|
Các chuyên gia cho rằng, nếu sử dụng đúng cách, ChatGPT sẽ hỗ trợ rất tốt cho học sinh, sinh viên trên hành trình khám phá tri thức (trong ảnh: Học sinh tham gia cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng TPHCM do Trung tâm Phát triển khoa học và Công nghệ trẻ - Thành đoàn TPHCM - tổ chức năm 2022) - Ảnh: Minh Linh |
Tuy chỉ mới xuất hiện vào cuối tháng 11/2022 nhưng ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer - một chatbot do công ty khởi nghiệp OpenAI phát triển) với kho kiến thức rộng lớn đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của hàng triệu người dùng trên toàn cầu nhờ việc có thể hồi đáp chi tiết và trả lời lưu loát trên nhiều lĩnh vực kiến thức.
Công cụ này đã gây không ít tranh cãi. Trong lĩnh vực giáo dục, ChatGPT có thể mang đến sự thay đổi quá trình dạy học và trở thành thách thức lớn với ngành giáo dục.
Công cụ được nhiều sinh viên tin tưởng
Phạm Xuân Long - đang theo học chương trình thạc sĩ hợp tác bởi 4 trường đại học ở Pháp, Anh, Đức và Tây Ban Nha - chia sẻ quan điểm: “Đối với tôi, ChatGPT mang đến một trải nghiệm mới lạ và hiệu quả trong việc tìm tòi, học hỏi dựa trên kho tàng kiến thức rất lớn bao gồm nhiều lĩnh vực đa dạng, rất dễ dàng tiếp cận và sử dụng của công cụ này”. Bản thân Xuân Long thường xuyên sử dụng ChatGPT để phục vụ cho việc học cũng như nắm bắt những đề tài mới.
Việc học tập của Xuân Long đòi hỏi phải đọc khá nhiều sách và văn bản bằng tiếng Anh ở từng môn học và không tránh khỏi việc có nhiều định nghĩa, nội dung bản thân chưa nắm bắt rõ cũng như hiểu được tường tận. “Để giải quyết vấn đề này, lúc trước tôi hay lên Google để tìm tài liệu. Với cách này, thường tôi sẽ phải tốn một ít thời gian để chọn lọc thông tin rõ ràng và dễ hiểu nhất. Nhưng hiện tại, bằng sự giúp đỡ của ChatGPT, tôi nhận thấy việc tìm kiến thức trở nên hiệu quả và hấp dẫn hơn khi mà công cụ này có khả năng đưa ra những câu trả lời với độ chính xác rất cao và có chiều sâu trong nhiều phạm vi nghiên cứu” - Xuân Long cho biết.
Không chỉ sử dụng ChatGPT để nâng cao trình độ viết lách và trình bày ý tưởng theo cách tối giản, Xuân Long còn dùng ChatGPT để củng cố, trang bị thêm những kiến thức về lập trình.
Còn Nguyễn Quang Mạnh - sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền - thừa nhận ChatGPT là công cụ học tiếng Anh rất tuyệt vời. “ChatGPT dễ dàng trò chuyện với bạn bằng tiếng Anh hay bất kỳ tiếng nào khác. Điều khiến mình thích thú là công cụ này sẵn sàng phân tích câu trả lời của bạn, sẵn sàng tư vấn cho bạn biết mình đang viết sai và còn gợi ý cách viết chuẩn, dễ hiểu hơn. Hay nhất là nó cũng có thể trò chuyện cả ngày về một chủ đề mà mình quan tâm, câu trả lời vào trọng tâm của vấn đề có giải thích, dẫn chứng cụ thể” - Quang Mạnh cho hay.
Thách thức với giáo dục
Dù là công cụ hỗ trợ học tập đắc lực, sự xuất hiện của ChatGPT cũng tạo ra lo lắng cho người làm giáo dục khi công cụ này có thể được sử dụng nhằm “học hộ” sinh viên cũng như làm các bài khóa luận. Gian lận trong học thuật đã được chứng minh tồn tại khi ChatGPT có thể dịch, tóm tắt văn bản cũng như trả lời các câu hỏi ở nhiều nội dung khác nhau. Đồng tình với quan điểm này, du học sinh Xuân Long thừa nhận hiện nay có rất nhiều tranh cãi về mặt tốt, xấu của công cụ ChatGPT. Nhiều người nghi ngờ rằng ChatGPT sẽ làm cho giới trẻ ỷ lại trí tuệ nhân tạo và phần nào lười suy nghĩ hơn thậm chí là gian lận trong làm khóa luận, thi cử…
|
Sinh viên dùng chatbot tìm kiếm thêm tài liệu |
“Cám dỗ đối với sinh viên khi dùng ChatGPT là có. Nhiều người sẽ dùng công cụ này làm thay phần việc của mình. Nhưng thay vì cấm thì giảng viên nên dùng ChatGPT để thiết kế lại bài giảng, để giờ học có thể cung cấp cho sinh viên hướng tương tác với nội dung. Hay giảng viên có thể định hướng để sinh viên dùng công nghệ một cách hữu ích cho việc học tập của mình” - Xuân Long cho biết và khẳng định nếu sử dụng công cụ này một cách hợp lý cho những mục đích chính đáng thì nó sẽ trở thành một trợ thủ đắc lực trong việc rút ngắn thời gian tìm tòi, học hỏi những ý tưởng và kiến thức mới.
Còn Quang Mạnh thì cho rằng ChatGPT có thể giúp người ta học nhanh hơn, rút ngắn khoảng cách giữa những người không giỏi tới sát những người giỏi, nhưng cũng có thể khiến cho sinh viên lười đi khi quá lạm dụng công nghệ. Quan trọng là chúng ta biết dùng nó cho mục đích tốt để phát huy khả năng của bản thân.
Thầy Đinh Đức Hiền - giáo viên môn sinh học ở Hà Nội (người đầu tiên phát hiện ra bất thường trong đề thi sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021) - cho biết dù chỉ mới ra đời khoảng 2 tháng nhưng ChatGPT đã giáng một đòn mạnh mẽ vào giáo dục truyền thống, gióng lên hồi chuông cảnh báo cho bất kỳ hệ thống giáo dục nào.
Thầy nhấn mạnh: “Với những gì ChatGPT đang làm, tôi tin trường học với mô hình truyền thụ kiến thức thụ động sẽ phá sản. Thực tế, kiến thức trong trường học hiện nay đều có trên internet, trong khi ChatGPT lại có thể giúp chúng ta xử lý thông tin, chắt lọc thông tin mà phần lớn học sinh chưa làm được”.
Theo thầy Đức Hiền, mô hình giáo dục với mục tiêu trang bị kiến thức là tối thượng không còn phù hợp nữa. Thầy cô buộc phải thay đổi, trở thành những người truyền cảm hứng, dẫn dắt, xây dựng các kỹ năng tự học, tự nghiên cứu suốt đời cho học sinh, đưa ra những câu hỏi kích thích sự tư duy sáng tạo, coi trọng tư duy phản biện… Đó mới chính là cốt lõi trong giáo dục mà không công nghệ nào thay thế được.
“Các nhà quản lý giáo dục sẽ phải đứng trước thách thức để đưa giáo dục đi đúng con đường của nó, bởi lẽ kiến thức giờ đây không còn là thế mạnh. ChatGPT ra đời là cú hích chuyển đổi mạnh mẽ, việc sử dụng nó trong giờ học ra sao, giới hạn nó như thế nào đối với giáo viên, học sinh cần được nghiên cứu và thảo luận. Bản chất nó là công cụ, xấu hay tốt là do chúng ta sử dụng nó như thế nào. ChatGPT có lợi thế về logic, phân tích, lưu trữ, tính toán dữ liệu nhưng nó thiếu đi cảm xúc và sự sáng tạo, và đó chính là phần việc của con người. Giáo dục đạo đức, tình yêu thương cần phải được coi trọng hơn bao giờ hết” - thầy Đinh Đức Hiền.
Lo ngại học sinh sẽ không còn động lực học tập Nếu biết sử dụng đúng cách, ChatGPT có thể là một người bạn trong lớp học và là một công cụ tuyệt vời cho học sinh, sinh viên trên hành trình khám phá tri thức. Chúng ta sợ sinh viên gian lận bằng nhờ ChatGPT viết bài luận nhưng lâu nay, vẫn tồn tại việc sinh viên thuê người viết các bài luận. Hoặc trên mạng, có đầy những quảng cáo nhận viết bài luận thuê, tức là không phải khi có ChatGPT thì các em mới gian lận. Cái nguy hiểm hơn mà tôi lo là với ChatGPT, học sinh sẽ không còn động lực học tập. Học sinh sẽ không còn hứng thú khám phá hay tìm tòi tri thức, các em cũng không thấy thích thú khi làm toán. Ngoài ra, nguy hại hơn, ChatGPT cũng có thể dịch được ra bất cứ ngôn ngữ nào khiến cho người học không còn động lực học ngoại ngữ hay viết báo bằng tiếng Anh. Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thành Nam (Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường đại học Giáo dục, Ðại học Quốc gia Hà Nội) |
AI sẽ giúp người dùng tăng hiệu suất làm việc Một số ý kiến cho rằng học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh sẽ tận dụng ChatGPT để tự làm bài tập về nhà, làm đồ án, bài tập trắc nghiệm, giả lập và thậm chí viết các nghiên cứu khoa học. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra, bởi tôi đã kiểm chứng và nhận được kết quả giật mình. Hiện nay, đã có nhiều trường đại học ở nước ngoài viết những con BOT (phần mềm tự động hóa trên máy tính) để đối phó với vấn nạn nói trên. Giảng viên trong trường đại học phải sử dụng con BOT này để phát hiện ra sinh viên, nghiên cứu sinh dùng ChatGPT để tạo ra sản phẩm. Tuy nhiên, ChatGPT cũng gây nhiều hệ lụy nếu người dùng quá lệ thuộc vào nó. Rất nhiều sinh viên dùng ChatGPT để làm bài tập, làm luận văn nên các giảng viên phải mất thời gian kiểm tra. Lãnh đạo doanh nghiệp cũng không kiểm soát được năng lực, năng suất lao động của nhân viên nếu họ đều nhờ ChatGPT làm thay. Người dùng cũng sẽ tốn chi phí nếu ChatGPT yêu cầu phải trả phí. Vẫn có rủi ro khi dùng ChatGPT bởi trí tuệ nhân tạo giống như một đứa trẻ, nếu được dạy tử tế thì sẽ trở thành người tử tế và ngược lại. ChatGPT cũng được định hướng bởi ai đó nên người dùng phải biết cách chọn lọc thông tin từ nó. Ông Ngô Tấn Vũ Khanh (Giám đốc phát triển Kaspersky Lab Việt Nam) |
Không ứng dụng nào thay thế được bác sĩ Trong y khoa, bất kỳ bệnh gì cũng phải điều trị theo từng cá thể chứ không phải đại trà, bởi mỗi bệnh có cơ địa riêng. Bác sĩ phải kết hợp từ nhiều dữ liệu như thăm khám trực tiếp, phân tích triệu chứng lâm sàng, bệnh sử, bệnh nền, cơ địa có dị ứng không, thậm chí phải thực hiện nhiều xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh… mới có thể chẩn đoán và điều trị bệnh. Chẳng hạn, nóng, sốt là triệu chứng khá phổ biến nhưng có đến hàng trăm loại bệnh có triệu chứng ban đầu là nóng, sốt. Do vậy, ứng dụng rất dễ cho ra kết quả nhầm lẫn về loại bệnh và đưa ra câu trả lời sai. Lúc này, nếu người bệnh tự mua thuốc điều trị theo hướng dẫn của ứng dụng, sẽ rất nguy hiểm. Theo tìm hiểu của tôi, hiện nay, nếu dùng từ khóa bằng tiếng Anh, ứng dụng ChatGPT sẽ cho kết quả khá chính xác, nhưng nếu dùng từ khóa bằng tiếng Việt thì kết quả hiếm khi đầy đủ, chuyên sâu, thậm chí nhầm lẫn khái niệm, sai hoàn toàn về tài liệu tham khảo. Ứng dụng này có khá ít dữ liệu khoa học về y khoa, nên mức độ tin cậy không có. Nếu được cập nhật dữ liệu chính xác từ các chuyên gia về y tế, trong tương lai, ứng dụng này có nhiều tiềm năng hỗ trợ cho bác sĩ trong công tác khám, chữa bệnh. Nhưng ChatGPT vẫn không thể thay thế được bác sĩ. Do vậy, người dân chỉ nên xem ChatGPT như một “kênh” để tham khảo, không nên quá phụ thuộc vào nó. Bác sĩ Lê Quang Mỹ (Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM) |
Đại Minh