Con oán mẹ keo kiệt bủn xỉn

10/07/2018 - 06:00

PNO - Lòng mẹ bao la lòng cha như biển. Nhưng cũng có lúc biển dậy sóng trời nổi giông. Có thể đến một lúc nào đó, trong phần bất hạnh của đời mình, con cái nhận ra mẹ cha không tốt với mình, với đời. Nhưng...

1. Trong tiệm làm móng.

Khách ngồi nghe hết đoạn đối thoại đầy phẫn nộ của một trong ba nhân viên của tiệm. Phàn nàn về việc người mẹ ở quê với những tật xấu "không thể tha thứ".

Bằng giọng kể lể, phô bày ra hết mọi xung đột trong gia đình, người gọi điện thoại vô tình khiến khách có thể hiểu hết hoàn cảnh gia đình, công việc và tính cách của những người tham gia đối thoại vào cuộc "nấu cháo điện thoại".

Con oan me keo kiet bun xin
Hoa hồng cho mẹ...

"Mẹ" là đối tượng bị chỉ trích. Người mẹ già nua nào đó ở quê nhà miền Tây bị đứa con gái trên phố gọi là "bả", bằng sự oán ghét trách móc. Rằng "bả" keo kiệt bủn xỉn, kỳ cục, khó ưa, khó chiều"...

Những mối quan hệ trong gia đình nhiều ngả, ai cũng có lý do để giận hờn trách móc người này người kia. Nhưng khi người mẹ được mang ra làm nhân tố chỉ trích trên môi của những đứa con cháu đi làm trên thành phố, đi du học ở nước ngoài nghe sao mà xót xa quá.

Con oan me keo kiet bun xin
Cô gái trong tiệm tóc chê bai, oán trách bà mẹ ở quê. Hình minh họa.

Khách ngồi lặng im, mong cho cuộc trò chuyện điện thoại kia chấm dứt để không phải tiếp nhận thêm những lời khó nghe. Nhưng chiếc điện thoại có vẻ được trao tay từ người này sang người khác, để mọi nguyên cứ lại tiếp tục trở lại từ đầu trong sự tức giận của người ở đầu dây bên này. 

Khách thở dài, nghe lòng như gợn lên một nỗi gì hơn cả nỗi buồn...

2. Làng quê năm cũ

Một ngày cả xóm đều nháo nhào tụ tập vì chuyện nhà cô Hai Sảng. Người đến để chia sẻ kẻ hóng hớt nhiều chuyện. Rồi cuối cùng ai cũng biết nhà Hai Sảng có cãi vã lớn giữa hai mẹ con. Hai Sảng đi rêu rao khắp làng là "bả ăn cắp tiền tui". Còn người mẹ thì nói không có chuyện đó. Giọng người mẹ già bị lấn át bởi giọng gay gắt sang sảng của cô con gái.

Đèn nhà ai nấy rạng. Sự thật cho đến giờ cũng không ai xác minh được - mà thật ra người làng cũng quên. Chỉ có vết sẹo tình thâm là vẫn còn đó. Mãi về sau này, không ai nhớ Hai Sảng đã từng nói mất bao nhiêu tiền, chỉ nhớ cách một người con đã đi nói xấu mẹ mình khắp cả làng. Còn người mẹ năm xưa ấy cũng đã về với đất. Biết ngày nhắm mắt lòng có còn đau vì những mắng chửi của con...

Con oan me keo kiet bun xin
Cha mẹ có những nỗi buồn không thể nói ra

3. "Nếu mẹ có không tốt, con cái được quyền lên án không?"

Tôi từng được nghe câu hỏi này từ một người chị gái ở miền biên giới xa. Ba chị mất sớm, một mình chị cáng đáng nuôi em trai ăn học, phụng dưỡng mẹ. Nhưng nhàn cư vi bất thiện, mẹ chị theo mấy bà bạn sang biên giới bài bạc.

Bao nhiêu tiền nợ đổ dồn lên đôi vai gầy của chị, làm lụng ngày cũng như đêm đến giờ vẫn chưa trả hết nợ cho mẹ. Còn bà, may là đã kịp hối hận mà không tiếp tục chơi trò đen đỏ. 

Chị khóc nhiều cho số phận long đong của mình, lỡ làng cũng vì mải nai lưng ra kiếm cơm cho gia đình. Chị cũng từng lớn tiếng với mẹ chị, những cuộc cãi vã dằn hắt. Nhưng rồi gạt nước mắt đi, chị vẫn bảo mẹ là mẹ của mình. Phải biết làm sao hơn... Chuyện nhà chị, xóm làng ai thân thiết thì biết, ai chia sẻ được thì sẻ chia. Còn lại, chị vẫn im lặng, nhẫn nại, chăm sóc, tha thứ...

Con oan me keo kiet bun xin
Con cái có quyền lên án cha mẹ không?

Lòng mẹ bao la lòng cha như biển. Nhưng cũng có lúc biển dậy sóng trời nổi giông. Có thể đến một lúc nào đó, trong phần bất hạnh của đời mình, con cái nhận ra mẹ cha không tốt với mình, với đời. Cho dù có giận hờn, trách móc, vẫn cần phải nhớ trong vũ trụ này, cha mẹ cũng giống như mặt trời, như vầng trăng - là duy nhất...

Diệp Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI