PNO - Chính sách miễn học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí, đặt hàng đào tạo sinh viên sư phạm đóng vai trò không nhỏ trong khuyến khích người học, giải bài toán thiếu giáo viên. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai, chính sách này bộc lộ một số hạn chế.
Từ thực tế thiếu giáo viên và chính sách ưu tiên của Nhà nước, số thí sinh đăng ký ngành sư phạm và điểm chuẩn của ngành này đã tăng dần trong mấy năm qua. Tháng trước, tại Hội nghị tuyển sinh đại học (ĐH) 2023, Bộ GD-ĐT thông tin: Trong kỳ tuyển sinh ĐH năm 2022, lĩnh vực khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên trình độ ĐH xếp ở vị trí thứ bảy trong nhóm 10 lĩnh vực đào tạo có tỉ lệ tuyển sinh cao nhất. Năm 2022 cũng là năm điểm chuẩn ĐH ngành sư phạm ở mức cao: sư phạm lịch sử và sư phạm ngữ văn của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có điểm chuẩn lần lượt là 38,67 và 37,17 (thang điểm 40). Ngành giáo dục tiểu học của Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) lấy điểm chuẩn 28,85 (thang điểm 30).
Thiếu giáo viên mầm non, nhiều trường vùng cao Yên Bái phải vận động phụ huynh ra lớp chăm sóc các cháu cùng cô giáo (trong ảnh: Phụ huynh xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái tham gia “trợ giảng” tại điểm trường mầm non - Ảnh: M.C.C.
Cao nhất là sư phạm ngữ văn chất lượng cao và sư phạm lịch sử chất lượng cao của Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa): 39,92 điểm (thang điểm 40). Điểm tuyển sinh tiệm cận điểm tuyệt đối tại ĐH này bắt đầu từ kỳ tuyển sinh 2018 khi trường thực hiện đề án đào tạo chất lượng cao trình độ ĐH. Năm đó, trường tuyển được 22 sinh viên sư phạm chất lượng cao. 22 sinh viên này đã tốt nghiệp năm 2022, với 11 sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, 11 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi. Từ đó đến nay, trường tuyển và đào tạo chất lượng cao 239 sinh viên, tất cả đều đạt kết quả mỗi kỳ từ giỏi trở lên.
Tuy sư phạm đã là ngành nóng với nhiều chính sách tạo nhiều thuận lợi cho người học song thực tế đầu ra, việc làm vẫn còn khó khăn, ngay cả khi địa phương đã có những ưu đãi riêng. Như với Thanh Hóa, trước kỳ tuyển sinh 2018, tỉnh có văn bản về việc tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp từ đề án của trường, trong đó nêu rõ: “Để triển khai có hiệu quả đề án, thu hút được học sinh giỏi, xuất sắc vào học các ngành sư phạm, đáp ứng yêu cầu nguồn giáo viên THPT chất lượng cao tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2030, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý chủ trương tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp từ đề án nêu trên”. Tháng 7/2022, Trường ĐH Hồng Đức cũng có công văn đề nghị UBND tỉnh và các đơn vị liên quan xem xét tuyển dụng số cử nhân này. Thế nhưng, theo Nghị định 140/2027/NĐ-CP của Chính phủ, thì chỉ 2 cử nhân sư phạm chất lượng cao của trường đủ điều kiện xét đặc cách. Trong khi năm học 2022-2023, Thanh Hóa thiếu 974 giáo viên THCS, 233 giáo viên THPT.
Đang học kỳ cuối cùng của khóa 2019-2023, L.T.N.H. - sinh viên sư phạm chất lượng cao Trường ĐH Hồng Đức - chia sẻ: “Tôi vào trường với những ưu đãi cho sinh viên sư phạm như miễn học phí, được hỗ trợ sinh hoạt phí, ở ký túc xá miễn phí, học bổng cao… Quan trọng nhất, là chúng tôi chỉ cần nỗ lực học tập tốt, ra trường đã được tỉnh “trải thảm đỏ”. Thế nhưng vừa rồi, biết thông tin các anh chị khóa 1 chất lượng cao vẫn phải chật vật xin đi dạy, nhiều người phải làm trái ngành - như thực trạng chung của cử nhân sư phạm, chúng tôi rất lo…”.
Đầu ra bấp bênh, còn bởi bên cạnh tình trạng thiếu thì ngành giáo dục cũng đang thừa hàng vạn giáo viên. Có khi cùng 1 địa phương, nhưng chỉ thiếu giáo viên các môn đặc thù như tiếng Anh, tin học; trong khi giáo viên các môn phổ biến như toán, ngữ văn lại đang thừa.
Cần có chính sách đặc thù
Tại Hội nghị tuyển sinh ĐH 2023, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội cho biết, trường vẫn chưa nhận được kinh phí hỗ trợ sinh viên sư phạm năm học 2021-2022. Hiện Hà Nội đã có quyết định về việc giao bổ sung kinh phí cho Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, Sở Tài chính cũng đã đưa vào dự toán ngân sách và đang đợi chi. Việc chậm trễ này là bởi: theo Nghị định 116, việc cấp ngân sách cần dựa trên cơ sở giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu; nhưng năm học 2021-2022, Hà Nội lại không giao nhiệm vụ hay đặt hàng đào tạo với Trường ĐH Thủ đô Hà Nội nên khó có cơ sở thông qua chi ngân sách.
N.T.T. sinh viên Trường ĐH Thủ đô Hà Nội - chia sẻ, em và gia đình phải cố gắng rất nhiều mới có thể duy trì việc học. Cả năm học 2021-2022, T. và các bạn không được nhận tiền trợ cấp sinh hoạt. T. phải dành cả mùa hè năm 2022 đi làm toàn thời gian, từ tháng 9/2022 làm bán thời gian để trang trải tiền ăn học. Năm ngoái, T. là 1 trong 500 sinh viên của trường có đơn “cầu cứu” vì năm học đã kết thúc mà vẫn chưa nhận được khoản trợ cấp trên.
Việc chậm chi trả kinh phí đào tạo cho Trường ĐH Thủ đô Hà Nội nói riêng, các trường sư phạm nói chung không phải quá khó để có thể khắc phục. Tuy nhiên, theo Sở Nội vụ Hà Nội, cái khó nhất là Nghị định 116 quy định trong vòng 2 năm sau khi tốt nghiệp (kể cả với sinh viên trong diện đặt hàng đào tạo), nếu không làm việc trong các cơ sở giáo dục sẽ phải hoàn trả lại khoản tiền đã được Nhà nước hỗ trợ, chính quyền địa phương phải đứng ra thu hồi. Các khoản trợ cấp suốt 4 năm không hề nhỏ, trong khi sinh viên mới ra trường, công việc chưa ổn định - địa phương sẽ rất khó để “đòi” lại.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) - nhận định, Nghị định 116 mới hiệu quả trong giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên; riêng việc đặt hàng và đấu thầu thì hiệu quả chưa được như mong muốn. Bởi trước khi áp dụng Nghị định 116 - không đặt hàng, không đấu thầu - thì các địa phương vẫn tuyển dụng giáo viên; dẫn đến việc các địa phương không mặn mà trong việc đặt hàng đào tạo… Chưa kể việc đặt hàng còn có những loay hoay riêng. Chẳng hạn nếu địa phương đặt hàng, thì trường ĐH được đặt hàng đào tạo sẽ tuyển thí sinh là người địa phương đó hay tuyển sinh trên cả nước? Nếu tuyển sinh trên cả nước, thì những cử nhân ở đô thị có sẵn sàng về địa phương đó để thi tuyển và làm việc hay không?...
Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ “Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm” nêu rõ, ngoài hỗ trợ học phí, sinh viên sư phạm còn được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
Để khắc phục những hạn chế trên, theo tiến sĩ Lê Viết Khuyến, cần có chính sách đặc thù trong tuyển dụng những giáo viên được đào tạo theo Nghị định 116. Giống chính sách của ngành công an, quân đội, có thể phân công, bố trí công việc cho cử nhân sư phạm. Ông cho rằng: “Hệ thống các trường sư phạm cần được điều chỉnh sao cho có nhiều trường sư phạm thuộc quản lý của các địa phương thì địa phương mới có điều kiện để thực thi phương thức giao nhiệm vụ. Các trường ĐH trọng điểm có thể đào tạo đặt hàng với giáo viên THPT; còn giáo viên THCS, tiểu học, mầm non phải giao cho các địa phương tự tuyển sinh qua hệ thống các trường sư phạm tại địa phương đó. Từng địa phương cần có hội đồng tham mưu cho lãnh đạo về quy hoạch, phát triển giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực cho giáo dục - đào tạo nói riêng”.
Chương trình đào tạo sư phạm cần thay đổi linh hoạt
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng chương trình đào tạo sư phạm cần thay đổi linh hoạt, phù hợp với chương trình 2018. Ví dụ sinh viên đang theo học có thể chuyển sang học các chuyên ngành khác khi nhận thấy khó khăn trong cơ hội việc làm ở ngành mình đang theo học. Hiện sinh viên thi sư phạm toán, học khoa toán, ra trường chỉ dạy được toán trong khi địa phương không thiếu giáo viên toán. Điều này rất lãng phí và không phù hợp với yêu cầu dạy môn tích hợp của chương trình 2018. Trong bối cảnh hiện nay, quy hoạch giáo dục trong 5 năm đã không còn phù hợp. Quy hoạch giáo dục phải là quy hoạch động - linh hoạt để phù hợp với thay đổi của thực tế.
Hoàn cảnh khó khăn, nhưng nhiều sinh viên không những vượt qua mà còn có thành tích học tập rất tốt, tham gia nghiên cứu khoa học, làm gia sư miễn phí...
Chiều 14/11, tại Hà Nội, diễn ra buổi gặp mặt các nhà giáo của chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” và tuyên dương “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương.