Còn nhiều trăn trở về quy định dạy thêm, học thêm

10/02/2025 - 07:36

PNO - Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2. Tuy nhiên, nhà trường và giáo viên vẫn còn nhiều trăn trở; phụ huynh, học sinh thì lo lắng khi các lớp học thêm của thầy cô dần đóng cửa…

Vất vả tìm lớp học thêm

Thông tư 29 quy định, giáo viên không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học. Đối với học sinh các cấp học khác, giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh mà giáo viên đó đang dạy ở trường (hoặc dạy nhưng không được thu tiền). Điều này khiến nhiều phụ huynh, học sinh lo lắng.

Từ sau tết Nguyên đán, chị Hằng Nga - phụ huynh một học sinh lớp Hai tại quận 1, TPHCM - đã liên tục hỏi thăm, tìm kiếm trên các trang mạng xã hội, tìm trung tâm dạy toán tư duy để cho con học buổi tối. Bởi lẽ, thời gian chị tan làm là hơn 18g, nhưng con lại tan học vào 16g30. Trước đó, con chị học toán và tiếng Việt của cô giáo chủ nhiệm vào thứ Hai, Ba, Năm từ 17-19g, học phí mỗi tháng 800.000 đồng. Những ngày còn lại, con học tại trung tâm tiếng Anh. Sau khi Thông tư 29 ban hành, cô giáo dừng lớp học, chị không biết gửi con ở đâu. “Gửi con cho cô giáo thì con được ôn lại kiến thức trên lớp, tối về ăn uống, chơi đùa rồi đi ngủ, không phải làm bài tập nữa. Giờ tôi phải tìm chỗ khác cho con học nhưng có lẽ học phí sẽ cao hơn” - chị phân trần.

Mong muốn vào được trường THPT tốp đầu của quận, Tường Vy - học sinh lớp Tám tại quận Phú Nhuận - đã theo học lớp tiếng Anh của cô giáo chủ nhiệm ngay từ đầu năm. Mỗi tuần, em học 2 buổi, mỗi buổi gần 2 tiếng với học phí 500.000 đồng/tháng. Hiện tại, cả cô và trò đều buồn, chuẩn bị tinh thần đóng cửa lớp học. Vy chia sẻ: “Trong những buổi đầu trên lớp, em thấy cô dạy hay nên xin mẹ cho học thêm ở nhà cô. Cô không dạy nữa thì chúng em không biết tìm lớp ở đâu có học phí và chất lượng tương tự”.

Bảo Châu - học sinh lớp Mười hai tại quận Gò Vấp - cũng lo lắng khi nghe tin lớp học thêm của thầy cô trong trường sắp ngừng hoạt động. Hiện Châu đang học lớp toán (mỗi tuần 3 buổi) và tiếng Anh (mỗi tuần 2 buổi), học phí 400.000 đồng/tháng/môn. Em kể, những ngày đầu học toán, em rất bất ngờ và hứng thú với cách dạy của thầy. Do đó, em đã chủ động hỏi thầy có dạy thêm không rồi đăng ký học. Còn môn tiếng Anh, Châu chọn thi vào đại học nên cũng cần rèn luyện thật chắc chắn. Nữ sinh nói: “Chỉ còn vài tháng nữa là bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, em cũng đã quen với cách dạy của thầy cô và khá tự tin. Nghe tin thầy cô ngưng dạy em và các bạn đều hụt hẫng”.

Học sinh lớp Chín Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1) trong tiết học môn toán - ẢNH: T.T.
Học sinh lớp Chín Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1) trong tiết học môn toán - Ảnh: T.T.

Cần sớm có hướng dẫn

Dù đã hoàn tất việc cho giáo viên ký cam kết thực hiện đúng quy định, ông Cao Đức Khoa - Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1) - vẫn còn trăn trở về Thông tư 29. Cụ thể, thông tư quy định học sinh cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch của nhà trường là đối tượng được dạy thêm, học thêm trong trường nhưng không được thu tiền. Ông nói: “Việc ôn luyện diễn ra từ tháng Năm - khi đã kết thúc chương trình học. Số tiết tăng lên thì phải có chi phí để chi trả giáo viên chứ không thể dùng ngân sách trong năm học. Trường không dạy thì học sinh phải ra ngoài học với mức phí cao hơn mà họ chưa chắc nắm được năng lực học sinh bằng giáo viên trong trường”.

Cũng theo ông, việc thông tư quy định giáo viên đăng ký dạy học tại các trung tâm vẫn không được dạy học sinh chính khóa của mình có phần khó khăn. Việc được sắp xếp dạy lớp nào chỉ là vô tình, giáo viên không chủ động được. Trước mắt, nhà trường đã yêu cầu tất cả giáo viên - nhất là những giáo viên dạy các môn thi chuyển cấp - chấp hành tốt Thông tư 29. Những trăn trở sẽ được trường kiến nghị lên các cấp xem xét.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Duy Bình - Hiệu trưởng Trường THPT Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) - cho rằng, Thông tư 29 hạn chế được nhiều tiêu cực, nhưng học thêm là nhu cầu có thật của một bộ phận học sinh. Học sinh có nhiều áp lực thi cử, muốn đậu vào trường đại học tốp đầu nên cần ôn luyện thêm. “Có nhiều giáo viên dạy rất giỏi nên học sinh muốn theo học. Nhưng vì họ là giáo viên dạy chính khóa của các em nên vô tình mất đi cơ hội học với thầy giỏi, kể cả khi đăng ký học ở trung tâm” - ông nói. Những năm trước, trường mở lớp ôn luyện thi tốt nghiệp THPT cho học sinh theo hình thức tự nguyện. Theo thông tư mới, năm nay, trường dự kiến chỉ tổ chức dạy cho nhóm học sinh học chưa tốt và vận dụng Nghị quyết 08 của thành phố để trả thù lao cho giáo viên. Trường vẫn đang nghiên cứu thông tư và chờ hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT TPHCM để có những bước đi tiếp theo.

Theo ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM - sở sẽ có hướng dẫn cụ thể về dạy thêm, học thêm. Dự kiến, TPHCM sẽ có cổng thông tin về dạy thêm, học thêm. Trong đó, công khai tất cả trung tâm dạy thêm đã được cấp phép cùng thông tin về giáo viên, học phí, môn học… Ngoài ra, sở sẽ phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, quản lý… để việc dạy thêm được thực hiện đúng. Giáo viên cần điều tiết để thực hiện đúng theo thông tư, ai làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm, bị xử lý theo đúng Luật Viên chức.

Học thêm là nhu cầu có thật của học sinh. Vấn đề đặt ra là quản lý làm sao để hạn chế tối đa tiêu cực như lôi kéo, ép buộc học sinh học thêm. Muốn làm tốt cần sự phối hợp đồng bộ giữa ngành giáo dục và các sở, ban ngành địa phương, bảo đảm không chồng chéo nhưng cũng không bỏ trống. Dù vậy, quy định dạy thêm trong trường không được thu tiền có phần gây khó khăn cho các trường. Nhà trường và phụ huynh có thể phải vận động xã hội hóa để có nguồn hỗ trợ giáo viên. Tuy nhiên, vận động như thế nào để có kinh phí, và quản lý kinh phí này để tránh tiêu cực cũng là chuyện nan giải.

Suy cho cùng, ý thức chấp hành pháp luật và đạo đức của thầy cô rất quan trọng. Thầy cô phải tuân thủ quy định của nhà nước, khi có khó khăn thì phản ảnh để các cấp có liên quan điều chỉnh chứ không nên tìm cách “lách”. Các cấp quản lý phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện cá nhân làm tốt để biểu dương khen thưởng và xử lý các sai phạm, công khai rộng rãi làm gương cho người khác. Nếu thấy những điều chưa hợp lý, hiệu trưởng và giáo viên nên lên tiếng để cơ quan chức năng bổ sung, điều chỉnh thông tư cho phù hợp với tình hình thực tế.

Ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM

TPHCM thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm

UBND TPHCM vừa ban hành văn bản về triển khai thực hiện Thông tư 29 năm 2024 của Bộ GD-ĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Theo đó, Chủ tịch UBND TPHCM giao Sở GD-ĐT thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND thành phố ban hành quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn; hướng dẫn, tổ chức thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm cho các trường, các tổ chức và cá nhân liên quan thuộc phạm vi quản lý. Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.

Đồng thời, Chủ tịch UBND TPHCM giao Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện chịu trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn; chỉ đạo phòng GD-ĐT hướng dẫn, tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm; xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.
UBND TP Thủ Đức và quận, huyện chỉ đạo UBND cấp xã giám sát, kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, giờ làm thêm và các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ của các tổ chức, cá nhân dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI