Kính gửi chị Hạnh Dung,
Vợ chồng em có hai con, con trai lớn của em vừa vào đại học. Em tự thấy mình là một người mẹ gần gũi con, dành nhiều thời gian cho con, chứ không phải là người ham công việc bỏ bê con cái. Vậy mà sao em không thể hiểu nổi con mình.
Bây giờ, mọi thứ thằng bé đều tự quyết định, không hề nói gì với em. Từ việc mua một đôi giày giá hơn 3 triệu đồng, đến việc cùng bạn bè đi chơi xa hai ngày mới về. Khi em biết được, thường cũng là lúc mọi việc đã xong xuôi. Em có rầy la, con cũng chỉ im lặng.
|
Ảnh minh họa |
Ví dụ đợt rồi con đi Vũng Tàu, khi con xin phép, em quá bất ngờ nhưng sau đó tìm hiểu thì biết rằng con đã bàn bạc với bạn bè, rủ nhau, lên kế hoạch, đặt phòng, đặt vé xe… tất cả rồi, em không thể không đồng ý. Những việc đó con làm vào lúc nào, em không hề hay biết.
Nhớ lại, khi mình bằng tuổi con, tụi em vừa có ý định rủ nhau đi chơi là cha mẹ đã biết rồi. Bây giờ, em phải đoán ý con, phải tìm hiểu từng bước một. Thậm chí em có “cấm vận tài chính”, có đe dọa không cho tiền đi chơi, con vẫn đi.
Trong thẻ ATM của con có bao nhiêu tiền em không biết. Trước nay, tiền con đi làm thêm, tiền ông bà lì xì… em không bao giờ hỏi con tiêu gì. Không những thế, sợ con hết tiền, em còn hay cho con thêm tiền tiêu vặt.
Giờ em thấy mình không quản lý được tiền bạc của con, không biết tiền đâu mà con mua hàng hiệu, xài sang vậy. Hỏi thì con nói mua nhân đợt giảm giá, tích điểm chương trình gì đó. Em đang lo cho con bé út, nếu con bé mà cũng như anh nó, em không biết làm sao. Càng ngày, khoảng cách giữa mẹ con em càng lớn…
Xuân Phương (TP.HCM)
|
Con trai lớn đã vuột ra ngoài vòng kiểm soát của cha mẹ. Ảnh minh hoạ |
Chị Xuân Phương thân mến,
Đây cũng là câu chuyện đau đầu của nhiều bậc cha mẹ thời nay: cảm giác bị con “qua mặt”. Thực chất là do cha mẹ không thâm nhập được vào thế giới của con, không can dự được vào các quyết định của con và phần lớn cha mẹ thấy không thể hiểu, không thể chia sẻ với các quyết định đó.
Các bạn trẻ bằng tuổi con chị - sinh từ sau năm 2000, đã được gọi là “thế hệ Z - Generation Z hay Gen Z. Thế giới của Gen Z nằm trên đầu ngón tay của họ, chiếc điện thoại trở thành cánh cửa để họ mở vào thế giới, tổ chức một thế giới của riêng họ.
Trải nghiệm công nghệ sâu sắc, online 24/24 giờ, lớn lên cùng với một thế giới biến động, công nghệ tăng tốc vùn vụt… thế hệ này có xu hướng tự trị. Một trong những nỗi lo lắng lớn là Gen Z có xu hướng nghi ngờ mọi định chế của xã hội vốn bền vững từ trước đến nay như gia đình, trường học, tôn giáo…
Đừng tìm cách phá cửa, đập tường để bước vào thế giới của con. Thay vì vậy, chị hãy chấp nhận thế giới ấy và tìm cách làm bạn, để con có thể cho phép hay mời chị bước vào. Muốn vậy, chị cần nói chuyện với con nhiều hơn, cả thực cả ảo và kết nối với con thật nhiều.
Chẳng hạn chuyện mua giày, con chị biết “săn sale” mà có thể chị không biết, nên đừng nghi ngờ vặn hỏi con về giá cả, nguồn tiền mà hãy nhờ con hướng dẫn để mình cũng mua được món đồ mình thích. Nói chung, thế hệ cha mẹ phải chấp nhận “thua” thế hệ con cái về mặt công nghệ, “thua” để được hướng dẫn, “thua” để kết nối và đồng cảm. Còn nếu lúc nào mình cũng khăng khăng theo kiểu “trứng làm sao khôn hơn vịt”, thì e rằng đến lúc trứng bể đằng trứng, vịt đau đằng vịt mà thôi.
Hạnh Dung hiểu, có những kinh nghiệm trả bằng xương máu, thế hệ trước muốn truyền lại cho con nhưng nếu không có nhịp cầu kết nối, gia tài kinh nghiệm ấy có quý bao nhiêu cũng đành uổng phí. Nhịp cầu ấy, mình phải tự xây, chẳng ai thay mình được. Nuôi con thời nay bao nhiêu chuyện phải học phải làm là vậy. Chúc chị bớt băn khoăn và bắt đầu công cuộc kiến thiết thành công.
Hạnh Dung
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC: Tạ Thị Như Hảo (Q.Bình Tân, TP.HCM): Ai rồi cũng trưởng thành Chào chị, đọc xong câu chuyện của chị, tôi phì cười vì nhớ đến mình và công cuộc chạy theo con của mình ngày ấy. Tôi cũng như chị và tôi nghĩ rằng có lẽ chúng ta cũng như các bà mẹ khác trên đời này. Đến một ngày, ta chợt chưng hửng khi chợt nhận ra rằng con mình chẳng còn theo ý mình nữa. Buồn lắm. Cứ nghĩ rằng nó sẽ mãi mãi trong tay mình, răm rắp nghe theo lời mình. Vậy mà... Con trai tôi cũng trạc tuổi con chị. Đến một ngày, dường như mọi sinh hoạt của con không theo ý mẹ nữa. Tôi khóc hoài, nhưng chồng tôi nói “ai rồi cũng trưởng thành và mong muốn mình mau chóng trở thành người tự lập. Em nên mừng khi mình có một đứa con như thế. Sao lại buồn? Chẳng lẽ em muốn con trai bám váy mẹ hoài sao?”. Tôi nghĩ chồng tôi nói đúng. Tôi cũng có những ngày muốn đạp đổ bức tường con dựng lên ngăn cách với mình. Tôi lục soát phòng con. Tôi ép con làm gì mua gì cũng phải thông báo với mình. Nhưng càng làm thì con càng xa cách. Nên đôi khi tôi thấy mình bất lực. Giờ thì tôi đã chấp nhận rằng con lớn và thế hệ con khác thế hệ mình. Mình vẫn chăm con theo cách mình thích nhưng có thể sẽ không bắt con mặc theo ý mình, đi chơi với mình và nghe lời mẹ một cách nghiêm khắc nữa. Tôi ngộ ra và nhẹ lòng hơn. Thúy Diễm (H.Củ Chi, TP.HCM): Khi con lớn sẽ hiểu lòng cha mẹ Tôi sinh thêm con khi con gái lớn bước vào tuổi dậy thì. Sau một thời gian loay hoay chăm đứa nhỏ, tôi đã rất bàng hoàng khi thấy con gái mình bỗng dưng trở thành người xa lạ. Đâu rồi đứa nhỏ mình ôm ấp hôn hít mỗi ngày? Con cao lớn phổng phao và tâm tính hoàn toàn thay đổi. Tôi cảm thấy thật sự sốc. Cũng như con chị, con tôi làm gì cũng tự ý, cũng cứng đầu... nhưng tôi tin rằng đó là vì con đã lớn, đã hiểu chuyện và không muốn làm phiền mẹ. Chúng ta cũng trải qua những ngày tháng như vậy, mong mình nhanh lớn và thoát ly khỏi gia đình để tự lập, để khẳng định mình và không bị rầy la nữa. Nên chắc chắn là con cũng thế. Thêm nữa, giờ cần gì con tự tìm kiếm. Con còn biết nhiều điều hơn chúng ta, nên thỉnh thoảng tôi hay hỏi con mình này kia. Cảm giác thật vui và tự hào. Bây giờ, chúng ta chỉ có thể dạy con chủ yếu qua việc làm gương cho con. Mình sống sao con sẽ học theo. Đừng dằn vặt mình nhiều. Chị cứ thả lỏng, làm bạn chơi vui cùng con, đừng can thiệp quá nhiều vào đời tư của con. Con cái chúng ta rồi sẽ hiểu và thương cha mẹ, tôi tin vậy. |
Thư cho Hạnh Dung, mời quý vị gửi về: hanhdung@baophunu.org.vn
Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn từ Thứ 2 tới Thứ 6, trong giờ hành chánh.