Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và bác sĩ Lại Thị Xuân kết hôn năm 1976. Ngay từ những ngày đầu, ông bà cùng thống nhất quan điểm “Gia đình là tế bào của xã hội, mỗi tế bào tốt đẹp tạo thành một cơ thể cộng đồng tốt đẹp, lành mạnh, đảm bảo cho cuộc sống hạnh phúc, xã hội bình an, đẩy lùi chiến tranh và cái ác. Do vậy, giáo dục con cái là phần việc quan trọng nhất của các bậc cha mẹ”.
|
Vợ chồng tướng Hiệu và các con lúc còn nhỏ |
|
Trẻ em dễ bị lôi kéo vào những chuyện tiêu cực nếu thiếu sự quan tâm của người lớn. Kết hợp với việc dạy dỗ ở trường, dạy các con ở nhà cũng là cách giúp trẻ củng cố kiến thức và gắn kết tình thân gia đình. Tâm lý của trẻ ổn định, phát triển toàn diện. Khi các con còn nhỏ, bà Xuân dành thời gian sáng đưa con đi học từ phố Hoa Bằng (Cầu Giấy) và chiều đón về từ trường Hoàng Hoa Thám (Ba Đình). Tối, bà ngồi vào bàn học cùng các con. Bà kể: “Dù bận việc, tôi vẫn tranh thủ và kiên trì củng cố kiến thức cho các con từ lớp Một tới lớp Tám”.
Con trai Nguyễn Hải Anh của ông bà rất nghịch. Cậu hay trèo qua mương trước nhà để trốn ra ngoài chơi với các bạn. Cô con gái Nguyễn Hải Yến hiền lành hơn nhưng luôn đòi hỏi sự chỉ bảo, dẫn dắt của mẹ.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (1988-2011), Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (1995-1998), là người gánh vác nhiệm vụ quan trọng của nước nhà, ông ít có thời gian cho gia đình, nhưng cuối tuần, ông luôn đưa con đến công viên, vườn thú... để cha con gần nhau, hiểu nhau.
Những lúc đi chơi cũng là khi ông khuyên các con: “Học tập chăm chỉ để thoát nghèo, để xây dựng tương lai tốt đẹp, học để trang bị cho bản thân những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống có ích cho gia đình và xã hội”.
|
Đại gia đình tướng Hiệu sum họp vào cuối tuần |
Ông tướng dạy con: “Cuộc sống vốn dĩ là một trận chiến. Trước những khó khăn, chúng ta không được từ bỏ. Nếu ngại khó mà từ bỏ thì chẳng thể làm nổi một việc nhỏ, còn nếu tìm cách khắc phục và vượt qua thì nhất định sẽ thành công”.
Khi công tác gần nhà hơn, ông sát sao các con và luôn cùng bà chấn chỉnh những sai lạc của con. Con trai Hải Anh có lần rất muốn tham gia một cuộc chơi của bạn bè trong khi chưa hoàn thành bài tập về nhà. Ông bà kiên quyết phản đối và cậu con phản kháng: “Con là con trai Hà Nội mà lại không được đi chơi à? Các bạn con được tự do đi chơi thoải mái mà”.
Ông nói: “Con bình tĩnh, không phải bố mẹ cấm con giao lưu với bạn bè. Bố mẹ chỉ nhắc con chọn bạn mà chơi. Bạn tốt phải là người biết các trách nhiệm của bổn phận, chứ không phải rủ bạn mình đi chơi mọi lúc, đi chơi ngay cả khi con chưa làm bài. Bố mẹ khắt khe để mong điều tốt đẹp cho con”.
Có rất nhiều gia đình chiều con theo kiểu “muốn gì được nấy”, kết quả là con hư. Đã có biết bao gia đình bố mẹ một đời vất vả nhưng con cái lại có ý nghĩ và hành động sai lệch, dẫn đến tệ nạn xã hội như nghiện hút, cờ bạc, ăn chơi sa đọa… Ông bà cho rằng: “Một trong những lý do dẫn đến bi kịch này là do các bậc cha mẹ dành quá ít thời gian cho con, do quá bận bịu với công việc hoặc nhiều mối quan tâm khác. Được nuông chiều, trẻ tự mãn và sống ích kỷ”.
Chính vì vậy, trước sự phản ứng vô lý của con, ông bà kiên trì giảng giải cho con hiểu để ngăn chặn không cho thói quen xấu có dịp hình thành. Các con dù còn nhỏ cũng phải có trách nhiệm với hành động của mình. Bố mẹ không ngại vất vả nuôi các con ăn học. Các con cũng không nên tạo thêm những nỗi lo cho cha mẹ.
Đặc biệt, ông bà dạy con bài “tôn sư trọng đạo”. Các con luôn được nhắc nhở “thầy cô hết mình dạy dỗ, truyền tải kiến thức cho học trò, là người truyền lửa, khơi lên những ước mơ, hoài bão để thổi bùng khát vọng tương lai; là người định hướng tri thức để học trò khám phá, tìm tòi tri thức. Vì thế, học trò phải nhất mực coi trọng thầy cô, chăm chỉ học tập và ứng xử cho phải đạo”.
Ông dạy con cần biết trân trọng quá khứ để hiểu rõ giá trị của cuộc sống hôm nay. Ông bà không quên chỉ bảo các con trong “đạo làm người”, làm việc thuận theo lẽ phải, có trước có sau, không quên ơn người từng cưu mang, giúp đỡ mình. Ông làm gương cho các con trong những hành động tri ân đồng đội, tri ân đồng bào đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh ở Quảng Trị.
Vào tuổi 17, Hải Anh chọn theo “binh nghiệp” giống bố. Khi nhập ngũ và trải qua đợt huấn luyện tân binh, từ một anh chàng cao to, chỉ sau một tháng vất vả, anh giảm 7kg. Lúc ấy, nhìn con ông bà rất xót, nhưng vẫn thống nhất “thương yêu con hết mực nhưng không chiều con, để con tự lập, rèn luyện ý chí trong môi trường khắc nghiệt”. Chưa khi nào ông “can thiệp” chuyện xin xỏ hay tác động nào đó để con trai được “nhàn hơn” hoặc “dễ dàng” thăng tiến.
Ông muốn con trai đứng trên đôi chân của mình và xứng đáng với những gì con được nhận.
Hiện nay, cả hai người con của ông bà đã trưởng thành và có cuộc sống hạnh phúc, công việc ổn định. Cuối tuần, đại gia đình quây quần tại nhà ông bà dùng bữa cơm ấm cúng, chia sẻ những câu chuyện về công việc, học hành, những trải nghiệm buồn vui.
|
Vợ chồng tướng Hiệu và các cháu |
Kể từ khi có đại dịch COVID-19, cứ hai tuần một lần con cháu mới về thăm ông bà. Dựa trên sở thích của từng cháu nội, ngoại ông bà định hướng và khích lệ các cháu học thêm các môn kỹ năng. Cháu gái học đàn piano, học vẽ, cháu trai học môn cờ vua. Và đặc biệt là cả hai đều học môn… làm việc nhà, quét sân, tưới cây…
Ông bà đều đã về hưu. Nhưng hằng tuần bà vẫn dành hai buổi để cùng đồng nghiệp tham gia hoạt động khám bệnh miễn phí. Ông vẫn làm việc tại Văn phòng Viện sĩ, tiếp tục nghiên cứu, cống hiến cho khoa học quân sự.
Lối sống luôn phục vụ cho cộng đồng khi còn có thể của ông bà là bài học quý cho con cháu.
Khánh Phương