Con nói muốn ở với ba, mẹ đứt ruột…

20/09/2019 - 06:00

PNO - Cô rầu rĩ: “Thằng chồng cháu sinh tật dì ơi, hai giờ sáng cháu ra khỏi nhà thì nó đón con nhỏ tiếp viên quán nhậu vô. Đòi bỏ cháu..."

Cô bán trái cây, xe đẩy rong. Mùa nào thức nấy - cam, quýt, chôm chôm, hồng, mận, xoài, ổi…

Tôi thích mua của cô vì cách mời chào dễ mến. “Dạ, đây là chôm chôm vườn đó dì, kiến còn bu đầy nè”, vừa nói cô vừa chìa ra chùm trái cuống lá còn tươi xanh có mấy con kiến bò quanh. Có khi cô kéo ống tay áo cho tôi nhìn thấy vết lấm chấm đỏ vì kiến cắn, xởi lởi nói: “Mận này cũng hái trên cây ở vườn nè dì”.

Cứ như mấy con kiến bò lổm ngổm là bằng chứng hùng hồn xác nhận đúng hàng sạch. Lúc đã thân tình, tôi trêu cô bằng cách hỏi lại: “Có loại trái nào không hái trên cây xuống hả?”. Cô bẽn lẽn cười: “Mua bán bây giờ khó quá dì ơi, ai cũng sợ đụng hàng tẩm thuốc”. Khi chẳng có con kiến nào thì cô chỉ tay vào đốm trắng lấm chấm ở cuống trái: “Đây là rầy nè dì. Không phun thuốc nên mới bị rầy”. 

Tôi hay dậy sớm đi bộ rồi tiện thể đi chợ, nên thường là người mở hàng xe trái cây của cô. Sau này tôi mới biết điều đó, vì có lần cô nói: “Hôm qua đợi dì mở hàng giùm mà không thấy, gặp bà kia khó tính quá trời nên bị ế”. Tôi nhớ lại, ờ, hôm qua trời mưa nên tôi không đi thể dục. “Bị ế rồi làm sao?”. “Thì đẩy xe đi rong tới chiều tối cố bán cho hết. Rảo suốt ngày không sợ mỏi chân mà sợ ngủ gục”. Tôi hỏi lại: “Không được ngủ trưa nên ngủ gục hả?”. Cô nhoẻn miệng cười: “Cháu mà ngủ trưa là tiêu luôn đó dì ơi!”.
 

Con noi muon o voi ba, me dut ruot…
Ảnh minh họa

Cô kể, hai mươi bốn tiếng một ngày phải được tính toán rất sít sao. Nếu tới trưa mà bán hết hàng thì công việc cứ vậy mà tiếp tục lặp lại. Chạy xe máy về phòng trọ ở Thủ Đức mất hơn tiếng đồng hồ. Con đi nhà trẻ, chồng làm thợ hồ cũng đi cả ngày. Một mình nên cô thường húp đại tô mì gói cho nhanh, rồi giặt giũ và dọn dẹp. Phòng trọ mười hai mét vuông chật chội mà những thứ cần dọn dẹp cũng cả buổi mới xong. Rồi nấu cơm chiều. Cả nhà chỉ có chiều tối bên nhau nên cô nấu bữa chiều có đủ hai món canh và món mặn.

Chiều nào chồng không đi nhậu thì đi làm về ghé nhà trẻ đón con luôn, chiều nào chồng nhậu thì cô thêm việc đón thằng nhỏ. Cả ngày xa con nên cô nhớ lắm, nhưng thằng nhỏ gần gũi cha hơn nên vòng tay quanh cổ mẹ mà mắt nhìn quanh hỏi “ba đâu?”. Cô ghét trả lời con là “ba đi nhậu” nên hay nói dối là ba đi làm kiếm tiền mua bánh kẹo cho Tý.

Dù biết chồng đi nhậu không ăn cơm nhà, nhưng cô vẫn sớt cơm, canh, cá kho để phần cho chồng, phòng khi rượu vào lời ra. Cơm nước xong, cô bày đồ chơi cho con và hướng mắt ra đường mong chồng về. Có chồng chơi với con thì cô mới được đi ngủ sớm. 

Giấc ngủ của cô thường từ tám giờ tối. Hai giờ khuya cô thức dậy chạy xe ra chợ đầu mối mua hàng. Đến bốn giờ cô chất bao hàng lên xe máy. Từ chợ đầu mối về quận 1 mất hơn tiếng đồng hồ. Gửi xe máy, lấy xe hàng, rồi bày biện trái cây sao cho đẹp mắt… Đến sáu giờ sáng thì cô tươi cười đẩy xe hàng chầm chậm qua từng con phố quận 1, thỉnh thoảng ngước mặt nhìn trời cầu mong đừng mưa.

***
Bẵng đi một thời gian không thấy cô đâu, tình cờ tôi gặp lại cô trong một quán ăn. Thấy cô đang lau dọn, tôi hỏi: “Đổi nghề hả?”. Cô rầu rĩ: “Thằng chồng cháu sinh tật dì ơi, hai giờ sáng cháu ra khỏi nhà thì nó đón con nhỏ tiếp viên quán nhậu vô. Đòi bỏ cháu. Bỏ thì bỏ. Nhưng mà hỏi cu Tý muốn ở với ai…”.

Nước mắt cô trào ra, cháu đi từ khuya rồi tối phải ngủ sớm, mấy khi được gần gũi con, vậy nên cu Tý nói thích ở với ba hơn, Tý thương ba hơn vì ba đi làm kiếm tiền mua bánh kẹo cho Tý, chính mẹ nói vậy mà. 

Cô lau nước mắt, bây giờ cháu làm tạm ở đây để có thời gian gần gũi con nhiều hơn. Đợi ly hôn xong rồi tính. Giọng cô khào khào âu lo, mai mốt ra tòa, nghe nói khi đứa con thích ở với ai thì tòa xử cho ở với người đó, có đúng không dì? 

***

Trời mưa, tôi từ ban-công nhìn xuống. Có chiếc xe bán trái cây đẩy ngang qua, che chắn cho các loại trái được bày biện đẹp mắt là tấm ni-lông trong suốt giăng bên trên một cái ô hình vuông. Còn người bán thì mặc áo mưa mà cái nón trên đầu cứ hất lên mặc kệ ướt át. Có lẽ cô chịu như vậy là để khách quen nhìn qua màn mưa nhận ra khuôn mặt mình mà gọi mua hàng chăng? 

Nguyên Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI