“Ngày nhỏ, Kati hỏi tôi: “Có phải con từ bụng mẹ ra không?”. Tôi đáp: “Không, con không từ bụng mẹ. Nhưng con từ trái tim mẹ ra. Con được sinh ra trong tim mẹ".
Ba tuần tuổi, tôi bị mẹ ruột đặt trong thau nhôm, bỏ giữa đường dẫn ra cánh đồng, cho ai nhặt thì nhặt.
|
20 năm sau, Kati Pohler gặp lại cha mẹ ruột. Em không oán giận ai, chỉ có thêm gia đình, thêm người yêu thương mình và người mình yêu thương. |
Chuyện trên chỉ là “phép giải” của ba mẹ trước đứa trẻ khó nuôi là tôi. Sơ sinh, cân nặng 1,9kg, tôi liên tục quấy khóc, cũng chẳng “ham hố” bầu sữa mẹ khiến ba mẹ phải nghĩ một kịch bản đổi thân phận cho con. Ở quê tôi, chuyện dựng những màn kịch như vậy là thường: vờ mang con cho người khác, sau đó xin lại hoặc đặt những cái tên xấu xí cho dễ nuôi.
Bọn trẻ chúng tôi lớn lên, hầu hết đều quên những câu chuyện ấy. Nhưng, Ngọc, cô bạn cạnh nhà tôi thì khác. Băn khoăn không biết ba mẹ ruột mình là ai, giờ còn hay mất, có lần nào nghĩ đến mình không… luôn làm Ngọc khổ đau, bế tắc.
Bảy tuổi, một bữa đi học về, Ngọc hớt hải đi tìm mẹ, hỏi: “Sao ba mẹ tóc thẳng, còn tóc con lại xoăn?”. Dì Tám đáp: “Sinh mi trúng mùa đông, tau suốt ngày hơ trên than, nóng quá tóc mi xoăn thôi”. Nguôi một thời gian, Ngọc đi chơi về, lại hỏi: “Sao người ta đồn mẹ không sinh được nên mua con giá hai chỉ vàng?”. Dì Tám bật cười: “Cả đám trẻ xứ này đều là con lượm, con nhặt; mi được mua hai chỉ vàng, có giá quá còn gì!”.
13 tuổi, Ngọc hỏi nữa: “Ba mẹ đều da đen, còn con trắng. Con không giống ai trong họ hàng mình hết”. “Bao nhiêu nét đẹp cả họ dồn cho mi, nên mừng thì hơn” - dì Tám nói mà điệu giọng không vui. Từ đấy, dì Tám dặn Ngọc bớt giao du, ai hỏi hay nói gì mặc kệ. Thế rồi, năm Ngọc 15 tuổi, nỗi niềm riêng lặp lại: “Người ta bảo con là con bà Lan nào đó trong xóm mình, do xuất ngoại, không thể mang theo con nên bán con lại cho mẹ”. Năm ấy, dì Tám đau buồn chuyện chồng nảy thói trăng hoa, nỗi lòng Ngọc rơi giữa cơn nát lòng của mình khiến dì nổi cáu: “Thì sao? Mi giỏi thì đi tìm họ. Ai nuôi mi lớn đến chừng này, không biết ơn nghĩa, suốt ngày thắc mắc”.
Ngọc nức nở, bỏ chạy qua nhà tôi. Dì Tám sang, kéo con về, đánh như trút giận. Từ đó, Ngọc không còn hỏi về thân phận mình nữa. Tâm sự cùng tôi, Ngọc bảo: “Tao coi ba mẹ ruột chết rồi. Còn ba mẹ nuôi thì mang ơn, nhưng tao buồn vì họ không nói thật”.
Không ít người đã khóc khi xem đoạn phim về cô gái Kati Pohler. 20 năm trước, Trung Quốc ban hành chính sách một con khắt khe khiến cha mẹ ruột phải bỏ cô tại một chợ rau. Hy vọng một ngày gặp con, họ để lại lời nhắn cho người nhận nuôi đứa trẻ, rằng, hằng năm, vào cùng một ngày, họ sẽ đến cây Cầu Gãy để chờ con. 20 tuổi, Kati được cặp vợ chồng người Mỹ - cha mẹ nuôi - đưa về cội nguồn, gặp lại đấng sinh thành.
Bà Ruth, mẹ nuôi của Kati Pohler, trải lòng: “Ngày nhỏ, Kati hỏi tôi: Có phải con từ bụng mẹ ra không? Tôi đáp: Không, con không từ bụng mẹ. Nhưng con từ trái tim mẹ ra. Con được sinh ra trong tim mẹ. Kati hài lòng với câu trả lời này, thế là lại chạy đi chơi”. Trước mọi câu hỏi của Kati về thân phận, bà Ruth đều thành thật trả lời. “Chúng tôi thương yêu Kati và con biết điều đó. Hôm nay, chúng tôi không mất gì” - bà Ruth nói về cảm giác khi đưa Kati đi nhận lại gia đình.
Những đứa trẻ luôn khát khao sự thật. Tôi đọc tâm trạng chung này trong một diễn đàn kín có tên “Hội xin con nuôi”. Nhưng các bậc phụ huynh… nuôi và chuẩn bị thành phụ huynh nuôi lại có tâm trạng khác: “Nói sự thật, liệu có… mất con? Nếu nói, thì bằng cách nào?”.
Dẫu không mang nặng đẻ đau, những người cha người mẹ kia đều yêu thương đứa con nuôi. Nhưng cách thể hiện tình yêu lại khác. Có phụ huynh sống trong nỗi lo con sẽ bớt yêu thương hoặc từ bỏ mình để tìm kiếm cha mẹ ruột nên dựng chuyện cha mẹ ruột của con đã chết, hay tàn nhẫn bỏ rơi con. Có người trót cho con biết về thân phận, nhưng luôn cản con tìm về nguồn cội.
Không ai phủ nhận tình yêu của dì Tám dành cho Ngọc, cũng không ai biết liệu bà có phải là mẹ nuôi; nhưng sự che giấu và những câu trả lời đánh đố, đe nẹt lại trở thành rào cản khiến Ngọc không cảm được trọn vẹn tình yêu của bà. Hơn thế, lại gieo rắc trong Ngọc - một đứa trẻ nhạy cảm - niềm tin mình chính là con nuôi chỉ từ một trận đòn. Công sinh hay công dưỡng đều quan trọng với bất cứ cuộc đời nào. Song, chỉ có trái tim, được sinh từ trái tim mới khiến cho “không ai mất gì” - như bà Ruth nhấn mạnh.
“Đáp lại nỗi khát khao sự thật về thân phận của con nuôi, các phụ huynh cần chọn đúng thời điểm - 6-8 tuổi, nhỏ hơn, trẻ không ý thức được câu chuyện, còn lớn hơn, trẻ có cảm giác bị phản bội và phản ứng tiêu cực; không cố giấu sự thật - bởi trẻ dễ dàng nhận ra sự khác biệt của mình; trả lời mọi câu hỏi của con - dẫu câu hỏi ấy được lặp đi lặp lại; quan tâm, khuyến khích con bày tỏ cảm xúc; không nói xấu cha mẹ ruột. Sau cùng, luôn khẳng định con là thành viên và là một phần không thể thiếu của gia đình hiện tại”.
Chuyên gia tâm lý Tara Mehta |
Tuyết Dân