Con phải học thiệt giỏi đặng mai mốt làm bác sĩ

22/08/2019 - 10:26

PNO - Phụ má bán quán nước nhưng lúc nào Nguyễn Võ Bích Trân, học sinh lớp Chín Trường THCS Phú Mỹ, Q.Bình Thạnh, cũng kè kè theo mấy cuốn tập. Em nói: “con phải học thiệt giỏi đặng mai mốt làm bác sĩ chữa bệnh cho ba má”.

Chứng kiến cảnh ba nằm liệt giường trong thời gian dài, má cũng mắc nhiều bệnh nhưng phải gồng gánh lo cơm áo đã khiến em Nguyễn Võ Bích Trân, 14 tuổi nuôi giấc mơ trở thành bác sĩ.  

Năm nay, Trân lên lớp Chín Trường THCS Phú Mỹ, Q.Bình Thạnh. Tranh thủ những ngày hè, em túc trực phụ má bán nước giải khát trên đường Điện Biên Phủ, P.22, Q.Bình Thạnh từ 3g sáng tới tối mịt.

Nhìn con gái cặm cụi khuấy ly cà phê, chị Võ Kim Rớt, 39 tuổi, kéo tay áo lau nước mắt: “Mới bấy nhiêu tuổi thôi mà Trân tự lập lắm. Tiền tui cho tiêu vặt, ăn sáng, lén tiết kiệm hết, lâu lâu dấm dúi vô tay má mấy trăm ngàn đồng, kêu để mua thuốc cho ba. Phụ tui vậy chớ lúc nào Trân cũng kè kè theo mấy cuốn tập, nói con phải học thiệt giỏi đặng mai mốt làm bác sĩ chữa bệnh cho ba má”.

Chị Rớt người Rạch Giá, Kiên Giang. Những năm 2000, chị lên TP.HCM làm phụ hồ, rày đây mai đó theo công trình rồi gặp anh Nguyễn Huỳnh Minh Trực, 38 tuổi trong lần phụ hồ bên tỉnh Bình Dương.

Năm 2004, anh chị nên duyên chồng vợ, đến năm 2005, Bích Trân chào đời. Chị Rớt chuyển qua làm công nhân giày da, nhận quần áo về gia công, sau nữa là đi giúp việc nhà, nấu hủ tíu, bánh canh bán. Anh Trực vẫn gắn bó với xô vữa, xe gạch ở mấy tình miền Tây mấy tháng mới về nhà một lần.

Con phai hoc thiet gioi dang mai mot lam bac si
 

Nguyễn Võ Bích Trân ngày ngày phụ má bán quán 

Năm 2010, đang làm ở Trà Vinh, anh Trực bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não. Hơn một tháng điều trị trong Bệnh viện Chợ Rẫy, anh Trực được đưa về nhà, nằm liệt một chỗ, ăn uống, vệ sinh cá nhân đều phải dựa vào vợ. Chị Rớt kể: “Gần một năm sau nữa ảnh mới khá hơn chút. Hồi ba bệnh nặng, Bích Trân còn nhỏ, may cái là rất dễ nuôi. Tui sắm xe bán nước giải khát, thêm cái giường xếp để bên cạnh cho con nằm đó chơi, ngủ nghỉ”.

Bị thoát hóa cột sống, viêm khớp cùng chậu và suy giãn tĩnh mạch, chị Rớt ngồi vẹo một bên, đi lại nhiều thì đau. Hôm nào cũng vậy, 3g sáng Trân đã dậy đẩy xe nước giải khát ra đường cho má.

Học ở trường xong, em chạy ù về phụ má bưng bê, pha nước. Thời gian học bài, làm bài tập của Trân thường bắt đầu từ 21g tới 1g sáng hôm sau.

Gần đây, sức khỏe khá dần lên, anh Trực chạy xe Grab vài ngày mỗi tuần để kiếm thêm tiền. Do ảnh hưởng từ vụ tai nạn, những hôm trời nắng nóng, đầu đau, người mệt, anh dễ bực tức, quạu quọ. Hiểu và thương ba, má con Trân nín nhịn hết sức. Trân chia sẻ: “Những đợt nắng nóng quá, em rất sợ ba đau. Từ một người đàn ông khỏe mạnh, nhanh nhẹn, giờ ba phải uống thuốc thường xuyên. Điều đó khiến ba bức bối, khó chịu lắm, em càng thương ba hơn”.

Bích Trân có gương mặt sáng bừng và luôn là học sinh giỏi. Tại địa phương, em tham gia nhiều hoạt động văn nghệ, cùng các cô chú lớn tuổi tập và diễn tiểu phẩm tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường.

Trân nói nghèo khó không làm em buồn gì đâu, miễn có ba má bên cạnh thì ổn hết. Lần này là năm thứ ba liên tiếp Trân được Báo Phụ Nữ TP.HCM trao học bổng Nữ sinh hiếu học, vượt khó. Trân biết mình không đơn độc, bởi ngoài kia luôn có những con người tưởng như xa lạ nhưng lại sẵn lòng dang rộng vòng tay giúp em vững bước đến trường.

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI