Nỗi lòng chủ nợ

Con nợ quá sang chảnh

20/07/2024 - 16:26

PNO - 2 em gái của chị Thu nhiễm thói đua đòi nên sa vào các cơn mua sắm rồi nợ như chúa chổm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Với chuyên môn giỏi, vị trí cao, thu nhập mỗi tháng của Thanh Thu - chị họ tôi rất ổn. Chị không chiều chuộng con, không tiêu dùng hoang phí mà rất tiết kiệm. Chị chỉ mua sắm thứ mình cần, chứ không mua những thứ mình thích. Tuy nhiên chị lại rộng rãi, luôn giúp đỡ người thân, bạn bè khihọ ngặt nghèo.

Chị Thu kể, 2 người em gái của chị một người làm ngân hàng, một người là chuyên viên tư vấn cho một tập đoàn thực phẩm đa quốc gia. Cả 2 tự lập từ nhỏ, nhưng dạo gần đây, vì đua đòi lối sống sang chảnh nên cô nào cũng thích xài hàng hiệu, sa lầy vào những cơn mua sắm và nợ như chúa chổm.

Cô em gái thứ nhất vì làm trong ngành nên rành rẽ các thủ tục và điều kiện mở thẻ tín dụng ở nhiều ngân hàng. Trong vòng một năm, số tiền "tiêu trước trả sau" của em đạt con số khủng. Số nợ không những khiến em lao đao mà cả nhà cũng mất ăn mất ngủ. Bây giờ, cô ấy đã bỏ việc ra ngoài tập tành kinh doanh.

"Nghèo nợ đã đành, người giàu cũng nợ em ạ. Em tin có người có tiền mua chung cư xịn, đi xe Mẹc, chỉ xài hàng hiệu mà tháng nào cũng mượn nợ không?". Chị họ tiếp tục câu chuyện về cô em gái thứ hai mà tôi tạm gọi là cô xe Mẹc (Mercedes - dòng xe sang của Đức)

Năm nay ngoài 30 tuổi, mỗi lần về quê bị hỏi han chuyện chồng con, cô xe Mẹc trước sau như một đều khẳng định sẽ theo đuổi lối sống độc thân. Với cô ấy, chỉ có tiền mới là người đồng hành tốt nhất. Cô nói: "Tiền sẽ luôn nâng ta lên chứ không bao giờ hạ ta xuống. Có tiền, nhiều tiền sẽ không bao giờ khổ".

Chạy theo lối sống vật chất, cô từng nỗ lực làm việc, sớm có trong tay khối tài sản lớn, đổi nhà đổi xe liên tục, mỗi năm đều đăng hình những chuyến du lịch trời Tây sang chảnh. Thế nhưng, dạo gần đây, không biết lý do gì mà hàng tháng, cô xe Mẹc đều gọi chị gái mượn tiền… đổ xăng.

"Tháng trước, nó gọi cho chị bảo chuyển gấp một triệu đồng vì đang lỡ đường. Bảo sẽ trả ngay vào đầu tháng rồi cũng có thấy gì đâu. Mấy lần trước cũng thế. Đến nỗi, mỗi lần thấy số điện thoại nó hiện lên là biết chỉ có lý do duy nhất mượn tiền", chị Thu kể.

“Tại sao lần nào mượn cũng không trả mà chị vẫn cho mượn tiếp?”, tôi hỏi chị Thu.

“Con nợ sẽ luôn có những lý do "mùi mẫn" để thuyết phục chủ nợ gia hạn thời gian. Vì tin em gái mà chị từng du di nhiều lần. Nhưng tới đây, sẽ không bao giờ có chuyện này lặp lại. Chị đã tự đặt ra giới hạn cho mình”.

Câu trả lời của chị khiến tôi nhớ đến một gameshow truyền hình từng xem. Chương trình kể về hành trình đồng hành, nhẫn nại của một người vợ với ông chồng nghiện ngập.

Trong vòng 3 năm, chị vợ đã hàng trăm lần bỏ qua lỗi của chồng để chờ đợi và tin tưởng. Chị tin rằng, chỉ cần chị kiên nhẫn, bao dung thì chồng chị sẽ có ngày cải tạo thành người tốt. Cuối cùng, câu nói “Dù em có nhốt anh một ngàn năm, khi thả ra anh vẫn ngựa quen đường cũ” đã giúp người vợ thức tỉnh.

Chỉ cần làm đúng luật, thì cả chủ nợ và con nợ đều nhẹ nhàng ( Ảnh minh họa)
Chỉ cần làm đúng luật, thì cả chủ nợ và con nợ đều nhẹ nhàng (ảnh minh họa)

Khi kể lại chuyện này, tôi không có ý định so sánh hành động mượn nợ rồi không trả của cô em gái thứ 2 của chị Thu với việc người chồng kia phụ thuộc vào chất cấm rồi khó dứt ra. Điều làm tôi chú tâm và ghi nhớ nhất là lời khuyên của người dẫn chương trình. Cô ấy nói với vị khách mời: “Đôi khi trong cuộc sống, điều mà ta cần kiểm soát và thay đổi không phải là hành động hay suy nghĩ của người khác, điều ta cần sáng tỏ là giới hạn chấp nhận và sức chịu đựng của chính mình. 99 lần ta vẫn chịu được nhưng chỉ cần thêm một lần nữa ta sẽ tự động rời đi”.

Sau này, không chỉ với em gái, mỗi khi cho người ngoài mượn nợ, chị Thu chủ động đưa ra những “luật chơi”. Theo đó, mỗi khi quyết định xuất tiền, chị Thu không quan tâm đến sự thành thật hay khả năng trả nợ của đối phương, điều chị quan tâm là khi tình huống xấu nhất xảy ra, nếu mất trắng số tiền đó thì cảm giác của bản thân thế nào. Nếu mất tiền mà không quá tiếc, vẫn có thể tiếp tục chơi với bạn thì cho mượn. Ngược lại nếu mất tiền mà khó chịu, cay cú, và mất luôn bạn thì không cho mượn. Số tiền chị cho bạn bè mượn mỗi đợt không bao giờ quá 5 triệu đồng, số lần lặp lại không quá 3 lần.

Quanh tôi thỉnh thoảng cũng bạn bè, người thân bày tỏ mong muốn mượn nợ, có vài trường hợp khiến tôi lo lắng, rơi vào tình trạng khó nghĩ, tiến thoái lưỡng nan. Tôi hiểu, trong cuộc sống, ai cũng có lúc lâm vào tình thế khó khăn cần sự giúp đỡ, người giàu cũng có lúc ngặt nghèo. Tùy vào khả năng của mình, tôi ít nhiều sẽ áp dụng nguyên tắc của chị Thu để đẩy lùi những nghi ngờ, lưỡng lự trong lòng.

Vì vậy, tôi vẫn có thể tự tin cho mượn nợ mà không lo mất đi mối quan hệ tốt đẹp.

Minh Minh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI