Con sống vì người khác

11/01/2016 - 15:34

PNO - Một đứa trẻ thiếu tình yêu thương thực sự dễ đi tìm tình yêu thương từ bên ngoài, dù phải cố gắng làm hài lòng người khác cả khi mình tổn thương...

Chị Hoàng Thị Thu, nhân viên ngân hàng, có con gái học lớp 5. Thương con và có điều kiện kinh tế nên chị rất quan tâm đến con, đáp ứng mọi nhu cầu của con từ ăn mặc, học hành đến vui chơi, giải trí. Chị vui vì con gái học giỏi, ngoan, nhưng lại hoang mang vì con cứ muốn làm hài lòng bạn bè, mọi người.

Một lần, con chị đi mua quà sinh nhật cho bạn trong lớp suốt cả ngày, về nhà mệt phờ, vì vẫn chưa tìm ra món quà phù hợp. Chị biết bạn này không thân với con, nhưng con quá lo lắng không biết mua gì cho bạn, và khi đã mua quà rồi, con lại sợ bạn không thích. Vì thế, sau khi đi dự buổi sinh nhật bạn về, con chị không vui, tự trách bản thân.

Một lần khác, một số bạn trong lớp rủ con chị đi xem phim, dù không muốn coi bộ phim đó, nhưng con vẫn đi. Trong lòng không vui, con chị vẫn làm ra vẻ thích thú, đi cùng bạn bè. Khi về nhà, thấy con buồn bực, chị nói, lần sau con cứ bảo là bận làm việc nhà, hay phải đi đâu với mẹ. Con tỏ ra bực mình: “Con chỉ muốn các bạn vui và hài lòng, khi đó con mới cảm thấy vui”.

Con song vi nguoi khac
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Cô giáo cũng biết chuyện con gái chị “sống cho người khác”, nên bị bạn bè nhờ vả quá nhiều. Từ việc cho bạn mượn tiền, đến chép bài cho bạn, làm cả bài tập cho bạn… Chị lo, cứ theo đà này, con chị không tập trung vào bản thân, không còn biết sống cho bản thân.

Chị tìm hiểu mọi người thân của con gái, để xem con mình giống ai. Chị phát hiện bà nội của cháu cũng sống theo kiểu “vì muốn làm vui lòng người khác, mà nhiều khi lại bực mình, giận mình”. Mới đây, bà nội cháu đưa một số bà con đi chơi nước ngoài, bà bảo thật lòng không muốn đi, nhưng lại sợ mất lòng người ta nên phải ráng.

Chị phân vân, không biết con chị có giống bà nội, liệu tính cách có di truyền không? Chị phải làm gì, nói gì với con gái?

Trường Sơn (ghi)

Ý kiến phụ huynh

* Con tôi lúc bốn tuổi, thường xuyên mang đồ chơi đến lớp cho bạn, tôi phải giấu mấy thứ đồ đắt tiền. Lên lớp 1, thì mang đồ ăn cho bạn. Lúc đó, tôi hơi lo lắng, nhưng công việc nhiều, lo kiếm sống nên cũng bỏ qua.

Bây giờ, cháu đã vào đại học, tôi thấy cháu dường như hết “ham” làm hài lòng bạn bè, cháu chỉ có một vài bạn thân, chia sẻ với nhau thôi. Có khi cháu xin phép đến nhà bạn, cùng bạn chăm sóc mẹ của bạn bị ốm, tôi đồng ý.

Tôi nghĩ tính cách con trẻ còn thay đổi khi trưởng thành, nên ba mẹ đừng quá hoang mang, tập trung chăm sóc sức khỏe và giáo dục con thành người tốt là được.

Nguyễn Thị Thảo Ca (thợ làm tóc)

* Tôi lại phải khuyến khích con biết quan tâm người khác. Tôi có hai đứa con, đứa con gái đầu hay để ý thăm hỏi bà con, hàng xóm, còn đứa con gái út thì lơ là, chẳng biết ai là người thân. Cùng một chế độ giáo dục của cha mẹ, mà hai con tôi ứng xử trái ngược nhau. Tôi bảo cháu út gọi điện cho chú bác, dì, các chị em họ, thì cháu hay cằn nhằn: “Có chuyện gì mới gọi chứ”.

Tôi nghĩ, đã là tính cách, thì thôi kệ, chỉnh rất khó. Tôi chỉ nói với con, nếu con không nhớ, không quan tâm đến ai, thì cũng chẳng ai thèm quan tâm đến con.

Trần Giao Yên Hà (giáo viên)

Chia sẻ của chuyên gia

Tính cách ảnh hưởng từ giáo dục gia đình

Trước hiện tượng sống vô cảm, ích kỷ của nhiều bạn trẻ hiện nay thì con của chị Hoàng Thị Thu rất đáng được khen ngợi.

Tuy nhiên, chị cũng đã nhạy cảm nhận ra bé đã và đang có nhiều nỗi khổ tâm, phiền toái chỉ vì muốn làm vui lòng người khác, thậm chí bị bạn bè lợi dụng lòng tốt. Có lẽ chị cần nhìn lại tuổi thơ của con, cách nuôi dạy và ứng xử trong gia đình. Những hành vi của người lớn, ông bà, cha mẹ ảnh hưởng lên con cái nhiều hơn những gì mà chúng ta, người lớn cố dạy trẻ. Tính cách không di truyền mà ảnh hưởng từ giáo dục, giáo dục mạnh nhất là từ hành vi, sự bắt chước.

Có vài điều tôi xin chia sẻ với chị về lý do đằng sau cách phản ứng của cháu trong các mối quan hệ. Cháu có được yêu thương đủ theo cách cháu muốn để không cần mong cầu tình thương từ xung quanh không?

Một đứa trẻ thiếu tình yêu thương thực sự sẽ dễ đi tìm kiếm tình yêu thương từ bên ngoài, dù phải cố gắng làm hài lòng người khác ngay cả khi mình tổn thương, đây là một phản ứng tiêu cực. Cháu đã biết yêu thương chính bản thân mình chưa? Có lẽ đây là điều chị cần dạy con trước hết. Muốn yêu thương mọi người đúng cách và được mọi người yêu thương, trước hết ta phải biết yêu thương, trân quý chính mình.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI