Kính gửi chị Hạnh Dung,
Em lập gia đình với người đã qua 1 lần đò. Lúc tụi em cưới nhau, con gái anh đã 12 tuổi. Vợ cũ của anh theo chồng mới ra nước ngoài định cư, con bé sống với ông bà nội, cưới xong thì bé về ở với vợ chồng em. Sau đó, em sinh 1 bé gái.
Cuộc sống có con chung, con riêng không dễ dàng gì nhưng em đã cố gắng hết sức để bù đắp cho con chồng và công bằng với cả 2 chị em.
Nhưng thực sự, con gái chồng em từ hình thức đến tính tình, tư cách đều rất khác với con em. Từ nhỏ, con đã không thích học hành, thường xuyên vi phạm nội quy, trốn học, nhiều khi nghỉ học chỉ vì đêm trước thức khuya sáng ngủ nướng. Vợ chồng em bị nhà trường gửi thư mời thường xuyên. Chồng em rầy la thì con bé bỏ về nhà ông bà nội, tỏ thái độ bất cần.
Hiện giờ, con đang học đại học tư, học phí rất tốn kém. Con có bạn trai, nhiều bữa không về nhà mà ngủ luôn ở nhà bạn trai, gần như là sống thử. Em có tiếp xúc, thấy bạn trai của con có vẻ không đáng tin cậy, chắc chỉ lợi dụng thân xác của con.
Chồng em nói con đã lớn rồi, tự quyết định cuộc sống, tự lo tương lai, cha mẹ không thể lo mãi. Em nghĩ nếu con bỏ học hay dính bầu, vợ chồng em cũng phải lo cho con. Vợ cũ của chồng em thỉnh thoảng có gửi tiền về cho con nhưng cho tiền mà không quản lý, dạy dỗ thì chỉ làm con thêm hư hỏng.
Em rất sợ con chồng sẽ ảnh hưởng xấu đến con em. Con em đang bắt đầu vào tuổi dậy thì, rất thích quần áo, đồ trang điểm của chị. Trộm vía, con riêng của chồng em khá xinh đẹp, sành điệu trong khi con gái em thì bình thường, chiều cao khiêm tốn, tính tình rụt rè. Em nhìn thấy ảnh hưởng của chị lên em gái khá mạnh mà không biết làm sao để giữ gìn cho con mình.
Xin chị cho em lời khuyên.
Phương Thúy (TPHCM)
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Em Phương Thúy thân mến,
Giáo dục gia đình là nền tảng quan trọng hình thành nhân cách của mỗi người. Có thể con riêng của chồng em đã chịu thiệt thòi do cha mẹ ly hôn, gia đình đổ vỡ, con không được hưởng sự chăm lo, giáo dục đầy đủ của cha mẹ.
Khi con về sống với vợ chồng em, lỗ hổng này cộng với những tác động tâm lý của cuộc sống mới đã làm cho mọi chuyện trở nên phức tạp hơn.
Dù sao, đây cũng là một sự thiệt thòi, con đáng thương nhiều hơn đáng trách. Nếu nhìn từ góc độ ấy, em sẽ thấy mình có lý do để kiên nhẫn với con hơn.
Em hãy chấp nhận con người con như bản thân con, đừng đặt những mục tiêu quá khác với bản chất của con, đừng đòi hỏi con phải ngoan, hiền, nghe lời, học giỏi… Cô gái trẻ ấy có tính cách khác với mong muốn của em và sẽ quyết định đường đời khác với em nghĩ.
Em chỉ nên chấp nhận con người non trẻ ấy, yêu thương mà không phán xét, kiên nhẫn giúp con sửa chữa, đứng dậy sau mỗi sai lầm, giúp con nhận ra đâu là điều đúng đắn. Với cô gái này, em sẽ mất nhiều thời gian, công sức và tình thương chân thành. Thực sự chỉ có tình thương đó mới gắn kết được mẹ con trong hoàn cảnh này.
Con gái sau của em không chịu những biến động như chị trong suốt khoảng thời gian thơ ấu. Điều quan trọng nhất là em đừng đặt 2 chị em vào thế đối lập nhau, đừng chỉ trích, chê trách chị với em.
Em gần gũi con gái mình nhiều hơn, nói chuyện cho con hiểu những thiệt thòi của chị, để con gái em cũng hiểu và thương chị như cách mẹ thương chị gái. Hiểu được vậy, con gái em sẽ tiếp nhận những ảnh hưởng từ em nhiều hơn.
Gia đình hiện tại, với vợ chồng em và con gái em, chính là “bản vá lỗi” cho những thiệt thòi, xộc xệch trong cuộc sống con gái riêng của chồng. Em nên nói chuyện với chồng, từng việc một của con gái. Vợ chồng em nên có cách cư xử nhất quán, giúp đỡ, định hướng cho con, giữ mối dây kết nối con với gia đình. Rồi con sẽ lớn, chín chắn hơn, hiểu được tấm lòng của em.
Hạnh Dung
|
Ảnh minh họa |
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC
Thùy Dung (TP Thủ Đức, TPHCM): Tránh so sánh con chồng với con ruột
Con gái riêng của chồng bạn đã trải qua những tổn thương do cha mẹ ly hôn nên hành vi, cảm xúc có thể bị lệch lạc, đòi hỏi bạn thật khéo léo, tế nhị.
Tuyệt đối đừng áp đặt, so sánh con riêng và con chung vì sẽ làm con vốn đã tổn thương càng mặc cảm, tự ti, ganh tị, đố kỵ, đâm ra càng chống đối và không hợp tác với cha mẹ. Đôi khi dù bạn không nói ra nhưng thái độ, ánh mắt, cử chỉ của bạn có thể sẽ thể hiện điều này và con gái của chồng bạn sẽ cảm nhận được.
Bạn hãy tập trung vào điểm mạnh và tiềm năng, tìm hiểu thêm về sở thích, nhu cầu của con để giúp con định hướng tương lai, nghề nghiệp. Tìm kiếm thêm các hoạt động ngoại khóa, một số bộ môn thể thao phù hợp, đăng ký cho cả 2 con cùng tham gia để kéo con khỏi các cuộc chơi vô bổ.
Hãy đối xử công bằng với các con, cho con gái riêng biết bạn luôn yêu thương và quan tâm con thông qua một số hành động nhỏ như mua quần áo, mỹ phẩm cho con nhiều hơn một chút, khen khi con trang điểm, ăn mặc đẹp… Một khi cảm nhận được tình yêu thương của bạn, con sẽ tự động xích lại gần hơn.
Hữu Nghĩa (Huyện Tân Trụ, Long An): Nhắc nhở chồng quan tâm con gái riêng nhiều hơn
Có những đứa trẻ sẽ cố gắng học tập thật tốt để có được sự quan tâm, yêu thương của cha mẹ nhưng cũng có những đứa trẻ lại chọn cách nổi loạn, trốn học để thu hút sự chú ý. Con riêng của chồng bạn chọn cách tiêu cực này vì bé không nhận đủ sự quan tâm, kết nối với cha mẹ, luôn cảm thấy lo lắng, bất an và có cảm giác bị bỏ rơi.
Con gái riêng có bạn trai, quan điểm của chồng bạn về việc “để con tự quyết định” cũng có phần hợp lý nhưng chưa đủ. Con đang rất nhạy cảm, có thể nghĩ rằng ba không yêu thương và quan tâm đến mình nên không có ý kiến.
Bạn nên nhắc nhở chồng quan tâm đến con nhiều hơn thông qua việc dành thời gian trò chuyện với con về mối quan hệ này, nhắc nhở con yêu đương nhưng phải biết bảo vệ bản thân, đừng vì yêu đương mà ảnh hưởng đến học tập; cùng con tham gia các buổi biểu diễn hoặc thi đấu ở trường; cùng con dã ngoại, du lịch; thỉnh thoảng mua một số món quà nhỏ tặng con…
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn