Kính gửi chị Hạnh Dung,
Ba mẹ em có hai con, là chị Hai và em, chị Hai 26 tuổi còn em năm nay đang học đại học, 21 tuổi. Cách đây mấy năm, một dịp ba đi công tác, mẹ kêu hai chị em vô nói chuyện. Chuyện là ba có quen một người phụ nữ khác và ba đã có một đứa con trai hai tuổi với cô ta. Mẹ nói đã gặp cả hai mẹ con họ, đứa bé giống ba lắm, qua thử ADN cũng xác nhận đó là con của ba.
|
Ảnh minh họa |
Vậy là hai chị em tự nhiên có thêm một đứa em trai. Tuy nhiên, đứa em trai đó không bao giờ đến nhà. Ba mẹ em thống nhất hằng tháng chu cấp một khoản tiền để nuôi cậu bé đó đến năm 18 tuổi, còn lại, hai mẹ con họ không bao giờ được công nhận chính thức.
Ba mẹ không chia tay vì muốn giữ gìn gia đình đầy đủ cho tụi em. Lúc đó, mẹ đã khóc rất nhiều. Em nghĩ, chuyện của người lớn, người lớn quyết định sao thì em tôn trọng vậy.
Nhưng nay em cảm nhận thấy giữa ba mẹ có nhiều thay đổi. Trong thái độ của mẹ, thấy mẹ mặc kệ ba nhiều hơn, không còn chăm lo, lại rất hay chua chát nặng lời. Ba thì đi công tác nhiều hơn.
Em nghĩ không biết có phải ba về với hai mẹ con người đàn bà kia hay là ba chán cảnh gia đình nặng nề, muốn đi cho khuất mắt. Có lần em hỏi thẳng ba, thì ba nói người đàn bà ấy đã lập gia đình mới rồi, đứa bé đang sống chung với cha dượng, cũng rất tội nghiệp, chịu nhiều thiệt thòi lắm.
Nhìn mắt ba, em biết ba dằn vặt rất nhiều. Tự nhiên, em cũng muốn làm điều gì cho đứa em trai nhỏ kia. Nhưng em không biết làm thế nào, nếu mẹ biết chuyện này, mẹ sẽ phản ứng gay gắt lắm.
Hồng Xuân (TP.HCM)
Em Hồng Xuân thân mến,
Có lẽ chuyện này là chuyện không thể bàn bạc một cách công khai. Mình phải tìm những con đường khác, mềm mại hơn, khéo léo hơn thôi em ạ. Bản thân ba em giờ ở thế rất khó xử. Ba đã gây ra lỗi lầm với mẹ và các con, dù có giải thích biện minh cách gì đi nữa, lỗi đó cũng sờ sờ.
|
Ảnh minh hoạ |
Hơn nữa, cái lỗi đó gây ra bao nhiêu là hệ lụy không chỉ tới thời điểm hiện tại mà còn cả trong tương lai. Bây giờ, ba em khó có thể chủ động đứng ra dàn xếp việc này. Cũng may, trong gia đình, em còn hiểu và có sự đồng cảm nhất định để không bỏ mặc mọi việc mà tìm cách thu xếp theo cách tốt nhất.
Em hãy nói chuyện với lần lượt từng người trong gia đình, tìm cơ hội thuận tiện nhất để bắt đầu câu chuyện một cách tự nhiên. Có lẽ nên bắt đầu từ chị em, khi hai chị em thống nhất được cách nghĩ, các em có thể phân công nhau tác động đến ba mẹ.
Sau khi nói chuyện hết với cả nhà, em xem ý kiến của mọi người có mâu thuẫn nhau không. Thường, mẹ là người khó nhất, vì mẹ có lẽ là người bị tổn thương nhiều nhất. Người đàn bà bị giày vò bởi ý nghĩ về sự phản bội của chồng nhưng với hai chị em, có thể chuyện sẽ được tiếp cận theo hướng khác, là sự san sẻ, thấu cảm.
Em trai của em không có lỗi, đứa trẻ ấy không chủ ý ra đời để gánh lấy sự hắt hủi của gia đình. Vẫn biết gia đình đã có một quyết định chung như vậy nhưng nghĩ chuyện dài hơn, làm sao có thể quay mặt đi coi như không hay biết đứa em ấy bây giờ sống với ai, sẽ lớn lên, trưởng thành thế nào.
Vẫn có cách để chăm lo cho đứa em không may mắn. Cũng có thể không cần phải nói tất cả việc mình làm với mẹ, để tránh cho mẹ những suy nghĩ dằn vặt lúc này. Về lâu về dài, lúc nào đó, mẹ sẽ hiểu. Em hãy mạnh dạn, dũng cảm lên để trở thành chỗ dựa cho gia đình trong hoàn cảnh khó xử này.
Hạnh Dung
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC Thanh Sang (Q.Bình Thạnh, TP.HCM): Lúc này, mẹ là người cần chia sẻ và thấu hiểu Chào cháu. Tôi xin phép gọi như thế vì cháu cỡ tuổi con tôi. Chuyện của cháu như hằng hà sa số câu chuyện gia đình xảy ra trong cuộc sống này. Đó là bi kịch hôn nhân của những người đàn ông không tôn trọng cuộc sống gia đình. Tôi cũng là nạn nhân của một cuộc hôn nhân như thế. Đau đớn và dằn vặt khôn nguôi nhưng tôi đã cố xử lý thật êm vì tôi và vì những đứa con như cháu. Tôi nhớ lúc chồng tôi thú thật chuyện này, con gái của tôi, như cháu, đã rất vui mừng, vì bỗng dưng có thêm một đứa em trai. Niềm vui đó có lẽ là động lực cho tôi quyết định thật nhanh. Tôi nghĩ, người cần chia sẻ và thấu hiểu lúc này là mẹ cháu. Hãy ôm lấy bà, nói với bà rằng bà còn có hai cô con gái. Nếu mang em trai kia về nuôi dưỡng, mẹ sẽ có thêm một cậu con trai. Chỉ là người phụ nữ kia mất đứa con thôi. Mẹ hãy cố vui và sáng suốt sao cho ba của cháu nể và mang ơn suốt đời. Cháu hãy ngồi cùng ba mẹ, chị và có ý kiến như một thành viên trưởng thành. Việc bây giờ nếu có thể là mang cậu em trai ấy về nuôi dạy chăm sóc. Mong rằng cháu và cả nhà có đủ tình yêu thương. Ngọc Nữ (Q.1, TP.HCM): Hãy thật tế nhị và khéo léo Có thêm một đứa em cũng vui mà, phải không bạn? Chỉ là ta dang tay ra chào đón máu mủ của mình thôi. Mong rằng lỗi lầm của người lớn không làm bạn cảm thấy khó khăn và cũng không ảnh hưởng đến tinh thần của bạn. Đây là chuyện hệ trọng, không thể mang ra bàn bạc ồn ào. Hãy quan sát phản ứng của mẹ bạn, đừng để mẹ bị tổn thương. Sự hồ hởi hay đau xót của bạn và chị cũng đều ảnh hưởng đến mẹ. Mong bạn cân bằng được cảm xúc. Bạn mong muốn thế nào, chị gái có ý kiến gì… hãy thẳng thắn bày tỏ. Mọi thứ chắc chắn sẽ khó khăn. Cả nhà hãy cân nhắc kỹ để tránh những lời khó nghe. Còn trước mắt, nếu được, bạn hãy ghé thăm em, mua quà cho em. Nếu bất tiện thì khi nào ba bạn đi thăm, hãy theo cùng. Hãy nói rõ tâm ý của mình với ba. Hãy ôm mẹ, nhỏ to cùng mẹ. Cảm giác bị phản bội sẽ giày vò mẹ bạn thật lâu. Còn bây giờ, thêm một đứa em là thêm niềm vui, bạn ạ. |
Thư cho Hạnh Dung, mời quý vị gửi về: hanhdung@baophunu.org.vn
Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn từ Thứ 2 tới Thứ 6, trong giờ hành chánh.