phát sốt. Như vậy, ngay cả những người có thu nhập trung bình vẫn có thể sở hữu được những sản phẩm này.
Với tiềm lực tài chính dồi dào, chiến lược kinh doanh thức thời, đánh đúng thị hiếu người tiêu dùng, có lẽ chỉ trong một thời gian ngắn nữa, các thương hiệu thời trang bình dân quốc tế sẽ tiếp càn quét thị trường thời trang VN, tạo nên nhiều trải nghiệm mua sắm mới cho giới mộ điệu Việt. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với các tín đồ thời trang và cũng đáng lo cho doanh nghiệp may mặc VN!
Hàng may mặc Việt sẽ ra sao?
Các hãng thời trang nước ngoài vào VN sẽ tạo thêm sự cạnh tranh cho các đơn vị trong nước. Tuy nhiên, điều này cũng kích thích đơn vị VN sáng tạo và đầu tư bài bản hơn nếu muốn giữ và phát triển thị phần.
Hiện nay, một số đơn vị may mặc, thời trang VN như: An Phước, Belluni, May 10… rất thành công vì biết tận dụng thế mạnh sân nhà: hiểu văn hóa ăn mặc của người Việt; chọn nguyên liệu phù hợp và tập trung vào một phân khúc khách hàng nhất định nên dù giá sản phẩm cao nhưng vẫn cạnh tranh tốt với các hãng thời trang nước ngoài như Belluni, áo sơ mi thời trang với chất liệu mềm mại, thông thoáng làm từ sợi tre.
Hiệp hội cũng đang phối hợp với các tổ chức nước ngoài hỗ trợ đào tạo, tư vấn thiết kế cho các đơn vị thời trang trong nước và kiến nghị các cơ quan hữu trách kiểm soát chặt hơn quần áo thời trang giả, nhái, nhập lậu, kém chất lượng để tạo môi trường cạnh tranh thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) trong nước.
Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM (AGTEX)
Các nhãn hiệu thời trang “fast fashion” và “casualwear” đang làm cuộc tháo chạy khỏi thị trường đã giảm sức hấp dẫn như ở Mỹ, châu Âu và di chuyển về những thị trường trẻ, đang phát triển như VN.
Làn sóng này gây bất lợi cho nền công nghiệp thời trang nước nhà vốn vẫn lúng túng từ bài toán thương hiệu, sản xuất đến kinh nghiệm bán lẻ thời “digital”.
Để cạnh tranh được, hàng trong nước ít nhất phải ngang bằng với thời trang nước ngoài từ phong cách, thẩm mỹ, sáng tạo, tính ứng dụng, chất lượng, dịch vụ, đặc biệt là cần marketing hiện đại, đúng đối tượng.
Các thương hiệu VN dù lớn mạnh nhưng nếu cứ duy trì bộ máy cồng kềnh và không đổi mới sẽ khó có chỗ đứng ở TP lớn. Lúc này, các DN có thể tranh thủ mở rộng sân chơi ở các tỉnh, khi đối thủ mạnh chưa thể chạm tới.
Để tăng sức cạnh tranh, Tsafari có phòng thiết kế tại Singapore hướng đến khách hàng toàn cầu và chỉ chuyên sản phẩm thời trang thiết kế mang tính ứng dụng cao, độc quyền, giá thành hợp lý, dịch vụ thân thiện.
Chúng tôi tìm những khách hàng trung thành, trao niềm tin rằng sản phẩm còn có nhiều ý nghĩa hơn là một chiếc áo, khách cũng có nhiều quyền lợi hơn khi đồng hành lâu năm.
Hồ Trần Dạ Thảo - Giám đốc sáng tạo thương hiệu Tsafari
Chỉ cần năng động, không ngừng sáng tạo, bắt kịp xu hướng thiết kế, tạo nét riêng cho sản phẩm và thương hiệu thì DN VN sẽ tạo được thế mạnh cạnh tranh. Với lợi thế bản địa, DN có thế mạnh về giá vì quản lý tinh gọn và không tốn phí vận chuyển.
Bà Đặng Quỳnh Đoan - Giám đốc Công ty TNHH thời trang Việt Thy
Nguyễn Cẩm (ghi)
|
Hàng Việt Nam xuất khẩu
Người tiêu dùng rất phân vân khi thỉnh thoảng đến các store ở nước ngoài mua hàng hiệu nhưng nhãn mác có hàng chữ “made in Vietnam”. Lúc này, họ lập tức nghĩ ngay đến việc “thôi về VN mua hàng VN xuất khẩu, dại gì chở củi về rừng”, suy nghĩ này đúng hay sai?
Thật ra, có thể hiểu hàng VN xuất khẩu là hàng mà các thương hiệu thời trang thế giới đặt sản xuất tại VN với chất liệu, quy trình đạt chuẩn quốc tế. Nếu xuất thành công, hàng được bày bán ở các store trên toàn cầu sẽ đội giá lên ngất ngưởng bao gồm giá gốc, thuế VAT, thuế xuất nhập khẩu qua lại giữa các nước, phí vận chuyển...
Tuy nhiên, thực tế “hàng VN xuất khẩu” hay được gọi tên trên thị trường cũng có ba-bốn loại. Một số mẹo cơ bản sau đây sẽ giúp bạn chọn được hàng xuất “chính hãng”:
1. Hàng xuất xịn: là hàng y như store chính hãng bày bán (từ bao bì, tag, nút phụ, con chíp) nhưng số lượng rò rỉ ra ngoài rất ít, chiếm khoảng 2-5% trong tổng số lượng hàng đặt, không đủ size.
2. Hàng xuất dư: chẳng hạn bên hãng đặt 100 chiếc, nhà sản xuất VN sản xuất 130-140 chiếc. Phần dôi ra đó thường bị một vài lỗi nhỏ, thiếu nhãn mác nhưng chất lượng tạm ổn do sản xuất cùng chất liệu và mẫu mã.
3. Hàng copy (hàng chuyền): là sản phẩm làm từ mẫu vải dư và bắt chước hơi giống mẫu của hãng.
4. Hàng nhái: nhà sản xuất tự truy cập các website của hãng lớn, copy mẫu mã và tự lên mẫu bằng chất liệu kém chất lượng, kỹ thuật may kém sắc sảo, nếu để cạnh mẫu thật trong store so sánh thì rõ là một trời một vực.
Giao Giao
|
Giao Giao