Còn nhiều trở ngại trong chống tội phạm buôn người

08/07/2023 - 05:45

PNO - Ngày 6/7, tại TPHCM, Ủy ban Tư pháp Quốc hội tổ chức hội thảo “Tình hình thực hiện pháp luật phòng, chống mua bán người và định hướng sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người”. Nhiều đại biểu nhận định, tội phạm mua bán người ngày càng mở rộng phạm vi hoạt động và đối tượng nạn nhân, mức độ ngày càng tinh vi, nghiêm trọng.

 

Một thiếu niên bị lừa bán sang Campuchia được Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh phối hợp với lực lượng chức năng nước bạn giải cứu vào cuối năm 2022 - ẢNH: LÊ QUÂN
Một thiếu niên bị lừa bán sang Campuchia được Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh phối hợp với lực lượng chức năng nước bạn giải cứu vào cuối năm 2022 - Ảnh: Lê Quân

Chuyển hướng về nội địa

Phát biểu đề dẫn hội thảo, bà Mai Thị Phương Hoa - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội - thông tin, sau hơn 10 năm thi hành Luật Phòng, chống mua bán người, công tác đấu tranh, phòng chống mua bán người đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, loại tội phạm này vẫn diễn biến tương đối phức tạp, có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương. Gần đây, rộ lên việc lợi dụng chính sách về đưa người đi lao động, học tập ở nước ngoài, kết hôn với người nước ngoài để lừa nạn nhân ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp trong các cơ sở giải trí, dịch vụ “nhạy cảm”. Đáng lưu ý, nạn nhân của tội phạm mua bán người hiện nay không chỉ tập trung vào phụ nữ, trẻ em mà còn có nhiều nam giới. Tội phạm mua bán người cũng diễn ra ở ngay trong nước. 

Thượng tá Đinh Văn Trình - Phó trưởng phòng Phòng, chống mua bán người, Bộ Công an - thông tin, số vụ mua bán người chiếm tỉ lệ không lớn so với tổng số vụ án về trật tự xã hội được phát hiện, khởi tố, điều tra hằng năm. Tuy nhiên, các vụ mua bán người lại diễn ra ở khắp 63 tỉnh, thành.

Riêng trong năm 2022, công an trên cả nước phát hiện 394 vụ mua bán người với 837 đối tượng tham gia, trong đó đã xử lý hình sự 386 vụ, 808 đối tượng.

Theo thượng tá Đinh Văn Trình, sau đợt dịch COVID-19 năm 2021, số vụ mua bán người có xu hướng tăng ở nội địa. Cụ thể, từ ngày 1/1/2018 đến 31/12/2022, số vụ mua bán người trong nội địa chiếm khoảng 34% nhưng trong năm 2022, số vụ nội địa chiếm trên 45% và riêng trong quý I/2023, số vụ nội địa chiếm 50% tổng số vụ. Trong khi đó, từ năm 2015 đến năm 2021, số vụ mua bán người trong nội địa chỉ chiếm 15%.

Các đại biểu tham dự hội thảo về phòng, chống mua bán người do Ủy ban Tư pháp Quốc hội tổ chức tại TPHCM ngày 6/7 - ẢNH: THU LÊ
Các đại biểu tham dự hội thảo về phòng, chống mua bán người do Ủy ban Tư pháp Quốc hội tổ chức tại TPHCM ngày 6/7 - Ảnh: Thu Lê

Cũng theo ông, nguyên nhân của sự chuyển hướng này là do việc quản lý chặt chẽ biên giới để phòng, chống dịch đã hạn chế tội phạm đưa nạn nhân ra nước ngoài. Đổi lại, các đối tượng xấu lợi dụng việc nhiều phụ nữ không việc làm, trẻ em gái nghỉ học hoặc học trực tuyến để làm quen trên mạng, hứa tuyển mộ, giới thiệu việc làm nhưng thực chất là bán họ vào các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm”, thậm chí ép bán dâm… 
Ngoài ra, một số phụ nữ mang thai ngoài ý muốn cũng lên mạng xã hội kết nối với các đối tượng buôn người để bán con sau khi sinh, dẫn đến số trẻ em này được mua bán trong nội địa làm con nuôi gia tăng.

Còn “độ vênh” giữa luật với công ước quốc tế

Tiến sĩ Lê Thị Vân Anh - Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự, hành chính (Bộ Tư pháp) - nhận định, pháp luật Việt Nam, cụ thể là Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 và Luật Phòng, chống mua bán người về cơ bản đã tiệm cận với những yêu cầu mà công ước quốc tế và nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội phạm buôn bán người nhưng vẫn còn “độ vênh” nhất định. 

Theo bà, giữa quy định tại điều 150 và 151 BLHS năm 2015 và nghị định thư có sự chưa tương thích về độ tuổi và hành vi cấu thành tội phạm. Cụ thể, điều 150 và 151 BLHS quy định, hành vi mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi là hành vi tuyển mộ, vận chuyển hoặc chứa chấp người nhằm mục đích chuyển giao hoặc tiếp nhận người. Trong khi đó, theo yêu cầu của nghị định thư thì các quốc gia cần hình sự hóa và xử lý về tội buôn bán người đối với hành vi tuyển mộ, vận chuyển hoặc chứa chấp người nhằm mục đích bóc lột.

Ngoài ra, điều 151 BLHS quy định trẻ em là những người dưới 16 tuổi, trong khi nghị định thư quy định trẻ em là những người dưới 18 tuổi. Theo quy định của BLHS năm 2015 thì hành vi mua bán người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi không thuộc phạm vi của tội mua bán trẻ em mà thuộc phạm vi của tội mua bán người, và để cấu thành tội này thì phải có đầy đủ 3 yếu tố là hành vi, thủ đoạn và mục đích. Trong khi đó, theo quy định của nghị định thư, hành vi buôn bán người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi cấu thành tội buôn bán trẻ em khi có đủ 2 yếu tố là hành vi và mục đích. 

Bên cạnh đó, nghị định thư yêu cầu không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những nạn nhân tham gia trực tiếp vào một số hành vi vi phạm pháp luật do hậu quả trực tiếp từ việc họ bị mua bán, như xuất nhập cảnh trái phép, sử dụng giấy tờ giả, hoạt động mại dâm… Nhưng ở Việt Nam, chưa có quy định cụ thể nào về việc loại trừ trách nhiệm này cho các nạn nhân. 

Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Hội LHPN tỉnh tuyên truyền phòng, chống mua bán người tại cộng đồng - Ảnh: dangcongsan.vn
Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Hội LHPN tỉnh tuyên truyền phòng, chống mua bán người tại cộng đồng - Ảnh: dangcongsan.vn

Bà Lê Thị Vân Anh đề xuất nghiên cứu sửa đổi điều 150 và 151 BLHS năm 2015, bởi: “Sự chưa tương thích, phù hợp này sẽ là trở ngại lớn trong hoạt động hợp tác quốc tế cũng như tương trợ tư pháp trong đấu tranh phòng, chống mua bán người”.

Đồng quan điểm, bà Mai Thị Phương Hoa dẫn chứng, khi đi khảo sát thực tế ở 3 tỉnh Tây Ninh, Đồng Tháp và An Giang, bà nhận thấy số vụ điều tra, xét xử theo điều 150, 151 của BLHS ở các địa phương trên gần đây giảm đột biến so với trước. Ngoài nguyên nhân khách quan, còn do vướng mắc từ điều 150, 151 BLHS. Bà so sánh, theo điều 119 của BLHS năm 1999 thì có thể xử lý tội buôn bán người khi có hành vi chuyển giao người và nhận tiền, nhưng theo điều 150 và 151 BLHS năm 2015 thì phải có hành vi, có yếu tố lừa gạt, có yếu tố mục đích, và việc chứng minh những yếu tố này gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan tố tụng. 

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp - cũng nhận định: “Có trường hợp hành vi khách quan hoàn toàn phù hợp với hành vi mua bán người, nhưng về ý thức chủ quan thì “thủ phạm” hoàn toàn không biết. Do đó, rất khó xác định yếu tố lỗi chủ quan trong việc tuyển mộ, chuyển giao, bóc lột. Vì vậy, việc sửa đổi luật không chỉ để tương thích với quy định quốc tế mà còn phải nhằm nâng cao tính khả thi trong thực hiện”. 

Xác định rõ đối tượng bị xử phạt

Hiện nay, công nghệ rất phát triển, đặc biệt là công nghệ “người ảo sử dụng trí tuệ nhân tạo” (AI). Vậy nên, để ngăn chặn các đối tượng này, các biện pháp phòng, chống tệ nạn mua bán người cần được cải tiến hơn nữa, đẩy mạnh hơn nữa. 

Khi sửa đổi luật, cũng phải xác định đối tượng cần xử lý là ai. Bên cạnh đó, yếu tố đồng thuận cũng cần được xem lại trong việc sửa đổi luật để tránh bỏ lọt tội phạm. Ví dụ, cha mẹ đồng ý mua bán con và con đồng thuận thì đó không phải là nạn nhân của việc mua bán người. Hay một số nạn nhân thích nghi và trở thành tội phạm đắc lực, trở thành mắt xích trong đường dây thì không thể được bảo vệ với tư cách là nạn nhân. 

Luật sư Trương Trọng Nghĩa  
- đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV

Rà soát lại luật, nâng cao năng lực thực thi

Sau 10 năm thi hành Luật Phòng, chống mua bán người, đây là thời điểm thích hợp để rà soát lại luật này và là bước cần thiết để đảm bảo Việt Nam trang bị đầy đủ khung pháp lý xử lý tội phạm mua bán người. 
Những kẻ buôn người thường nhắm đến những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, trong đó có phụ nữ, trẻ em gái, trẻ em trai.

Do đó, việc thực thi Luật Phòng, chống mua bán người, BLHS sửa đổi đòi hỏi phải nhanh nhạy và quyết đoán. Cần tăng cường sự phối hợp các ngành để hỗ trợ nạn nhân; cải thiện khung pháp lý để đảm bảo thực thi công ước quốc tế và nghị định thư về buôn bán người; nâng cao năng lực thực thi pháp luật chặt chẽ ở các cơ quan trung ương và địa phương; tăng cường hỗ trợ nạn nhân của các vụ mua bán người.

Bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc tại Việt Nam

Thu Lê - Nhật Xuân

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI