Con rể đau đầu khi ba vợ mượn tiền chơi chứng khoán

16/08/2022 - 05:11

PNO - Từ ngày ba vợ đầu tư chứng khoán, tài sản lần lượt đi theo những lần lướt sóng thị trường đầy mạo hiểm...

Vừa kết thúc cuộc họp hỗ trợ cho đại lý mới, tôi nhận điện thoại của ba vợ. Không vòng vo, ông đi ngay vào vấn đề: “Chứng khoán đang xuống tận đáy, mấy mã ba theo dõi có cơ hội tăng tốt lắm. Con cho ba mượn mấy trăm triệu ba "bắt đáy", cuối năm ba thu vốn sẽ trả con cả gốc lẫn lãi, được không?”.

Hơi bất ngờ, tôi chỉ biết trả lời: “Tiền mặt thì con không có sẵn, để con xem có xoay xở được không đã”.

Ông lại tiếp: “Nếu không có tiền mặt, con cho ba mượn sổ đỏ đi vay cũng được, ba đang cần gấp, nếu không cơ hội qua mất”. Tôi ậm ừ, hẹn đến chiều sẽ gặp ba để bàn bạc cụ thể.

Nếu những lần trước tôi sẵn sàng chuyển tiền thì lần này, một phần công việc đang khó khăn, phần nữa ba vợ đang vay của tôi gần 700 triệu đồng chưa trả. Nhưng nghĩ đến việc từ chối, tôi thấy áy náy trong lòng.

Ba vợ liên tục mượn tiền đều bù lỗ đầu tư chứng khoán khiến tôi khó xử. Ảnh minh họa
Ba vợ liên tục mượn tiền để "bắt đáy" chứng khoán khiến tôi khó xử (Ảnh minh họa)

Ba vợ tôi vốn là một chủ thầu xây dựng. Tính ông nóng nảy, bộc trực nhưng làm việc tận tâm, chu đáo nên khách hàng rất tín nhiệm. Lúc tôi lấy vợ, ông đã nổi tiếng giàu có ở tỉnh nhỏ.

Chính ông là người đã bỏ tiền ra cho vợ chồng tôi khởi nghiệp, mua nhà mua đất. Thời điểm đó, tài sản ông cho chúng tôi hơn chục lượng vàng. Nhờ có số vốn ban đầu và nâng đỡ của ông, tôi từ hai bàn tay trắng đã gầy dựng nên cơ nghiệp, cuộc sống không quá vất vả so với xuất thân của mình.

Khoảng gần chục năm trở lại đây, công việc làm ăn của ba vợ không thuận lợi do có nhiều công ty đối thủ xuất hiện. Với cách làm việc của mình, ông không cạnh tranh được với xu hướng mới nên khách hàng ít dần.

Gia đình khuyên ba vợ nên nghỉ việc làm ăn, vui hưởng tuổi già nhưng ông không đồng ý. Ba vợ tự tìm hiểu và chuyển sang đầu tư chứng khoán. Từ đó, tài sản lần lượt đi theo những lần lướt sóng thị trường đầy mạo hiểm.

Ông đã bán hết tất cả những mảnh đất để dành, hiện tại sổ đỏ ngôi nhà ở cũng đang cầm cố để vay nợ. Bao nhiêu vốn liếng ông đem "all in one" (chơi tất tay) cho các mã cổ phiếu mà ông tin là "có tương lai sáng lạn".

Tôi không rõ ba vợ đang nợ trong ngoài bao nhiêu nhưng chắc chắn phải tiền tỷ chứ không dừng lại ở tiền trăm.

Tôi trả lại mảnh đất ông đã mua cho vợ chồng tôi vì không muốn áy náy. Ảnh minh họa
Tôi trả lại sổ đỏ mảnh đất ông đã mua cho vợ chồng tôi vì không muốn áy náy (Ảnh minh họa)

Mấy năm trước, thỉnh thoảng, ba vợ hỏi mượn một hai trăm triệu đồng, tôi sẵn sàng chuyển khoản ngay. Tầm vài tháng, ông lại chuyển trả tiền kèm lãi sòng phẳng. Nhưng hơn nửa năm trở lại đây, ba vợ mượn liên tục nhưng không thấy trả khiến tôi băn khoăn. Tôi đem việc này bàn với vợ thì cô ấy cũng hiểu, bảo tùy tôi quyết định. Vợ nhiều lần khuyên ba từ bỏ chứng khoán nhưng ông không nghe.

Tôi gặp ba vợ trong tâm thế hồi hộp, có lẽ ông cũng hiểu được suy nghĩ của tôi. Ông nhắc lại: “Nếu con không đủ tiền mặt thì cho ba mượn sổ đỏ để vay tiền nộp trả nợ cho công ty chứng khoán. Thú thật với con, ba đang mượn họ khá nhiều, nếu không trả kỳ này, họ sẽ đặt lệnh bán cổ phiếu của ba với giá rẻ mạt, coi như mất gần hết vốn con à".

Tôi đưa cho ông cuốn sổ đỏ mảnh đất năm xưa đã mua cho chúng tôi. Tôi nói: “Vợ chồng con xin gửi lại ba sổ đỏ này để giải quyết nợ nần. Chúng con sẽ mang ra ngân hàng thế chấp để vay, hoặc bán đi rồi gửi tiền để ba xử lý tài khoản chứng khoán. Nhưng vốn trong ấy còn được bao nhiêu cũng thu xếp rút tiền ra nha ba. Chứ ba tiếp tục chơi là tiếp tục kẹt, chúng con không thể làm gì hơn được nữa”.

Cầm cuốn sổ đỏ trên tay, ánh mắt của ông chất chứa đầy nỗi niềm: “Người ta cho thêm con cái, đằng này, ba lại lấy của con”. Tôi hiểu tâm trạng của ba vợ, cũng không trách giận gì ông, chỉ mong ông mau chóng xử lý nợ nần và rút lui khỏi con đường đầu tư đầy mạo hiểm ấy.

Hoài Nam

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI