Con riêng là cầu nối với vợ cũ

10/11/2024 - 20:19

PNO - Xác định nhà mình có con riêng của chồng đang sống cùng, em nên chuẩn bị tâm lý rằng sẽ có khó khăn nhưng không phải là không cố gắng được.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Khi lấy chồng, em biết chồng em đã có 1 đời vợ, có 1 con riêng nhưng đứa con ấy không sống với anh nên em nghĩ không ảnh hưởng đến cuộc sống của mình.

Vợ chồng em cưới nhau được 6 năm, có 1 con gái. 2 năm đầu, con riêng của anh thỉnh thoảng mới đến thăm. Năm sau đó cũng là thời điểm dịch COVID-19, ba má anh nói anh phải đưa con về sống chung vì là cháu nội trai duy nhất. Lúc đó hoàn cảnh chung, ai cũng lo lắng cho người thân, em nghĩ mình không thể phản đối.

Nhưng sau thời gian dịch, con trai anh vẫn tiếp tục sống ở nhà em. Em biết cháu rất yêu thương mẹ. Hiện nay, mẹ cháu - tức vợ cũ của anh - vẫn đang sống một mình. Em cảm giác cháu muốn hàn gắn ba mẹ, tức chồng em với vợ cũ của anh ấy.

Em cảm giác cuộc sống của mình bị nhòm ngó, phán xét. Vợ chồng sao khỏi có lúc bất đồng ý kiến với nhau nhưng mỗi lần như vậy, hình như cháu đều kể cho mẹ nghe. Một lần đọc được tin nhắn của cháu với mẹ, đại khái là kể lể bình luận nọ kia, em thấy máu nóng bốc lên.

Sinh nhật chồng, trong khi em chưa biết chồng thích gì, mình nên mua quà gì thì có “người bí mật” tặng hoa tặng quà, đúng món anh thích. Thấy chồng lúng túng, thấy con trai chồng cười vui hỉ hả, em nghi lắm, không biết đó có phải là quà của vợ cũ nhờ con trai anh tặng. Em hỏi chồng, anh nói đó là quà của con.

Có ai như em không, đang có chồng có con lại phải khổ sở canh chừng, lo con riêng chồng đang bắc nhịp cầu nối chồng với vợ cũ. Em nói với chồng để con về sống với ông bà nội hay sống với mẹ nhưng chồng em ậm ừ chưa quyết. Em cảm thấy không khí gia đình nặng nề, không thoải mái, khó chịu ghê gớm mà không biết làm sao.

Xin chị cho em lời khuyên.

Ngọc Duyên (TPHCM)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Em Ngọc Duyên thân mến,

Thông thường, bất kỳ đứa trẻ nào cũng muốn được ở với ba ruột, mẹ ruột. Đó là tâm lý phổ biến. Con riêng của chồng em cũng không phải ngoại lệ. Trẻ con chưa hiểu hết sự phức tạp trong mối quan hệ của người lớn, nếu cháu muốn hàn gắn ba mẹ, em cũng nên hiểu đó chỉ là một mong muốn trẻ con.

Chồng em là một người đàn ông trưởng thành. Anh ấy đã chia tay vợ cũ, đã lập gia đình mới, đã có con, đó đều là những quyết định quan trọng của người lớn, đâu phải chuyện nay ừ mai ứ. Có thể em khó chịu với vụ “tin nhắn” của cháu, cảm thấy không thoải mái trong chính ngôi nhà của mình nên đang lo lắng quá mức.

Giữ trong lòng chuyện này sẽ khiến không khí gia đình nặng nề, ngột ngạt; mối quan hệ giữa em với con chồng chắc chắn sẽ xấu đi đã đành, mà quan hệ giữa vợ chồng em cũng bị ảnh hưởng.

Em hãy nói chuyện với chồng, kể cho anh ấy nghe việc con anh nhắn tin để anh có thể hiểu con, dạy con. Chồng em nên nói cho con hiểu rằng ba mẹ đã quyết định chia tay, gia đình hiện tại là cuộc sống của ba, ba yêu gia đình mới và yêu con, ba mong con tôn trọng mọi người.

Mặt khác, em cố gắng giữ không khí gia đình vui vẻ, hạnh phúc. Sinh nhật của chồng, của mình hay của các con, không cần quá đặt nặng chuyện quà, em có thể tổ chức bữa ăn đầm ấm cả gia đình, bày tỏ tình cảm yêu thương, gắn bó. Cứ để con riêng của chồng nhắn tin kể những chuyện vui vẻ, hạnh phúc đó trong gia đình em, vợ cũ anh ấy sẽ hiểu.

Đành rằng vợ chồng nào cũng có lúc bất đồng ý kiến nhưng điều quan trọng là đừng cãi vã, lớn tiếng với nhau trước mặt các con, dù là con chung hay con riêng.

Chuyện này thường phụ nữ là người chủ động, đàn ông ít khi ý tứ mà cũng khó kiềm chế. Khi có gì chưa ưng ý, có chuyện bực mình, em nên kiên nhẫn, chờ khi thích hợp, vợ chồng nói chuyện riêng với nhau.

Xác định nhà mình có con riêng của chồng đang sống cùng, em nên chuẩn bị tâm lý rằng sẽ có khó khăn nhưng không phải là không cố gắng được. Khi con anh đủ tuổi trưởng thành hoặc đi học xa, cháu sẽ tự quyết định ra riêng, sống độc lập. Trong thời gian này, em cố gắng bình tâm, thu xếp cuộc sống gia đình bình yên.

Hạnh Dung

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nếu tôi là người trong cuộc

Ngọc Thu (TP Cần Thơ): Nên chia sẻ thẳng thắn với chồng

Trong hoàn cảnh này, bạn có cảm giác bất an và ghen tuông là điều bình thường. Bạn hãy thẳng thắn chia sẻ những lo lắng, suy nghĩ của mình một cách chân thành, cụ thể. Nói rõ với chồng rằng bạn không cấm chồng liên lạc với vợ cũ nhưng phải đảm bảo các cuộc liên lạc giữa 2 bên hoàn toàn minh bạch, chỉ nên liên lạc những việc liên quan đến con chung.

Hãy cùng chồng tìm hiểu xem vì sao con trai lại muốn kết nối ba với mẹ nhiều như vậy. Do con đang cần sự quan tâm của ba mẹ hay thấy thiếu thốn tình cảm của mẹ ruột? Nếu con thiếu thốn tình cảm, bạn và chồng có thể tạo điều kiện cho con được gặp gỡ, đi chơi với mẹ nhiều hơn.

Còn nếu mục đích chỉ là muốn ba và mẹ ruột quay trở lại thì hãy nói cho chồng biết rằng anh cần có trách nhiệm giải thích cho con hiểu ba mẹ không thể chung sống với nhau nữa nhưng vẫn luôn yêu thương con.

Quốc Huy (Quận 6, TPHCM): Tìm cách gắn kết với con riêng của chồng

Trong hoàn cảnh này, nếu bạn tỏ ra gay gắt, khó chịu với con sẽ khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn. Thay vào đó, hãy tìm cách gắn kết, trò chuyện nhiều hơn với con.

Tìm hiểu xem con có thích bộ môn thể thao nào hay không, sau đó rủ chồng cùng tham gia, tạo ra những kỷ niệm riêng cho cả gia đình. Nên khen ngợi những điều con làm để giúp con tự tin, cảm thấy được quan tâm. Không nên nói xấu mẹ ruột của con, không ép con gọi bạn bằng mẹ mà có thể gọi bằng cách nào đó mà con thấy thoải mái nhất.

Nói với con rằng bạn rất yêu thương con, yêu ba và tôn trọng cả mẹ ruột của con nhưng những hành động của con đã khiến bạn buồn. Hãy cố gắng dùng từ ngữ dễ hiểu. Không thể nào ép buộc một đứa trẻ có tình cảm với người lạ hoặc thay thế vị trí mẹ ruột trong lòng bé. Nhưng nếu bạn kiên nhẫn, chân thành, theo thời gian, con sẽ cảm nhận được và từ từ chấp nhận.

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(8)
  • Như Thuỷ 13-11-2024 01:26:50

    Bạn có quyền yêu cầu chồng làm rõ vai trò của các thành viên, và nhờ ông bà nội hoặc mẹ cháu hỗ trợ trong việc chăm sóc cháu nếu cần

  • Thuỳ Trinh 13-11-2024 01:23:48

    Sống cùng con riêng luôn mang đến những thách thức, nhưng bạn có thể xem đây là cơ hội để gắn kết với cháu. Nếu cháu thấy được sự chân thành của bạn, có lẽ cháu sẽ cảm nhận và thay đổi cách hành xử

  • Ngọc Tú 13-11-2024 01:19:39

    Chuyện quà cáp có thể là ngẫu nhiên, nhưng điều quan trọng là bạn cảm thấy chồng đã chia sẻ đủ với bạn chưa?

  • Tuyết Nghi 13-11-2024 01:16:07

    Có lẽ bạn nên dành thời gian xây dựng mối quan hệ với con riêng của chồng, để tạo không khí hòa hợp hơn. Điều này sẽ giúp cháu gần gũi với gia đình bạn, và cảm giác về "người nối cầu" cũng sẽ được giảm bớt

  • Đan Thy 13-11-2024 01:12:27

    Bạn nên nói rõ ràng với chồng về cảm giác của mình, để cả hai cùng thống nhất cách đối xử phù hợp với con riêng. Nếu không, bạn sẽ mãi cảm thấy bị canh chừng và không thoải mái.

  • Ngọc An 13-11-2024 01:09:06

    Việc sống chung với con riêng của chồng không dễ dàng, nhất là khi cháu có mối liên hệ mật thiết với mẹ ruột. Bạn có quyền chia sẻ suy nghĩ của mình và tìm cách cùng chồng giải quyết, thay vì cứ chịu đựng.

  • Xuân Thuỳ 13-11-2024 01:07:21

    Bạn đang gặp khó khăn không chỉ với con riêng của chồng mà còn cả cảm giác không chắc chắn trong mối quan hệ vợ chồng. Có lẽ bạn cần trò chuyện thật lòng với chồng về những lo lắng này để cả hai hiểu nhau hơn.

  • sóc con 12-11-2024 16:17:48

    Chị có thể cùng chồng bàn bạc về vai trò, giới hạn của mỗi người trong gia đình để tạo ra một môi trường thoải mái và không gian riêng cho tất cả các bên.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI