Chị Hạnh Dung thân mến,
Gần đến tuổi 40 rồi tôi mới tìm thấy một nửa của cuộc đời mình. Anh là một doanh nhân khá thành đạt, một người đàn ông đẹp trai, lịch lãm và điều quan trọng là anh cũng rất yêu tôi, cũng cảm thấy tôi là một nửa của cuộc đời mình.
Yêu nhau ba năm, chúng tôi mới quyết định kết hôn và tôi đã nghĩ rằng cuộc hôn nhân này sẽ mang đến cho tôi hạnh phúc nhẹ nhàng và bình an, bởi kinh tế của cả hai vợ chồng đều rất vững.
Con tôi đã lớn và đang du học nước ngoài. Hai con của anh cũng không còn nhỏ (đứa 15, đứa 13) lại đang ở với mẹ và được chu cấp đầy đủ. Ấy thế mà rồi mọi chuyện chẳng như tôi nghĩ.
Chỉ mới vừa qua tuần trăng mật được hai tháng, một hôm tôi nghe chồng tôi bắt điện thoại rồi vẻ mặt đầy lo lắng bảo tôi: “Mẹ tụi nó nói sắp đi công tác xa một năm, anh phải đưa tụi nó về đây ở tạm, chứ ông bà ngoại không lo cho tụi nó được”.
Tôi nghe, thấy không vui trong lòng, nếu không muốn nói là vô cùng bực tức. Tôi nghĩ thầm: “Bà này tức tối, cho con sang phá đám vợ mới của chồng cũ đây”. Nhưng chẳng tiện đưa ra những lời khó nghe hiềm khích với người cũ ngay từ đầu nên tôi đành im lặng rồi cười gượng gạo: “Thì vậy cũng tốt, cho cha con có dịp được gần nhau nhiều hơn như anh thường mong ước”.
Nhà có osin, phòng riêng cho hai con anh đều có đủ, nhưng đừng tưởng là tôi sẽ không phải “dính líu” tới bọn chúng. Bởi vì ngay lập tức, chồng tôi đã tuyên bố với hai con rằng: “Cô nuôi dạy em Hoàng rất tốt, học giỏi, được học bổng du học, nên từ nay ba giao chuyện học hành của các con cho cô quản lý”.
Tôi nhìn cái vẻ lầm lỳ của con gái anh, cái điệu nghênh nghênh đầy vẻ bất cần của con trai anh, và đã cảm thấy rằng cái câu anh bàn trước với tôi: “Vợ cũ của anh chẳng biết nuôi dạy con cái. Tụi nó học hành rất kém. Em vốn là cô giáo, em giúp anh dạy tụi nó. Anh muốn em sẽ trở thành mẹ thật sự của tụi nó”, chắc sẽ khó trở thành hiện thực.
|
Ảnh minh họa |
Muốn làm vui lòng chồng, tôi đã làm bộ mặt hết sức vui vẻ chấp nhận lời đề nghị của anh. Các con anh vốn sợ ba nên cũng không có ý kiến gì phản đối lại tôi trước mặt anh. Nhưng chỉ cần anh quay lưng đi là những bộ mặt thiên thần đó lập tức trở thành ác quỷ.
Con gái anh không muốn cho tôi kiểm bài học của nó, con trai anh không bao giờ chịu bỏ áo vào quần, mang giày xăng đan khi tới trường, và sau giờ học thì chúng nhất quyết lang thang với bạn bè tại các tiệm game, trà sữa… chứ không về nhà ngay. Tôi đã nhiều lần phải đi kiếm, chờ đợi tụi nó hàng tiếng đồng hồ.
Tôi đã áp dụng đủ mọi phương cách: lúc đầu là dịu ngọt, nhẹ nhàng. Tụi nó bỏ ngoài tai. Một người bạn bảo tôi: “Chị đừng để chúng nghĩ là chị sợ và muốn lấy lòng tụi chúng. Bọn trẻ ngày nay kinh lắm. Chúng không sợ các bà mẹ ghẻ đâu. Chúng biết nếu chúng khôn ngoan, tình thế sẽ ngược lại là khác. Chị phải cứng rắn”.
Thế là tôi cứng rắn. Tôi gọi chúng lại và ra các luật lệ, quy định. Thật bất ngờ, tụi nó trả lời tôi thẳng thừng: “Tụi con không phải con cô. Tụi con không muốn sống theo luật lệ của cô. Nếu cô muốn sống yên với ba con thì cô để tụi con yên. Cô cũng đừng có méc ba con. Tụi con cũng có nhiều chuyện để than phiền về cô đấy”.
Tôi biết rằng tất cả những điều này là do mẹ chúng bày mưu tính kế sắp đặt ra, chứ bọn chúng chỉ là lũ nhóc con, làm sao dám tự nghĩ ra những trò như thế. Tôi thực sự choáng, sốc và giờ đây tôi không biết có nên kể cho chồng tôi nghe?
Hoàng Lan
Chị Hoàng Lan thân mến,
Có một điều luôn khiến các mối quan hệ mẹ ghẻ con chồng bị rạn nứt ngay từ đầu, đó chính là ý nghĩ: chúng bị mẹ xúi bẩy phá mình và cha chúng. Chị nên gạt hẳn khỏi đầu suy nghĩ về sự chống đối được sắp đặt và điều khiển bởi người vợ cũ. Suy nghĩ này sẽ khiến chị khó gần gũi, không tạo được không gian tin cậy với các con của chồng.
Và sau đó, chị nên sống hết sức thật với con người mình: không phải cố làm vui lòng chồng hay vui lòng con chồng, bởi đó sẽ là áp lực rất lớn cho cuộc sống của chị.
Các con của chồng chị đều đã lớn cả, áp đặt cho chị nhiệm vụ cai quản và ép các con phải chịu đựng một người cai quản, có lẽ là một cách làm hơi vội vã của chồng chị. Còn chị dù không mấy sẵn sàng cho nhiệm vụ đó, lại vẫn chấp nhận mà không có sự giúp đỡ nào của anh, không có sự chuẩn bị, tìm hiểu nào về lũ trẻ, cho nên mọi chuyện trở nên rối rắm sau lưng anh mà anh không biết.
Chị không cần thiết phải nói với anh về những điều không hài lòng. Đơn giản là chị hãy yêu cầu anh tham gia vào việc thảo luận những nội quy, luật lệ của gia đình một cách công bằng với ý kiến của cả bốn bên.
Đừng vội nghĩ rằng chúng chống đối. Có thể đơn giản là chúng muốn bảo vệ cách sống, luật lệ xưa nay chúng quen và vị trí của mình mà thôi. Vậy hãy cho những đứa trẻ vị trí đúng của chúng, và xác định vị trí của mình. Đó chính là cơ sở để chị và các con “chung sống hòa bình”.
Xin lưu ý chị với tuổi này của các cháu, chính cha mẹ ruột còn hết sức khó khăn để "chung sống hòa bình" nữa là chị - một người có sẵn cái mác ít gây thiện cảm: Mẹ ghẻ. Vì thế chị nên cố gắng để có thể có cuộc sống chung thân thiện và yên lành đã. Rồi sau nữa mới có thể tiến xa hơn nữa như anh mong muốn là dạy dỗ hay giáo dục.
Nhưng theo Hạnh Dung, ở đây là sự ảnh hưởng tốt lên suy nghĩ và hành động của các con thì đúng hơn là dạy dỗ và giáo dục chúng. Chị phải làm sao để chúng nhìn thấy ở chị một người đáng tin cậy và đáng yêu mến để chúng nghe lời.
Hãy tiến hành từng bước một cách thoải mái và nhẹ nhàng, đừng gây áp lực cho mình và bọn trẻ. Thân mến.
Hạnh Dung
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn