Con nổ… banh nhà lồng

04/01/2018 - 09:58

PNO - Bạn có bất ngờ không khi vô tình chứng kiến ông con “hiền khô”, ở nhà “như cục bột” đang ngồi nổ rân trời hoặc vẽ vời về cuộc đời dữ dội, oanh liệt của các “cậu ấm cô chiêu”?

Đừng bất ngờ, đứa trẻ nào cũng có máu đó cả, chỉ là bạn chưa có cơ hội chứng kiến mà thôi.

Con no…  banh nha long
Ảnh minh họa

Từ 'nổ' vui của tuổi mầm non

Thật ra, bọn trẻ con không chuẩn bị sẵn những câu chuyện hơn thua này. Chúng chỉ sáng tác ra nhân lúc cao hứng nghe bạn bè khoe chuyện gì đó.

Chị My kể, có lần, con trai chị thú thật, hồi lớp mẫu giáo, bé rất mê có em trai nhưng mẹ không chịu sinh em bé. Một hôm, cậu bạn cùng lớp khoe: “Mẹ mình mang em bé trong bụng sáu tháng, mình sắp có em rồi”. Thế là, con ganh tị, con mới nói xạo là mẹ mình cũng đang có bầu, mà để hơn bạn, con nói gấp đôi: “Mẹ mình có bầu 12 tháng rồi”. Tất nhiên, bây giờ thì cậu bé ấy đã 12 tuổi, đã biết người ta mang thai chín tháng mười ngày là em bé chào đời.

Hay như câu chuyện của Putin, học lớp chồi. Putin rất thích làm người lớn, thích học trường tiểu học. Một lần, sang nhà bác chơi, con trai bác là anh Bill, khoe: “Anh vô lớp Một rồi nè. Trường của anh là Trường tiểu học Võ Thị Sáu”. Chạm vào niềm mơ ước của Putin, chàng tuyên bố luôn: “Mai mốt em cũng sẽ vô lớp Một, em học trường Võ Thị Tám, hơn anh luôn”. Cả nhà được một phen cười nghiêng ngả.

Đến hơn thua thời cấp I, cấp II 

Lớn hơn một chút, trẻ không còn kiểu hơn thua “ấu trĩ” như mấy em mầm, chồi, lá. Các anh chị nay đã “lớn”, đã biết logic, có kiến thức sơ đẳng nên cấp độ ganh đua cũng khác. Tuy nhiên, sự ngô nghê thì vẫn còn nguyên. Ở lứa tuổi cấp I, cấp II, sự “nổ” không còn là tức thời, nổ xong là quên. Trẻ ở tuổi này đã biết ghi nhớ và hành xử cho khớp với câu chuyện mà mình đã trót “sáng tác”.

Trẻ lớn thích sự hào nhoáng, thích khoe khoang và thích được ngưỡng mộ. Trẻ sẽ không ngại khoe về điều kiện vật chất của gia đình mình, về những thứ mà có lẽ chỉ “nhà mình có”. Những cô cậu trót sinh ra trong một gia đình hơi khiêm tốn vật chất sẽ tưởng tượng ra để hơn thua với các bạn.

Có chứng kiến nhóm các cô cậu lớp Bốn tại một trường tiểu học thuộc khu dân cư nghèo, con các công nhân, ta mới hiểu được khả năng tưởng tượng vô biên của chúng. Bọn trẻ kể: nhà mình 10 tầng, có thang máy; nhà mình có xe hơi, có tài xế riêng; nhà mình có hồ bơi thật rộng; ba mình đi công tác nước ngoài hoài chứ gì; mẹ mình đi du lịch Nhật luôn á... Giả sử có bạn hỏi nhà bạn có xe hơi, sao sáng nào ngoại bạn cũng chở bạn đi học bằng xe đạp. Câu trả lời rất có thể là vì ngoại bị say xe, không ngồi xe hơi được.

Lớn hơn chút nữa, chúng bắt đầu thôi mơ ước chuyện cha mẹ có nhà lầu, xe hơi mà sẽ chuyển sang mưu cầu một chút tình cảm gái trai riêng tư. Cô bé học lớp Bảy kể: “Bữa Giáng sinh, con thấy bạn Duy online. Bữa đó con không đi đâu chơi, buồn buồn vào bắt chuyện với bạn: “Duy không đi đâu chơi hả?”.

Bạn trả lời: “Sáng giờ ở nhà, mà chiều chắc đi chơi với gấu”. Con nghĩ bạn đó ảo vậy thôi, chớ vừa xấu vừa vô duyên như bạn đó làm sao mà có gấu được. Mà con xinh vậy chẳng lẽ lại không có gấu nên con cũng ảo lại: “Chút nữa tui cũng đi chơi với gấu của tui”, mà thật ra là con đi xem phim với ba mẹ chớ làm gì có gấu”.

Có nên uốn nắn?

Trẻ con, lúc bốc đồng thường khoe khoang quá sự thật để hơn thua với nhau như thế. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cũng đừng hoang mang, lo sợ. Khi lớn hơn, trẻ biết mắc cỡ, biết nhận thức thì sẽ không còn những hơn thua ngô nghê ấy nữa.

Ở một góc độ khác, cha mẹ có thể “lợi dụng” sự ganh đua đó để kích trẻ nỗ lực học hành, chăm ngoan, để có những thành tích thật sự hoặc vượt qua những thử thách. Đơn giản, trẻ mầm non lười ăn, chỉ cần nói: “Nếu con muốn khỏe mạnh được như siêu nhân/ba/anh trai, con cần phải ăn giỏi và ăn hết suất”. Chiêu này đơn giản, nhưng rất hiệu quả.

Nếu bé nhà bạn tỏ ra hơn thua vật chất hơi nhiều, trước khi quyết định “nắn” con, bạn cần nghiêm túc kiểm điểm mình xem có nói năng, biểu hiện gì quá trọng của cải vật chất hay không. Nếu có, hãy điều chỉnh lại, sau đó hãy giúp cho con hiểu rằng, giữa nói vui và nói dối có ranh giới rất mong manh. Nói đùa thì vui, còn nói dối về điều kiện của gia đình có thể làm mất lòng tin ở các bạn. 

Lũ trẻ hơn thua nhau, nhưng đó cũng chính là lúc chúng nói lên ước mơ thầm kín của bản thân. Dù chúng có “lừa” nhau về gia thế của mình, song cũng rất dễ thương, vì chúng suy nghĩ về cuộc sống và mơ ước thật đẹp, thật đơn giản và non nớt.

Nguyệt Phạm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI