Con rối tha hương - "Cầu nối" văn hóa Việt - Đức

06/05/2016 - 07:44

PNO - Qua từng trang sách, độc giả như thấy sự giằng xé đan xen giữa hiện tại, quá khứ và tương lai không chỉ của một cộng đồng người Việt ở Đức.

Con rối tha hương là tác phẩm đầu tay của tác giả Karin Kalisa - nhà khoa học, nhà biên tập nhiều năm nghiên cứu các lĩnh vực như ngôn ngữ, triết học và dân tộc học. Đây cũng là cuốn tiểu thuyết vinh dự được lựa chọn để giới thiệu đầu tiên trong Những ngày văn học châu Âu tại Viện Goethe trong năm nay.

Câu chuyện bắt đầu từ thế hệ nhỏ nhất trong một gia đình Việt kiều 3 thế hệ sống tại Đức, cậu bé Minh học sinh cấp 1, phải mang đến “Tuần thế giới mở”của nhà trường một tiết mục văn hóa mang đậm màu sắc Việt Nam, mà không phải là thức ăn. Sung & Mây - bố và mẹ cậu bé - bó tay, chỉ cậu vào viện cầu đến bà nội - Người duy nhất trong gia đình sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, với hy vọng bà sẽ mang đến một số sản phẩm văn hóa Việt Nam.

Con roi tha huong -
Bìa cuốn "Con rối tha hương"

Một con rối nước với một câu chuyện gây ngạc nhiên, và hấp dẫn người nghe, được kể qua màn độc thoại kỳ lạ và những động tác duyên dáng của người phụ nữ đã đi qua hơn nửa đời người, được mang đến sân khấu của “Tuần thế giới mở”. Cũng từ đây, cuộc đời ba thế hệ của gia đình cậu bé Minh trên nước Đức, bắt đầu từ bà nội cậu được trải ra cho độc giả cũng trải nghiệm và thấu cảm.

Qua từng trang sách, độc giả thấy ở đó sự giằng xé đan xen giữa hiện tại, quá khứ và tương lai không chỉ của gia đình Minh mà cả một cộng đồng người Việt ở Đức. Độc giả có thể tìm thấy trong cuốn sách bóng dáng và cuộc sống của một thế hệ người Việt đi ra từ chiến tranh, lao động trên nước Đức từ thời bức tường Berlin vẫn còn tồn tại, cho đến khi nước Đức thống nhất. Rồi tiếp đó là một thế hệ người Việt được sinh ra là lớn lên tại Đức, giằng xé trong hòa nhập, suy nghĩ về nguồn cội; để rồi nhiều người trong số đó cuối cùng đã quyết định tìm hiểu về cuộc đời lúc trước của các bậc sinh thành, và tìm về nguồn cội.

Người đọc cũng thấy ở đó sự khơi mở của văn hóa Việt trên nước Đức với những nghệ thuật múa rối và những cây cầu khỉ du kích, đầy sáng tạo và gợi sự tò mò; và nó dần len lỏi vào đời sống của người Đức, nước Đức, tạo nên một nét mới cho nền văn hóa đa sắc màu này.

”Prenzlauer Berg vốn là một khu phố nhộn nhạo của Berlin với 150,000 cư dân trên 10,000 cây số vuông, và một phần trăm số đó bị những con rối lôi ra khỏi nhà… Khán giả không chỉ đến từ phía Đông, mà cả từ phía Tây.. Trong biển người địa phương và du khách (kéo đến xem buổi biểu diễn rối nước), nhân viên phòng Trật tự đi tuần, với chiếc nón dán băng phản quang, họ toát ra một vẻ kiêu hãnh và hài lòng... ”

Diễn biến liền mạch, tuy không kịch tính, song vẫn đủ sức hấp dẫn người đọc. Cùng với sự duyên dáng và hóm hỉnh trong cách hành văn của tác giả Kalisa trong tác phẩm cũng là một điểm nhấn khác của tác phẩm.

Để cuối cùng dù đọc vài dòng tái bút của tác giả cuối cuốn tiểu thuyết: “Cửa hiệu Sung, lịch sử, chủ sỡ hữu cũng như các nhân vật và toàn bộ diễn biến trong cuốn tiểu thuyết đều được hư cấu”, nhưng nhiều độc giả vẫn tin là thực sự đã có những nhân vật, câu chuyện như thế diễn ra trên nước Đức

Là một trong rất ít tác giả nước ngoài viết về cuộc sống của Việt kiều. Với cái nhìn tinh tế, khóe léo Karin Kalisa đã mang đến cho độc giả những cái nhìn khá mới mẻ.

Nhật Hạ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI