“Cơn sốt” ChatGPT và những hệ lụy

10/02/2023 - 06:35

PNO - Sau một thời gian ra đời, ChatGPT đã dần lộ ra nhược điểm khi cung cấp nhiều thông tin không chính xác. Các chuyên gia cảnh báo, nếu người dùng lạm dụng sản phẩm chatbot này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.

Giả màn hình chatbot nhằm xuyên tạc thông tin
Giả màn hình chatbot nhằm xuyên tạc thông tin

Lạm dụng và “ăn theo” ChatGPT

Ông Trần Tuấn K. - chủ một doanh nghiệp tại Bình Dương - cho biết, dù phải dùng IP ảo và số điện thoại người thân ở nước ngoài mới đăng ký sử dụng được ChatGPT nhưng bạn bè ông sử dụng sản phẩm này khá đông. Trong group doanh nhân mà ông tham gia đã xuất hiện tâm lý “nghiện ChatGPT” và ít nhiều đã ảnh hưởng đến các quyết định kinh doanh của họ. Nhiều người đã “nhờ nó” cố vấn tài chính hay dự báo thị trường. 

“Không chỉ Việt Nam mà trên thế giới không ít người giàu tin mù quáng vào chatbot. Tỉ phú Gautam Adani (Ấn Độ) cũng thú nhận mình nghiện ChatGPT. Tôi cho rằng, vào thời điểm này, tốt nhất chỉ nên tiếp nhận công cụ này ở mức độ giải trí, chứ không thể dựa vào nó để ra quyết định” - ông K. nêu quan điểm.

Trên các diễn đàn xã hội, nhiều người cũng đang kháo nhau về chuyện một phụ nữ Anh đã quyết định ly hôn sau “lời khuyên” của ChatGPT. Câu chuyện gây xôn xao dư luận khi người dùng đặt câu hỏi: “Người ta nên làm gì khi đang trải qua cuộc hôn nhân bất hạnh nhưng lại tìm được niềm vui nhờ ngoại tình?”. Phần trả lời của “trí tuệ nhân tạo” được cho là rất chỉn chu khiến người đàn bà lâm thế “tiến thoái lưỡng nan”. Nhưng nhờ vậy, cô nhận ra phải đặt hạnh phúc bản thân lên hàng đầu và ly hôn để chung sống với người tình.

Ngoài ChatGPT, một công cụ tương tự của Writesonic là Chatsonic AI cũng đang khá phổ biến cho người dùng tiếng Việt. Nhiều người khoe mình đã thử yêu cầu chatbot dự đoán kết quả xổ số, cá cược bóng đá, giá vàng và ngoại tệ… Chị Châu Thị Ngân (quận Bình Tân, TPHCM) cho biết, đã xuất hiện nhiều hình ảnh được giới thiệu là “ảnh chụp màn hình” các đoạn chat tiếng Việt giữa người dùng với chatbot, nhưng thực chất chỉ là “ảnh photoshop” để đùa giỡn trên mạng. Có cả những chiêu chỉnh sửa ảnh để quảng cáo sản phẩm, dịch vụ khá phản cảm.

Do ChatGPT chưa được cung cấp chính thức tại Việt Nam nên muốn sử dụng phải qua nhiều thủ thuật khá phức tạp. Không ít người đã bị “lừa” bởi các ứng dụng “ăn theo”, giả mạo. “Hàng nhái” ChatGPT nhằm “câu lượt download” đang xuất hiện đầy rẫy trên các chợ ứng dụng như App Store, CH Play… 

Khi tải các ứng dụng này về, người dùng sẽ nhận được một “chatbot” không hề thông minh. Chưa kể nhiều người do nôn nóng đã bị các app “ăn theo” yêu cầu đăng ký có thu phí, coi như đã mất tiền cho một công cụ lỗi.

Tác hại khó lường

Hỏi về kết quả xổ số trên Chatsonic AI
Hỏi về kết quả xổ số trên Chatsonic AI

ChatGPT là một sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) được xây dựng trên nền cơ sở dữ liệu ngôn ngữ tự hồi quy cực lớn GPT-3 (Generative Pre-training Transformer 3), sử dụng phương pháp máy học (machine learning) tạo ra văn bản gần giống với cấu trúc và cách hành văn của con người. Nó được cho là quá thông minh, tạo ra sự tò mò lớn kể từ khi xuất hiện. Việc khó tiếp cận từ trong nước khiến xuất hiện các group chia sẻ account ChatGPT được đăng ký ở nước ngoài trên mạng xã hội.

Ông Trần Hồng Phát - chuyên viên lập trình ứng dụng Công ty TNHH Giải pháp công nghệ Xboss (TPHCM) - cảnh báo, nhiều người tiếp cận chatbot và đưa ra những câu hỏi chỉ nhằm mục đích thử nghiệm, giải trí, đùa cợt… chứ không thực sự là những yêu cầu cần giúp đỡ cho công việc hay cuộc sống. Dù không phải là con người, nhưng “con AI” này có khả năng “suy nghĩ”. Vì vậy, những câu hỏi vô thưởng vô phạt đã vô tình “huấn luyện” cho nó đưa ra những phản hồi “giễu cợt” cho người dùng về sau. 

“Điều nguy hại là “nói chuyện” với chatbot theo kiểu nào thì nó sẽ hiểu cái cách mình muốn trả lời như vậy, dẫn đến khả năng sai lạc thông tin cao. Hoặc nó tạo ra nội dung xấu do được huấn luyện để có thể trả lời theo văn phong của con người. Kẻ xấu có thể lợi dụng ChatGPT để tạo ra những nội dung lừa đảo, vi phạm bản quyền, ảnh hưởng tới cá nhân hoặc tổ chức, gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Trong một số trường hợp, câu trả lời còn mang tính thiên vị, phân biệt chủng tộc…” - ông Phát nói.

Theo ông Phát, người dùng còn có thói quen nguy hiểm là quá tin tưởng vào ChatGPT. Họ cho rằng nó luôn luôn đúng mà không cần kiểm tra lại thông tin. Việc này sẽ gây hậu quả nếu thông tin nhận được là sai. 
Ông Phát cảnh báo thêm, OpenAI chỉ mới huấn luyện dữ liệu cho công cụ này với phiên bản cập nhật thông tin đến cuối năm 2021. Nghĩa là những gì diễn ra sau đó chưa được cập nhật. Vì ChatGPT quá mạnh mẽ, nên nếu lạm dụng và phụ thuộc sẽ sinh ra tâm lý lười suy nghĩ, người sử dụng sẽ ngày càng không có kỹ năng tự đưa ra quyết định để giải quyết vấn đề.

Tình trạng dùng chung tài khoản ChatGPT cũng hết sức nguy hại. Nó sẽ xảy ra tình huống người sử dụng sau sẽ nhận được câu trả lời theo định hướng của người dùng trước. Nội dung khi đó sẽ không còn mang tính cá nhân của ai nữa và khả năng đưa ra thông tin hoàn toàn không chính xác. “Các cuộc trao đổi đều sẽ lưu lại trong lịch sử chatbot. Vì vậy, khi share tài khoản với nhau, người dùng có thể để lộ một số thông tin nhạy cảm được lưu lại” - ông Phát lưu ý. 

Những lợi ích của ChatGPT

Theo ông Trần Hồng Phát, các ứng dụng có lợi của ChatGPT gồm: tạo nội dung (ChatGPT có thể đưa ra ý tưởng, tạo ra các văn bản, tiêu đề, mô tả và các nội dung khác); giao tiếp trực tuyến (nó có thể sử dụng để tạo ra các bot giao tiếp online giúp giải quyết các vấn đề của người dùng nhanh nhất, tiện lợi nhất); phục vụ nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên và học máy; hỗ trợ nhu cầu tìm kiếm nội dung (có thể trả lời mọi câu hỏi của người dùng bằng một “giọng” tự nhiên, nhanh chóng và tương đối chính xác); hỗ trợ việc học tập (trả lời các câu hỏi về kiến thức, giải thích các khái niệm và hướng dẫn cách giải các bài toán, kể cả kiểm tra văn phong, lỗi chính tả…). Tuy nhiên, người dùng cần phải kiểm tra chắc chắn rằng thông tin được ChatGPT cung cấp là phù hợp với nền tảng học tập của mình.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI