Con sẽ đốt lá thư này

03/09/2023 - 06:49

PNO - Ngôi nhà của mẹ con tôi lúc nào cũng vang tiếng cười và mùi bánh trái thơm tho. Có thiếu gì đâu? Cho đến khi đứa bạn cùng lớp hỏi câu: “Sao lúc nào tớ cũng chỉ thấy mẹ bạn đưa đón mà không thấy ba?”.

 

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Việc thiếu vắng người đàn ông trong gia đình tôi không là vấn đề, có lẽ cũng vì tính cách phù phiếm của tôi hay nói đúng hơn là nhờ cách mẹ nuôi dạy tôi. Tôi không nhớ khi còn nhỏ, mình có hay hỏi về cha - kiểu câu hỏi mà những bộ phim gia đình thường dựng thành hình ảnh người mẹ đang vui cười bỗng chết lặng rồi thốt lên câu: “Lớn lên con sẽ hiểu” cùng với tiếng thở dài nuốt xuống khiến đứa con rơi vào hoang mang và không dám hỏi han gì nữa.

***

Khi còn nhỏ, tôi chỉ nhớ mình là công chúa: váy áo xúng xính, nơ cột tóc đủ kiểu, giày điệu… Tôi thường được mẹ đưa đi chơi, xem phim, xem kịch… Nhiều khi, từ hàng ghế khán giả, mẹ chỉ tay lên sân khấu lộng lẫy và hỏi tôi: “Con muốn làm công chúa không?”. Hồi đó, tôi chưa biết công chúa không chỉ là cái váy xếp nếp bồng bềnh voan, ren, nơ và những hạt cườm lóng lánh…

Tôi sung sướng trong thế giới mượt mà mẹ dệt nên cho tôi: những món đồ chơi nhiều màu sắc, những đèn hoa, những búp bê… Ngôi nhà của mẹ con tôi lúc nào cũng vang tiếng cười và mùi bánh trái thơm tho. Có thiếu gì đâu? 

Cho đến khi đứa bạn cùng lớp hỏi câu: “Sao lúc nào tớ cũng chỉ thấy mẹ bạn đưa đón mà không thấy ba?”.

Ngày nào đi học về, tôi cũng kể chuyện mẹ nghe. Nếu có ngày tôi buồn bực im lặng vì điểm kém hoặc bị bạn chơi xấu, thế nào mẹ cũng hỏi han và biết cách làm cho tôi mở miệng. “Hãy dốc ngược nỗi bực mình để có chỗ trống mà chứa đựng niềm vui” - nghe như tôi là cái bao hay cái thùng.

Vậy mà tôi lại thích câu nói giàu hình tượng này và đúng là tôi tuôn hết ra cho mẹ nghe. Nhưng chẳng hiểu sao câu hỏi tò mò tọc mạch của đứa bạn thì tôi lại giữ bí mật. Tôi không muốn mẹ phải buồn. Mà sao tôi biết mẹ sẽ buồn nếu tôi kể chuyện đó? Tôi tự hiểu, vậy thôi! 

Có lẽ, như người đời nói, những đứa con thiếu cha hoặc mẹ thường khôn trước tuổi. Tôi khôn trước tuổi nên nhận ra mình là cả thế giới của mẹ. Mẹ vui khi tôi kể chuyện vui và mẹ buồn theo khi tôi kể chuyện buồn, do đó, tôi chọn vui mọi lúc mọi nơi. Tôi khôn trước tuổi nên nhận ra mẹ chỉ xã giao với bác Thành và chú Quyền chứ không hề có ý định gắn bó với ai.

Bắt chước một nhân vật trong phim, tôi nói: “Con không phải là đứa ích kỷ đâu, mẹ thương ai thì hãy gật đầu với người đó chứ đừng sợ con khóc lóc”. Mẹ cười vang như tôi vừa nói gì đó rất hài hước. Có lần, tôi nói câu này khi có mặt cô Hồng hàng xóm, cô Hồng nheo mắt hỏi: “Con muốn mẹ có chồng cho vui hay là muốn mình có cha?”.

Tôi ghét câu hỏi vô duyên của cô Hồng khiến cả 2 mẹ con tôi rơi vào nỗi niềm, mà lỗi tại tôi đem chuyện nhà ra nói khi có mặt người khác. Tôi chuộc lỗi với mẹ bằng cách biến đề tài đó thành chuyện đùa vui. Tôi cùng mẹ xem bộ phim kể về cô gái giã từ quê nhà đến thành phố tìm cơ hội. Người mẹ trao cho cô gái nửa chiếc khăn tay và nói đó là manh mối có thể giúp cô tìm được cha mình. Sau bao long đong éo le trên đường đời, cô gặp được người sở hữu mảnh khăn tay khớp với nửa của mình và trở thành người thừa kế một nhà hàng nổi tiếng. 

Tôi hỏi mẹ có đang giữ nửa chiếc khăn tay nào không, mẹ phì cười. Tôi cũng cười: “Thừa kế một nhà hàng là chuyện thường thôi, con muốn làm công chúa hơn”. Là tôi muốn nhắc lại những bộ váy xúng xính ngày nào. Tôi muốn mẹ biết tôi luôn nhớ mình được mẹ chăm sóc đủ đầy và tôi sẽ không bao giờ phụ lòng mẹ.

Nhưng mẹ nắm bắt theo nghĩa khác. Mẹ vui vẻ phụ họa: “Ừ, ngày xưa có ông vua xứ Ba Tư ngang qua đây…”. Tôi cướp lời: “… thấy mẹ xinh đẹp quá, mà đang chinh chiến nên vua không thể đưa mẹ theo được…”.

Mẹ con tôi có nhiều lúc đùa nhảm vậy mà rất vui. Rồi tôi thay thế Ngàn lẻ một đêm bằng câu chuyện khác. Hôm đó, bộ phim có diễn viên nam chính đẹp trai ngời ngời lái chiếc Ferrari màu đỏ trong một pha rượt đuổi rất bắt mắt, tôi nói: “Để hôm nào con đưa về nhà một chàng lái chiếc Ferrari màu đỏ đẹp như vậy chở mẹ đi chơi”. Mẹ nhìn tôi: “Không muốn làm công chúa nữa hả?”. Tôi lắc đầu: “Công chúa là cổ tích thôi, chiếc Ferrari thật hơn”.

Và những chàng trai cũng thật hơn. Tuấn, Dũng, Hoàng… mỗi người một vẻ hào hoa và một màu xe khác nhau khiến tôi hơi phân vân giữa lựa chọn nên bước lên chiếc Ferrari màu đỏ hay Audi màu xám hay Mercedes màu đen.

Tôi không hiểu sao mẹ tỏ vẻ lo lắng, chẳng phải chính mẹ bao bọc tôi trong nhung lụa hào nhoáng sao? Hay mẹ sợ làm sui gia với đại gia thì việc tôi không có cha là một thất thế? Ồ, thời buổi này… mẹ lạc hậu quá đi!

***

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

Mẹ đổ bệnh bất ngờ và ra đi rất nhanh. Phút cuối, mẹ thì thào: “Lá thư trong cái gối màu hồng… Mẹ xin lỗi con”.

Lá thư mở ra trước mắt tôi một thế giới khác của mẹ mà đến giờ tôi mới hiểu: “Ông ấy không biết mẹ có thai. Mẹ không muốn ràng buộc mà chỉ muốn có một đứa con do chính mình sinh ra. Mẹ đã làm theo ý muốn của mình. Khi đó, mẹ nghĩ mình thừa sức cho con mọi thứ trên đời này. Mẹ chỉ nghĩ được vậy thôi…”.

Mẹ con tôi rất thân nhau, mẹ đâu cần phải viết thư kiểu này làm đau lòng nhau quá. Mẹ ra đi mà day dứt còn tôi hối tiếc vì không có cơ hội nói với mẹ rằng tôi rất vui được làm con của mẹ và vậy là đủ.

Nhưng dù sao mẹ cũng đã viết thư, một khi đã biết thì tôi không thể không tò mò. Chỉ là tò mò thôi, tôi không có ý phá vỡ sự bình yên của gia đình người ta khiến mẹ trở thành tội đồ.

Mẹ đã cẩn thận chọn lựa để sàng lọc ra người hoàn hảo nhất cho đứa con của mẹ, hẳn vậy rồi. Mà người hoàn hảo thì sao lại không đủ thông minh để đoán ra ý mẹ? Mẹ quyến rũ cha và đó là phút giây lầm lỡ của cha? Hay là cha đã hết yêu vợ và mẹ là một niềm hy vọng mới?…

Những câu hỏi trồi lên choán đầy tâm trí khi tôi ngồi trong quán cà phê nhìn qua biệt thự bên kia đường có nhiều cây kiểng hình thù lạ mắt và có người đàn ông góp phần tạo ra tôi đang ngồi đọc báo trên xích đu hoặc đang trả lời điện thoại với vẻ thân ái hay đang cắt tỉa cây kiểng với vẻ nâng niu… Nhìn ông có vẻ là người hiền. Có phải vì ông là người hiền nên trước đây mẹ càng không muốn cho tôi biết vì sợ lỡ tôi ngốc nghếch? Hay nỗi kiêu hãnh của mẹ chỉ chịu xẹp xuống vì căn bệnh nan y, vì thương tôi cô độc giữa đời?

Rồi tôi nhìn thấy Dũng lái chiếc Audi màu xám chạy vô sân. Người đàn ông đang ngắm cây kiểng quay mặt lại nhìn Dũng với nụ cười cha con ấm áp.

Tôi như rơi xuống vực sâu không đáy. Cảm giác rơi trong hun hút rất kinh khủng. Dũng là anh của tôi! Hẳn là Dũng giống mẹ nên tôi không có liên tưởng gì. Tôi được khen thông minh, tinh tế mà không hề có linh cảm gì là sao hả ông trời? 

Tôi bừng hiểu ra vì sao mẹ để lại lá thư. Tôi nhớ lại nỗi lo lắng của mẹ. Có lẽ mẹ đã hy vọng tôi gật đầu với Tuấn hay Hoàng để bí mật của mẹ vẫn mãi là bí mật. Lẽ ra tôi phải biết hẳn có một lý do khó nói nào đó khi người kiêu hãnh như mẹ lại chịu viết thư nhận lỗi…

***

Tôi đặt bó hoa trước khung hình mẹ tươi cười. Tôi chọn tấm hình này vì muốn bàn thờ mẹ là nơi đẹp nhất. Tôi thắp nhang và lau nước mắt: “Mẹ à, tự nhiên muốn khóc vậy thôi chứ con không buồn giận gì đâu. Mẹ không phải lo lắng và dằn vặt nữa vì con chưa gật đầu với ai hết”.

Con sẽ đốt lá thư này, coi như mẹ chưa viết và con cũng không biết gì. Mẹ cũng muốn vậy mà, phải không?… 

Nguyên Hương

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI