Con nợ nhí

26/02/2016 - 13:27

PNO - Không ít cha mẹ khổ sở khi đối mặt với tình cảnh con mình cắm nợ hay vay mượn bạn bè để tiêu xài, nảy sinh những hậu quả khó lường.

Một số phụ huynh quan niệm rằng trẻ có thông minh, nhanh nhẹn thì mới xử lý linh hoạt như thế. Tuy nhiên, trẻ tự ý vay mượn, nợ nần người khác dù ít hay nhiều đều không tốt. Làm sao để ứng phó kịp thời, phù hợp nhằm giáo dục có hiệu quả mà không tổn thương trẻ?

Không phải cứ thiếu là nợ

Anh Phong (Q.2, TP.HCM) phàn nàn: “Con gái tôi chín tuổi. Mới đây, khi đến đón con, tôi thấy bé mua rất nhiều bánh kẹo và đồ chơi. Con bảo đã mượn tiền của bạn cùng lớp. Con còn khoe mua thiếu của bác Hoa không cần trả tiền ngay, lại được bác khen lanh lợi. Tôi tá hỏa trước hành động của con gái.

Chị bán quán còn bảo, con bé hay nợ lắm, thấy nó dễ thương nên mới cho cắm, chứ mấy đứa khác thì không”. Hỏi ra anh Phong mới biết tiền nợ có khi con bé trả, một vài lần được mẹ trả. Từ giận con, anh chuyển sang trách vợ: “Sao em lại dễ dãi với con bé thế. Không khéo cách giáo dục thiếu nhất quán của hai vợ chồng mình khiến con bé hư hỏng nhanh hơn”.

Con trai chị Vân Anh (H.Long Thành, Đồng Nai) mới hơn 10 tuổi đã tỏ ra rất sành sỏi trong việc chi tiêu. Anh chị rất cưng chiều đứa con một, nên rất khổ sở khi phát hiện thằng bé là “con nợ” của nhiều bạn trong lớp, cháu mượn tiền mua những thứ mình thích hoặc đem những thứ bố mẹ sắm để đổi cho bạn. Bấy lâu chị Vân Anh tự hỏi dạo này mẹ ít cho tiền tiêu vặt mà con vẫn có nhiều đồ chơi. Chị hỏi, cháu trả lời: “Con mượn rồi trả, có sao đâu. Mẹ thấy con có giỏi không khi được nhiều thứ để chơi mà không cần phải dùng đến tiền của mình. Còn những thứ đồ chơi con không thích nữa thì đem đổi các bạn”.

Khi nhắc nhở con không được cắm quán mà không có sự kiểm soát của ba mẹ, anh Phong cứ ngỡ con bé sẽ ngậm ngùi chấp nhận, ai ngờ nó cự cãi: “Con thấy ba mẹ mỗi khi mua gì thiếu tiền thì ký nợ rồi trả sau mà”. Anh Phong răn đe con gái: “Từ nay không được cắm nợ nữa. Việc cắm nợ đã kéo theo những cách ứng xử sai của con, mà lỗi lớn nhất là nói dối. Con phải nhận thấy những điều xấu mà mình gây ra và phải cam đoan sửa chữa, không tái phạm”. Hai vợ chồng anh kiên quyết không trả nợ cho con lần nào nữa.

Con no nhi
Ảnh minh họa

Nhất quá từ nhiều trò nhỏ nhất

Chị Vân Anh thổ lộ: “Tôi muốn dạy con rằng, có những điều mình cần trong cuộc sống thì nên đáp ứng, nhưng không phải cái gì mình muốn, mình thiếu cũng được thỏa mãn. Không thể cứ thích là đi mua nợ hoặc vay mượn của người khác. Nhưng chú ng tôi thật sự gặp khó khăn để giúp con hiểu được điều đó”. Được sự giúp đỡ của các chuyên gia, chị Vân Anh cơ bản đã tìm ra được hướng giải quyết.

Trước hết, chị Vân Anh cũng như anh Phong cố gắng cương quyết, mạnh mẽ hơn trong cách giáo dục con. Đồng thời, nghiêm khắc nói cho bé hiểu chỉ trả nợ cho con thêm một lần duy nhất, không cho con tự ý đổi chác những thứ mà ba mẹ đã mua cho. Chúng không chỉ đơn thuần là những đồ chơi hay vật dụng, mà con phải hiểu trong đó có tình cảm cha mẹ dành cho.

Nói rõ mục đích giáo dục con của mình cho người bán hàng biết, để họ không cho trẻ cắm nợ. Thể hiện thái độ nếu có lần sau, dứt khoát cha mẹ không trả nợ thay con và sẽ xử phạt. Bàn thêm với giáo viên ở trường để phối hợp và thống nhất biện pháp giáo dục trẻ. Đề nghị thầy cô nhắc nhở, phê bình trước lớp để trẻ rút kinh nghiệm. Trong việc chi tiêu, cha mẹ phải dạy con nguyên tắc chỉ được tiêu xài khi đã sở hữu tiền bạc và để dành trước, tiêu xài sau một cách có kế hoạch, trong sự kiểm soát của cha mẹ.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI