Con nói mình bị hại, sao mẹ không tin?

13/07/2020 - 18:00

PNO - “Nếu như con bị hại, về kể với mẹ mà mẹ không tin, thì con phải làm sao?”. Câu hỏi của một nữ sinh lớp Tám, trong một phiên tòa giả định về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, đã làm nhiều người lớn trăn trở.

Trong thực tế, không ít vụ án xâm hại trẻ em, nạn nhân đã gọi mẹ, kêu cha, mách ngoại, báo cô giáo… nhưng người lớn đã không tin các em. Thậm chí, có cha mẹ còn cho rằng những hành vi xâm hại là biểu hiện “tình yêu thương” của người lớn. Khi mọi chuyện vỡ lở thì sự việc đã đi quá xa, trẻ phải gánh lấy những hậu quả nặng nề như rơi vào trầm cảm, thậm chí là phải mang thai. 

Cách đây gần 4 năm, một bé gái 12 tuổi ở H.Bình Chánh, từng mách với mẹ rằng em bị ông H. - cha dượng sờ soạng. Nhưng người mẹ đã không tin mà còn đánh em, bắt con phải xin lỗi cha dượng. Nhưng chỉ vài tháng sau, em có thai…

 

Và để trả lời câu hỏi của nữ sinh, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội luật sư Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM - giải thích rằng: “Nếu mẹ không tin tưởng thì em phải báo ngay với những người thân khác, hoặc là với thầy cô ở trường, và thầy cô có trách nhiệm phải phối hợp với gia đình…”.

Tiến sĩ Lê Thị Hoàng Liễu - chuyên gia tư vấn tâm lý bệnh nhi tại bệnh viện H.Bình Chánh - cho rằng, người lớn không tin lời con trẻ là vì thiếu quan tâm. Với một đứa trẻ, không phải chỉ có ăn, mặc, học hành, vui chơi, mà trong quá trình phát triển thành người còn cần được người lớn quan tâm, chăm sóc, tôn trọng và tin tưởng. Nếu có quan tâm, gần gũi con, cha mẹ sẽ hiểu con và cảm nhận được mỗi lời con nói đâu là thật, đâu là tưởng tượng, đâu là sự việc bình thường và đâu là vấn đề nghiêm trọng.

“Ở mọi tình huống, trước tiên cha mẹ hãy tin con trẻ. Niềm tin của người lớn, nhất là niềm tin của mẹ, sẽ giúp con thể hiện được chính mình; có khi con sẽ mạnh dạn nói ra những bí mật động trời để mẹ kịp thời ngăn chặn cái xấu, thậm chí là vạch trần tội ác” - tiến sĩ Liễu nói.

Hạnh Chi 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI