Cơn sốt "da thuần chay" và thông điệp thời trang bền vững

19/09/2021 - 07:25

PNO - Việc sử dụng đồ da từ động vật hiện không còn được xem là tiêu chuẩn để đánh giá sự giàu sang, thời thượng.

 

Khi nhiều nhãn hàng thông báo họ đã và sẽ “khai tử” chất liệu lông thú, da động vật khỏi các thiết kế, những nhà hoạt động môi trường và người tiêu dùng bày tỏ sự ủng hộ. Tuy nhiên, vài năm sau lời tuyên bố trên, cơn sốt này vẫn chưa hạ nhiệt vì nảy sinh nhiều vấn đề, đòi hỏi cần có giải pháp để tạo ra chất liệu “thuần chay” đúng nghĩa.

Desserto, công ty đang sản xuất các loại da làm từ xương rồng, cho biết mỗi mảnh da cỡ khổ giấy A4 (thường được các thương hiệu đồ da mua về để thử nghiệm) được bán với giá 100 USD
Desserto, công ty đang sản xuất các loại da làm từ xương rồng, cho biết mỗi mảnh da cỡ khổ giấy A4 (thường được các thương hiệu đồ da mua về để thử nghiệm) được bán với giá 100 USD

Sự chối từ nơi khách hàng

Ngành công nghiệp da chiếm thị phần quan trọng trong nhóm các ngành công nghiệp lớn trên thế giới, có giá trị đến 200 tỷ USD. Theo nghiên cứu, mỗi năm, nhu cầu đồ da đều tăng và không bất ngờ nếu giá trị toàn ngành tiếp tục tăng. 

Tuy nhiên, việc sử dụng đồ da từ động vật hiện không còn được xem là tiêu chuẩn để đánh giá sự giàu sang, thời thượng; thậm chí còn không mang lại sự thoải mái cho người dùng. Nhiều cá nhân, tổ chức đang kêu gọi bảo vệ, tránh giết hại động vật để phục vụ nhu cầu làm đẹp của con người. 
 

Các mẫu giày tây dành cho nam của Hugo Boss sản xuất từ phế phẩm lá dứa được bán với giá từ 350 - 500 USD
Các mẫu giày tây dành cho nam của Hugo Boss sản xuất từ phế phẩm lá dứa được bán với giá từ 350 - 500 USD

Ngược lại, một số cá nhân vẫn ủng hộ việc sử dụng da động vật. Họ cho rằng sản xuất đồ da là cách ngành thời trang tiêu thụ giúp phế phẩm của ngành công nghiệp lấy thịt. Có nghĩa là trước nay, vô số động vật bị giết không phải để phục vụ cho ngành thời trang mà nhằm đáp ứng nhu cầu ăn uống của con người. Do đó, ngành thời trang chỉ tận dụng phế phẩm, tránh gây lãng phí. Ngoài ra, sản phẩm da từ động vật có thể phân hủy sinh học, không quá ảnh hưởng đến môi trường. 

Dù lập luận này khó chối cãi nhưng nhiều người đã và vẫn tiếp tục từ chối các mặt hàng phụ kiện (giày dép, túi xách…) từ da, bởi để xử lý da sống thành da thuộc dùng cho công nghiệp thời trang phải qua quá trình sử dụng hóa chất khắc nghiệt, trong đó có chất tẩy rửa mạnh. Ước tính 1kg da sống sẽ thải ra môi trường 30 lít chất thải lỏng sau quá trình làm sạch.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết, hoạt động chăn nuôi góp phần làm tăng lượng khí thải nhà kính toàn cầu khoảng 14,5 - 18% tổng lượng khí thải từ môi trường. Tại một số quốc gia như Ấn Độ hay Bangladesh, môi trường xung quanh các nhà máy sản xuất da bị ảnh hưởng nặng nề. Vì lẽ đó, sản phẩm làm từ da động vật khó lòng giữ chân những khách hàng yêu môi trường. Tuy nhiên, câu chuyện da thuần chay (vegan leather) cũng đau đầu không kém.

Đồng hồ với phần dây da từ chất thải tái chế
Đồng hồ với phần dây da từ chất thải tái chế

Ở Anh, thời gian qua, số lượng các sản phẩm được gắn mác thuần chay tăng nhanh chóng, đỉnh điểm tăng đến 75%. Về bản chất, các sản phẩm này tránh được vấn đề cốt lõi là không sử dụng nguyên liệu liên quan đến động vật như da cá sấu, da rắn, da bò, da đà điểu, da dê… Dù vậy, phần lớn chất liệu da thuần chay trên thực tế là da tổng hợp (polyvinyl clorua hay PVC). Điều này cũng không thật sự thúc đẩy tính bền vững mà khách hàng hướng đến. Chưa kể, Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) đã gọi PVC là “loại nhựa gây hại nhất cho môi trường”.

Thời trang khao khát sản phẩm da thuần chay

Gần đây, nhiều chất liệu da thuần chay đảm bảo tính bền vững, thân thiện với môi trường đã ra mắt. Chúng được làm từ dứa, táo, nấm, xương rồng, nhựa tái chế và một số nguyên liệu thuần tự nhiên khác… Trong đó, sợi nấm là một trong những chất liệu khiến giới yêu thời trang sửng sốt. Đây là sáng chế của Công ty MycoWorks. Nhóm nghiên cứu đã tận dụng cấu trúc rễ của nấm để phát triển thành sợi.

Năm 2018, thương hiệu thời trang Stella McCartney đã chọn sợi nấm để tạo ra chiếc túi điển hình của hãng - Falabella. Thương hiệu này cũng tận dụng chất liệu sợi nấm để thiết kế một số mẫu quần, áo. Tuy nhiên, không rõ vì lý do nào mà mãi đến gần đây, trang phục làm từ sợi nấm mới được Stella McCartney cho ra mắt.

Mẫu túi Prima Linea Cactus của Miomojo.com được làm từ xương rồng và mang màu sắc đặc trưng của loài thực vật này
Mẫu túi Prima Linea Cactus của Miomojo.com được làm từ xương rồng và mang màu sắc đặc trưng của loài thực vật này

Ngoài sợi nấm, chất thải từ lá dứa ở Philippines cũng được tận dụng. Đây là thành quả nghiên cứu của tiến sĩ Carmen Hijosa - cố vấn cho ngành công nghiệp sản xuất da tại Philippines. Bà lấy cảm hứng từ kỹ thuật dệt truyền thống để tìm kiếm chất liệu phù hợp và đã thành công với chất thải từ lá dứa.

Sáng tạo của bà Carmen Hijosa không chỉ giúp Philippines tiết kiệm chi phí để đốt 825 tấn lá dứa phế thải mỗi năm mà còn giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định. Đến nay, phế phẩm lá dứa là một trong những chất liệu phổ biến nhất để sản xuất các sản phẩm da thuần chay. Nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng, đặc biệt là Hugo Boss, đã ngợi ca chất liệu thân thiện với môi trường này. Họ có thể làm giày da, túi da, thắt lưng da thuần chay… đáp ứng nhu cầu khách hàng. 

Ở Brazil, lá cây tai voi cũng là một trong những nguyên liệu có thể sản xuất da thuần chay. Loại cây này đang được trồng tại các trang trại lớn hoặc trồng thành rừng. Một trong những trang trại cây tai voi cũng đang trồng thử nghiệm một số loại cây khác để nghiên cứu nhằm tìm thêm nguồn nguyên liệu mới sản xuất da thuần chay.

Các thương hiệu thời trang đang chạy đua  để ra mắt dòng sản phẩm gần gũi với thiên nhiên,  trong đó có chất liệu da thuần chay
Các thương hiệu thời trang đang chạy đua để ra mắt dòng sản phẩm gần gũi với thiên nhiên, trong đó có chất liệu da thuần chay

Thương hiệu thời trang xa xỉ Hermes sắp ra mắt sản phẩm túi xách làm từ sợi nấm. Công ty Allbirds (New Zealand) đã sản xuất giày thể thao làm từ sợi cây bạch đàn. Fossil (thương hiệu thời trang - phụ kiện nổi tiếng của Mỹ) dùng chất liệu từ… cây xương rồng để thiết kế túi xách. Bởi quá trình sản xuất sản phẩm da thuần chay không dễ dàng nên giá thành thường không rẻ.

Các mẫu giày kiểu dáng đơn giản dành cho nam của Hugo Boss được bán với giá từ 350 - 500 USD. Dòng túi từ xương rồng của Fossil có giá 298 USD. So với các dòng túi chất liệu nhựa PVC, nhựa PU hay tole của Fossil, giá dòng túi từ xương rồng cao gấp đôi, thậm chí gấp bốn lần. Song, với thông điệp ấn tượng, phù hợp lối sống văn minh của một bộ phận khách hàng tiềm năng, các nhãn hàng vẫn đang chạy đua để ra mắt dòng sản phẩm thời trang gần gũi với thiên nhiên, trong đó có chất liệu da thuần chay.

Công ty Mogu, một đơn vị sản xuất da từ nấm, cho biết họ đã đối mặt với nhiều thách thức để tạo ra chất liệu da thuần chay có độ bền cao. Quá trình nghiên cứu mất nhiều thời gian, thậm chí khó khăn hơn cả khi làm sạch da sống của động vật. Hiện các sản phẩm da thuần chay không có độ dẻo dai, chịu lực tốt như da động vật. Các đơn vị sản xuất da thuần chay, trong đó có Mogu, đang nỗ lực nghiên cứu nhằm tăng các chỉ số này nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu hạn chế dùng hóa chất. 

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI