Bác buồn, vì “đâu phải nó xấu xí không tìm được một người đàn ông để xin con mà phải tới ‘ngân hàng tình’ (ngân hàng tinh) để cậy con!”. Trong suy nghĩ của người mẹ ít chữ, bà không biết “ngân hàng tinh” là gì cả. Bà có đến 4 đứa con nhưng chưa bao giờ nghe đến khái niệm “tinh trùng” hay đại loại thế, nên khi nghe con gái nói qua điện thoại bà đã nghe thành ngân hàng... tình.
Bác than thở:
- Hồi đó biết bao nhiêu người theo nó. Lúc nó 22, 23... mới ra trường bác đã biểu coi thằng nào được thì lấy đi cho yên nơi yên chỗ. Vậy mà nó cứ khất hoài. Giờ gần 40 tuổi đến nơi, ai thèm lấy nữa, muốn chửa đẻ cũng đâu có dễ...
Tôi nói đỡ cho chị:
- Nhờ không sa vào vòng yêu đương, không bận bịu gia đình nên chị tập trung cho sự nghiệp, mười người phụ nữ được mấy người thành đạt như chị đâu bác.
Bác vẫn không chịu: “Đàn bà con gái thành đạt đến mấy mà không chồng không con thì cũng coi như thất bại”.
Sau khi nghe tôi giải thích vụ “ngân hàng tinh”, bác lại than: Bây giờ còn bày đặt cái trò tự có con mà không cần đàn ông. Rồi con đẻ ra không biết cha nó là ai, sau này muốn nhận cha cũng không được. May mà bác trai con chết rồi, chứ ổng còn sống làm sao ổng chịu cho nổi.
Tôi chẳng biết nói sao cho bác hiểu, rằng việc xin con một người đàn ông “cụ thể” nào đó sẽ kéo theo nhiều phiền toái chứ không đơn giản như cách nghĩ xưa cũ. Nếu là người đã có vợ thì sẽ mang rắc rối đến cho gia đình người ta, còn nếu người ta chưa vợ thì sẽ khó mà lấy vợ. Cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra, có sự thật nào mà che giấu mãi được đâu. Thế nên, cách ổn thỏa nhất có lẽ là xin con từ một người cha sinh học, hai bên chẳng biết nhau cho dễ.
Tôi thì biết, trong số những mối quan hệ đa dạng của chị, không khó để chị đạt được mục đích xin một đứa con. Chị hiện đại và tư duy cởi mở, không sợ dư luận, không vui buồn theo những lời nói của mọi người chung quanh.
Nhìn bác rầu rĩ, tôi chẳng biết an ủi sao cho người mẹ ấy bớt buồn. Bác có bốn người con nhưng chỉ duy nhất mình chị là con gái. Từ nhỏ cả nhà đã xúm vào yêu thương cô con gái út, có gì ngon cũng để phần chị, cái gì tốt cũng dành cho chị. Ngày xưa nhà chị nghèo nhất xóm, ba anh trai phải nghỉ học sớm để nhường cho em gái út được học hành đến nơi đến chốn.
Chị đã không phụ lòng ba má và các anh khi học giỏi, chăm ngoan và thành đạt. Bác vẫn hay tự hào khoe với khắp xóm và bà con họ hàng rằng lương của chị tính bằng đô, quy ra mỗi tháng lương bằng bao nhiêu giạ lúa làm ai nấy đều trầm trồ, ước ao.
Mười năm trở lại đây nhà bác giàu nhất xóm. Khu xóm nghèo ngày xưa giờ cũng thay da đổi thịt. Những căn nhà cấp bốn lụp xụp, những mái che tạm bợ hay nhà tiền chế đã được thay thế bằng những căn nhà bê tông khang khang. Ba anh trai của chị giờ đã vợ con đề huề. Căn nhà nửa tôn nửa ván ngày chị còn nhỏ nay đã là căn nhà ba tầng to đùng. Tất cả chủ yếu nhờ vào sự giỏi giang của chị.
Bác nói cuối tháng này chị về, rồi giở lịch ra coi mãi. Từ giữa tháng bác đã thông báo với các con trai và con dâu đúng ngày ba mươi tây phải tụ họp ở nhà bà, cũng là nhà con trai út để bàn chuyện. Vậy mà bữa ba mươi tây chị không về. Cả nhà nháo nhác gọi cho chị nhưng không được, điện thoại khóa máy. Bác gọi cho tôi, giọng hớt hải lo lắng, bảo tôi chạy qua nhà chị coi thế nào.
Tôi đến thì thấy cửa khóa kín. 6 giờ rưỡi tối chị gọi lại. Khi nghe tôi nói xong chị bật cười, bảo chị đang trên đường về quê đây. Khuya đó chị gọi cho tôi rất muộn, chị bảo má và các anh chị không ai đồng tình việc chị làm mẹ đơn thân mà lại không xác định được cha cho con mình, họ còn tuyên bố nếu chị tự ý làm vậy thì đừng coi họ là người thân nữa.
Họ bảo chị kiếm người đàn ông nào đó mà xin con, vì ai nỡ hẹp hòi với một phụ nữ như chị chứ, chỉ là mượn tạm thôi mà, để ít ra sau này còn biết ai là cha nó để mà đứng từ xa chỉ cho nó thấy.
Chị kể, ngày xưa mùa trung thu nào ba chị cũng làm cho con gái một chiếc lồng đèn để ra bến sông chơi chung với con gái cô Bông bán tạp hóa. Cô Bông không có chồng nhưng có đứa con trạc tuổi chị. Người trong xóm nói cô mồ côi năm mười mấy tuổi, không còn người thân thích, ai thuê gì làm nấy để kiếm sống. Rồi cô cũng lớn lên, có số vốn cất căn nhà nhỏ bán nước và đồ ăn sáng, cuộc sống khá thoải mái.
Lúc nhỏ chị chỉ nghe mọi người xì xầm rằng con gái cô Bông là con của chú Liêm. Chú đã có vợ con, là cán bộ xã và hay tới uống cà phê ở quán cô Bông. Ai cũng biết cô Bông rất hiền, hiền như cục đất, chẳng bao giờ làm phiền lòng ai. Mỗi khi được hỏi về con gái, cô chỉ nói khát một đứa con để hủ hỉ lúc tuổi già nên đã “xin” một người đàn ông, nhưng người đó là ai thì cô giấu biệt.
Nhưng rồi sau đó ít lâu, cả xóm nhỏ xôn xao khi hay tin chú Liêm bỏ vợ về ở hẳn với cô Bông, công khai nhận con và hắt hủi vợ con của mình. Cô Bông như trở thành một con người khác hẳn, ghê gớm và chua ngoa. Cô chửi mắng cả vợ của chú Liêm và không cho chú về nhà chơi với con, dù hai nhà chỉ cách nhau chưa đầy ba trăm mét.
Mẹ chị bảo, đó chính là con quỷ trong mỗi người. Có thể nó ngủ quên nhiều năm tháng, nhưng khi gặp điều kiện thuận lợi nó sẽ thức dậy và biến một người tử tế trở thành kẻ khốn nạn. Có thể ban đầu cô Bông chấp nhận cái phận hẩm hiu của mình, nghĩ mình chỉ cần bấy nhiêu là đủ... nhưng khi có được rồi, lại muốn có hơn thế nữa.
Cũng giống như khi người ta nghèo khó thì cơm canh đạm bạc cũng thấy ngon, nhưng khi giàu có rồi, đã thử qua sơn hào hải vị rồi thì không sao ăn lại những thứ ngày xưa được nữa. Con người mà, có một, lại muốn có hai... rồi ba... rồi bảy... Chị nói, chị không muốn là một cô Bông thứ hai. Chị không muốn tạo điều kiện để con quỷ trong chị trỗi dậy. “Chị sai ở chỗ nào?”. Chị hỏi rồi lặng lẽ cúp máy.
Quả đúng thật, trong mỗi con người vẫn tồn tại một con quỷ. Chị đã nghe lời má và các anh, “xin con” từ một người đàn ông từng theo đuổi chị ngày xưa. Giờ anh đã có vợ và hai con, hai đứa trẻ thật khỏe mạnh, thông minh và đẹp như thiên thần. Chị còn cần gì hơn một ông bố thông minh, đẹp đẽ như thế để có được gen tốt cho con mình.
Khi chị thông báo với cả nhà là chị đã có thai, mặt ai cũng méo xệch, nhưng rồi mọi người an ủi nhau, thôi thì thà vậy còn hơn để đứa trẻ sinh ra không biết cha nó là ai, để rồi khi lá rụng chẳng biết đâu là cội để mà tìm về.
Có thai ở tháng thứ hai, chị bắt đầu thấm thía nỗi cô đơn khi bị nghén đến xác xơ cả người mà không một bàn tay xoa lưng hay đưa cho ly nước, không có một người pha cho ly sữa lúc đang đêm bỗng đói cồn cào nhưng chân tay không nhấc lên nổi, hay khi đi siêu thị một mình. Lần đầu tiên chị phá lệ gọi cho anh, bảo anh đến đưa chị đi khám thai.
Đến tháng thứ năm, thứ sáu… chị bảo muốn cùng anh đi mua những vật dụng cho con. Anh thường xuyên ở lại ăn cơm với chị hơn đến nỗi những người hàng xóm của chị bắt đầu quen mặt anh. Rồi sau đó chị lại phá vỡ lời hứa với bản thân khi thỏ thẻ bảo anh rằng chị muốn gối đầu lên tay anh một đêm, một đêm thôi cũng được. Sau đó là những buổi chiều anh đi thẳng từ cơ quan về nhà chị và ngủ lại đó. Khi thằng bé vừa chào đời được ít ngày, chị đã có cách khiến anh viết đơn ly hôn với vợ và dọn đến ở hẳn cùng mẹ con chị.
Bác đùm túm mớ trứng gà so, mấy quả đu đủ mỏ vịt trồng sau vườn mang lên chăm con. Mở cửa cho bà là chàng rể mới vừa biết mặt. Bà chẳng biết nên vui hay buồn trước sự có mặt của anh, bối rối không biết xưng hô sao cho phải.
Ngồi trước mặt người vợ chưa kịp ly hôn của con rể, nhìn thấy những giọt nước mắt của người phụ nữ ấy, bà thật sự không biết phải nói thế nào khi cô ấy hỏi: “Nếu con gái bác rơi vào hoàn cảnh như con thì bác sẽ thế nào?”. Phải chi cô ấy làm ầm ĩ lên hay chửi mắng thậm tệ thì bà còn thấy nhẹ lòng, đằng này cô ấy đến và đi rất khẽ, đến mức con gái bà không hề hay biết.
Bà biết lỗi này cũng có phần tại bà. Bà ngồi thừ đó cả tiếng đồng hồ rồi chậm rãi bước lên từng nấc thang, mở cửa phòng con gái. Bà chỉ muốn hỏi chị một câu thôi, rằng tại sao không giữ con quỷ trong chị thật kỹ, để nó phá tan cả một gia đình.
Ngày mai bà sẽ về quê, bà không muốn nhìn thấy con quỷ ấy mỗi ngày nhảy múa trước mắt bà. Bà sợ, sợ rồi đây mình cũng sẽ thỏa hiệp với con quỷ ấy, sợ ánh nhìn của người phụ nữ kia, sợ cả những gì không sao chạm đến…
Hải Thư