Con ở đâu trong cuộc đua trường lớp của mẹ?

21/07/2023 - 14:20

PNO - “Con không biết trường đó như nào, nhưng mẹ bảo phải vào được vì trường ấy nổi tiếng”, bé gái 11 tuổi mếu máo khi biết mình trượt trường điểm.

Từ lâu rồi, cuộc chạy đua trường lớp đã trở thành sân chơi của cha mẹ. Nhiều khi phụ huynh chẳng biết năng lực, nguyện vọng của con ra sao, họ đặt ra mục tiêu trường lớp cho con cái dựa theo tiêu chí của đám đông: Phải học ở đó thì con mới giỏi giang, cha mẹ mới nở mặt nở mày với bè bạn.

Vợ chồng anh Tuấn bạn tôi đang trả giá cho việc chọn trường lớp không phù hợp với con. Anh kể, hồi bé Dung con gái anh vào lớp Một, vợ anh nhất quyết cho con học trường quốc tế. 

Anh đã tranh luận với vợ rất nhiều về vấn đề này, rằng chính vợ chồng anh cũng học công lập ra mà vẫn giỏi tiếng Anh và thành công, hiện làm cho công ty nước ngoài, tự gây dựng sự nghiệp, nhà cửa đó thôi. 

Con cái trở thành nạn nhân trước cuộc đua trường lớp của cha mẹ (ảnh minh hoạ)
Con cái trở thành nạn nhân trước cuộc đua trường lớp của cha mẹ (ảnh minh hoạ)

Tuy nhiên, chị vợ không nghe chồng, vì bạn bè của chị toàn cho con học quốc tế. Lý luận của chị là xã hội mở, ngày càng phát triển. Con cái phải học môi trường quốc tế thì mới có cơ hội hoà nhập với thế giới, rồi sau này bé Dung sẽ bay xa, sang nước ngoài du học, định cư…

Thế là bé Dung theo học trường quốc tế chương trình đơn ngữ tiếng Anh (100% bằng tiếng Anh, không học tiếng Việt). Sức học của Dung trung bình khá. Suốt 11 năm học, Dung không có thành tích gì nổi bật, tiếng Anh giao tiếp tạm ổn nhưng viết lách thì yếu.

Khi vợ chồng anh Tuấn hỏi về định hướng nghề nghiệp tương lai, Dung chẳng biết con thích gì. Anh Tuấn cho Dung đi luyện thi chứng chỉ IELTS để định lượng xem trình độ Anh ngữ con gái tới đâu. Nếu đạt điểm từ 6.5 trở lên thì sẽ cho con đi du học, hoặc đủ điều kiện vào các trường đại học quốc tế tại Việt Nam. 

Ai ngờ, kết quả thi IELTS của Dung chỉ được 5.0. Tức cha mẹ bé đã tốn gần chục tỉ sau 11 năm mà trình độ không bằng học sinh trường công lập ra trung tâm luyện IELTS khoảng 2 năm. Quá sốc, vợ chồng anh Tuấn hoang mang, suy sụp vì tương lai mờ mịt của con gái. Anh Tuấn với vợ cãi nhau to tới mức thành mâu thuẫn không thể hoà giải. Anh đổ lỗi tại cô vợ sính ngoại, đua đòi, làm hỏng cuộc đời con gái. 

Anh tâm sự rằng, gia đình anh chẳng có ai ở nước ngoài, cũng không có ý định di cư hay định cư gì cả, vậy mà bắt con gái học 100% bằng tiếng Anh nên giờ viết một câu tiếng Việt không chỉn chu. Anh chị không thể chuyển con ngược về hệ công lập để thi tuyển đại học như bình thường nữa, nếu dùng kết quả 12 năm học quốc tế để xét, cũng chẳng đại học quốc tế  nào nhận vì Dung học kém, đến chứng chỉ IELTS 6.5 mà con anh cũng không có được. Không lẽ đổ cả chục tỉ đầu tư học trường quốc tế, sau 12 năm cho con đi học nghề?

Trường hợp như nhà anh Tuấn không hề cá biệt. Từ hè tới giờ, liên tục có các phụ huynh hỏi tôi cho bé My vào trường gì. Con gái tôi tên My, cháu vừa mới hoàn thành chương trình tiểu học. Khi tôi nói tuỳ theo phân tuyến, cháu được phân tuyến về đâu thì sẽ học ở đó, các bạn tỏ ra ái ngại. Nụ cười gượng gạo và sự im lặng của các bạn cho tôi thấy rằng họ không cùng quan điểm với tôi.

Hãy để học hành là niềm vui với trẻ (ảnh minh hoạ)
Hãy để học hành là niềm vui với trẻ (ảnh minh hoạ)

Bé My cũng kể với tôi là đa số bạn bè con không học theo tuyến, các bạn thi vào trường chuyên hoặc cha mẹ đang "lo" cho vào trường điểm.

Đôi lúc con tôi cũng thắc mắc tại sao mẹ không làm như vậy, con thấy mình khác đa số. Tôi đã giải thích cho con rằng, quan trọng nhất là bản thân con có chịu học hay không. Trường lớp nào cũng có mặt ưu điểm và hạn chế. Dù là phân tuyến vào trường nào thì mẹ cũng đã tìm hiểu những trường cạnh nhà mình, đều rất ổn. Tại sao mình được sắp xếp trường gần nhà lại không học, cố gắng chen chân vào những chỗ xa xôi?

Cách đây mấy hôm, bé Mai là bạn cùng lớp 5 với My tới nhà tôi chơi. Đúng lúc ấy, trường điểm công bố danh sách trúng tuyển, nhưng không có tên Mai. Bé biết kết quả thì khóc oà. Tôi hỏi sao con phải khóc, không đậu thì học trường khác thì bé trả lời: “Con không biết trường đó như nào nhưng mẹ bảo phải vào bằng được vì trường ấy nổi tiếng”. 

Tối hôm đó, con tôi kể rằng bé Mai đang buồn lắm, vì bạn bè đã biết mình học trường nào, còn Mai thì chưa có trường để học.

Mẹ của Mai tin rằng con gái sẽ đậu vào trường điểm, nên đã rút học bạ tiểu học, mang về để tự đem nộp. Ai ngờ Mai trượt trường đó, còn trường phân theo tuyến thì mẹ Mai không đăng ký. Mai bị phạt, từ giờ tới hết hè phải ở nhà, không được mở game, ra ngoài chơi, thay vào đó là đi học thêm, để mẹ Mai tiếp tục tính toán chạy chọt con đường khác.

Chứng kiến chuyện của bé Mai, lòng tôi nặng trĩu, phải chăng người lớn chúng ta đang chạy theo những thứ phù phiếm rồi tạo áp lực lên con?

Diệu Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI