Con phải sống có trách nhiệm từ tuổi nào?

26/05/2022 - 05:30

PNO - Một đứa trẻ sớm hình thành thái độ sống có trách nhiệm thì dễ dàng hình thành những phẩm chất tích cực khác.

Có một thực tế là trẻ hiện được nuông chiều từ nhỏ nên phát sinh nhiều hệ lụy xấu, như lười biếng, ỷ lại, rất cá nhân, coi mình là trung tâm, hay ganh ghét, tị nạnh với người khác, thiếu kiên nhẫn, dễ phản ứng khi không vừa ý… Những điều đó là biểu hiện của thái độ thiếu trách nhiệm. Trong nhiều trường hợp, cha mẹ là những người đầu tiên nhận hậu quả của sự thiếu trách nhiệm đó, tức là nhận hậu quả từ cách giáo dục của mình.

Ông bà ta đúc kết rất hay “Dạy con từ thuở còn thơ”. Việc dạy trẻ sống có trách nhiệm cũng cần làm từ khi trẻ còn rất nhỏ. 

Làm được điều này, trẻ sẽ có thói quen tốt và duy trì được dài lâu, bởi thói quen đó gần như được ăn vào tiềm thức, thành nếp khó phai. Một đứa trẻ sớm hình thành thái độ sống có trách nhiệm thì dễ dàng hình thành những phẩm chất tích cực khác.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Nói một mốc thời gian cụ thể thì e khó, nhưng từ khi trẻ nhận thức được xung quanh, cha mẹ nên để ý đến việc dạy con ý thức trách nhiệm. Từ khi chưa biết đi, chưa biết nói, trẻ đã có những biểu hiện thể hiện mình, gắn với các đòi hỏi về nhu cầu thiết yếu. Chẳng hạn, trẻ khóc khi đói, bị lạnh, bị đau… có khi trẻ khóc thét khi cảm thấy bị bỏ rơi, hoặc khóc tức tưởi khi cảm thấy ấm ức hoặc muốn khẳng định sự hiện diện của mình. Ngay từ lúc này, những ấn tượng đầu tiên về trách nhiệm của trẻ cũng nên quan tâm. 

Thí dụ, trẻ cầm một đồ chơi, nhưng ném đi, rồi tỏ ý chờ người lớn đưa đến; ta có thể hiểu đây là một động thái trẻ đang thể hiện mình, muốn được mọi người quan tâm và chiều chuộng. Do đó, nếu sự chiều chuộng quá thường xuyên, trẻ có thể giảm hoặc mất đi ý thức trách nhiệm. Vì vậy, cha mẹ, người lớn có thể nhặt giúp trẻ đôi lần kèm theo đó giúp trẻ biết rằng, muốn tiếp tục có nó thì phải tự lấy, bằng cách trườn, bò hoặc đi đến. Cha mẹ làm được như vậy, trẻ sẽ hiểu rằng chúng phải nhận một trách nhiệm nhất định từ hành vi mình gây ra. Lớn một chút nữa, nếu trẻ không nghe lời chào người lớn (bằng cách khoanh tay, cúi đầu hoặc “ạ”, vẫy tay…) thì sẽ chịu một hình thức phạt như không được xem hoạt hình nữa, không được chơi món đồ ưa thích… 

Có vô số việc người lớn cần uốn nắn ý thức trách nhiệm cho trẻ ngay từ khi trẻ còn rất nhỏ. Ba mẹ gọi, phải biết dạ, nếu không sẽ bị phạt; lấy đồ ra chơi, phải cất lại; tranh đồ chơi với bạn, phải trả; làm bạn khóc, phải xin lỗi; gặp người lớn, phải chào, nếu không sẽ bị phạt… 

Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz

 

Lớn một chút, nếu tè dầm thì trẻ phải đi dọn mền chiếu; đi chơi không xin phép, sẽ bị phạt; ăn quá chậm, sẽ bị cắt một phần thưởng nào đó (thức ăn trẻ yêu thích, cuộc đi chơi…); sau khi đi khỏi thì phải tắt quạt, nếu không lần sau không cho mở quạt nữa… 

Cấp độ đòi hỏi trách nhiệm tăng dần theo lứa tuổi, nhận thức của trẻ. Từ trách nhiệm, trẻ sẽ dần nhận ra nghĩa vụ của mình. Trách nhiệm và nghĩa vụ không nên nhất thiết gắn với lợi ích cụ thể nào đó mà phải để trẻ có nhận thức rằng đấy là những việc phải làm, bắt buộc làm chứ không phải làm để có lợi ích.

Có thể có người bảo cha mẹ dạy con như thế là quá nghiêm khắc. Tuy nhiên, cây non nếu không kịp uốn (đúng cách) thì sau này sẽ không uốn được hoặc khi uốn sẽ bị gãy. Các bậc cha mẹ cần tạo cho con một môi trường có tình thương, sự chia sẻ, lắng nghe, tôn trọng… nhưng có kỷ luật. Dĩ nhiên, cha mẹ đừng xem con là “người lớn thu nhỏ” mà có những đòi hỏi quá mức, khiến trẻ không thể đáp ứng được thì sự rèn luyện sẽ phản tác dụng. Bản thân cha mẹ phải luôn làm gương để từ đó trẻ noi theo.

Có một thực tế là trẻ hiện được nuông chiều từ nhỏ nên phát sinh nhiều hệ lụy xấu, như lười biếng, ỷ lại, rất cá nhân, coi mình là trung tâm, hay ganh ghét, tị nạnh với người khác, thiếu kiên nhẫn, dễ phản ứng khi không vừa ý…

Những điều đó là biểu hiện của thái độ thiếu trách nhiệm. Trong nhiều trường hợp, cha mẹ là những người đầu tiên nhận hậu quả của sự thiếu trách nhiệm đó, tức là nhận hậu quả từ cách giáo dục của mình. 

Trúc Giang

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI