Con sợ mẹ kế lắm mẹ ơi!

19/06/2018 - 15:48

PNO - Khi con bối rối, loay hoay đối đầu với người phụ nữ tới sau bạn, hãy cùng chồng cũ giúp con thích ứng nhanh với mối quan hệ không thể chối từ ấy.

Nếu chồng cũ  đang trong một mối quan hệ nghiêm túc và có kế hoạch tiến tới hôn nhân. Đứa con của bạn với anh ấy có thể sẽ phải sống cùng mẹ kế. Không dễ để con hiểu đúng về mối quan hệ mới. Nhưng hơn lúc nào hết, bạn đừng để con bối rối loay hoay với một đống khó khăn.

Đây là thời điểm mà bạn, chồng cũ, cùng với người mới của anh phải chung tay nỗ lực giúp con nhanh chóng thích ứng với "mẹ kế".

Con so me ke lam me oi!
Cuộc sống của con với mẹ kế dễ chịu hay không, tùy thuộc rất nhiều vào sự giúp đỡ của bạn


Trẻ hay nghĩ mẹ kế độc ác

Đa số trẻ suy diễn mối quan hệ mẹ kế - con chồng theo chiều hướng tiêu cực, bởi đầu óc non nớt của trẻ nhỏ dễ bị ảnh hưởng bởi những lời nói đùa của người ngoài kiểu: “Ba có vợ mới rồi sẽ có em bé mới thì con ra rìa”.

Mới đây, chị Thanh giật mình khi con gọi điện thoại bày tỏ lo lắng: "Con sợ mẹ kế lắm mẹ ơi!" Chị tưởng bé bị "tập 2" của chồng đối xử tồi tệ sau khi con và người mới gặp nhau vài lần.

Chị hỏi: “Cô có tốt với con không?” Bé nói: “Cô rất tốt với con, cô còn mua đồ chơi cho con nữa, nhưng con không thích bởi vì ba cưới cô thì cô sẽ thành dì ghẻ hành hạ con”.

Sở dĩ trẻ con nghĩ thế là vì người lớn cũng thường nhắc đi nhắc lại chuyện "mấy đời bánh đúc có xương", rồi những câu chuyện cổ tích hay  phim hoạt hình luôn khắc họa một hình ảnh một "mụ dì ghẻ độc ác hành hạ, đánh đập con chồng" nên trẻ mặc định rằng vợ mới của ba đương nhiên sẽ đối xử tệ với mình.

Con so me ke lam me oi!
Hãy nói cho trẻ yên lòng rằng, rồi con sẽ có thêm một mẹ mới, một tổ ấm mới
 

Cho trẻ cái nhìn đúng đắn và tích cực

Đừng để cho con có ác cảm với tình yêu mới của chồng (hoặc vợ) bởi sau đó rất khó xóa bỏ những suy nghĩ tiêu cực trong đầu trẻ. Trước khi buổi gặp gỡ đầu tiên, hẳn nhiên là bên thứ ba cũng sẽ chuẩn bị tâm lý nhưng bạn cũng đừng nên đứng ngoài cuộc, hãy giải thích cho con:

- Người đó chính là người yêu thương cha (hoặc mẹ) con và cũng sẽ yêu thương con. Không có chuyện đánh đập hoặc hành hạ. Có thể con không ngoan, ngỗ ngược người đó sẽ phạt con như là mẹ (hoặc ba) vẫn phạt con vậy.

Con so me ke lam me oi!
Nếu con không ngoan thì có thể bị phạt nhưng sự nghiêm khắt đó không có nghĩa là không thương con

- Con cũng đừng nghĩ mẹ hoặc ba là không thể thay thế trong tim con và đừng hòng ai đó bước vào cuộc sống con nữa. Đúng là ba mẹ là số một, nhưng cô (chú) ấy cũng không có ý định thay thế vị trí của ba (mẹ) trong tim con. Vậy nên đừng căng thẳng, hãy tiếp nhận sự quan tâm, chăm sóc ấy.

- Đừng tỏ ra ganh tỵ, đừng nghĩ rằng cô chú ấy cướp mất ba (mẹ) của con. Sự thật ba (mẹ) vẫn luôn yêu thương con, hy sinh cho con khi cần thiết. Bên cạnh đó con còn có thêm tình yêu từ một người thân mới.

- Hãy cởi mở đón nhận tình cảm và cũng phải biết trao tặng để người thân mới của con cảm thấy tình cảm cho đi của họ được đáp đền. 

Tại sao con cần có mối quan hệ tốt với "tập hai"?

Trước tiên là vì lợi ích của con bạn, nếu tình cảm đó thuận lợi thì con bạn được nhận thêm tình thương, sự quan tâm. Nếu ngược lại, con trẻ sẽ là người lãnh nhận những tổn thương tinh thần, mà những vết thương đó ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển nhân cách của con.

Con so me ke lam me oi!
Bạn đời cũ hạnh phúc sẽ góp phần giúp con bạn có được niềm vui trọn vẹn

Thêm nữa, nếu vợ hoặc chồng bạn có tình yêu mới thuận lợi thì sẽ có một gia đình mới và nếu cuộc sống mới hạnh phúc thì con bạn một phần giảm đi áp lực vô hình lên đôi vai con bạn về sau. Thử tưởng tượng không có ai cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn khi nghĩ đến một người cha (mẹ) đơn độc và thiếu thốn tình cảm.

Nguyệt Phạm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI