Còn nhiều hạn chế, thiệt thòi trong chính sách tiền lương của giáo viên

27/03/2024 - 10:43

PNO - Áp lực thu nhập là một trong những nguyên nhân khiến giáo viên không an tâm công tác, nhiều người bỏ việc, chuyển việc; ngành sư phạm khó thu hút người giỏi…

Theo báo cáo đánh giá thực trạng các vấn đề liên quan đến đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã chỉ ra còn nhiều tồn tại, hạn chế trong chính sách tiền lương với nhà giáo.

Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết, hiện tiền lương của nhà giáo đang được chi trả theo quy định của Chính phủ tại nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ. Theo đó, nhà giáo là viên chức được áp dụng bảng lương 3: Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước và được hưởng mức lương khởi điểm tương ứng với quy định về trình độ đào tạo (loại B đối với trình độ cao đẳng, loại A đối với từ trình độ đại học trở lên). Bên cạnh tiền lương nhà giáo còn được chi trả các chế độ phụ cấp theo lương, phụ cấp ưu đãi.

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục - Đào tạo nhận định, mức lương của nhà giáo (đặc biệt là giáo viên mầm non, phổ thông) đang thấp hơn so với mức lương của cán bộ, công chức ngành khác, mức phụ cấp ưu đãi của giáo viên cũng đang thấp hơn viên chức một số ngành nghề khác và đặc biệt là viên chức khối đoàn thể trên cùng địa bàn.

Bộ Giáo dục - Đào tạo, lương và phụ cấp ưu đãi nghề của nhà giáo chưa tương xứng với hoạt động nghề nghiệp - Ảnh: Nguyễn Loan
Bộ Giáo dục - Đào tạo cho rằng, lương và phụ cấp ưu đãi nghề của nhà giáo chưa tương xứng với hoạt động nghề nghiệp - Ảnh: Nguyễn Loan

Theo Bộ Giáo dục - Đào tạo, lương và phụ cấp ưu đãi nghề của nhà giáo chưa tương xứng với hoạt động nghề nghiệp, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu về an sinh xã hội, chưa đủ để đảm bảo mức sống cho giáo viên, nhất là những người trẻ và sống ở khu vực đồng bằng, thành phố. Áp lực về thu nhập là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng giáo viên không an tâm công tác, một bộ phận bỏ việc, chuyển việc; đồng thời, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm, địa phương thiếu nguồn tuyển dụng để bổ sung số giáo viên còn thiếu và chuẩn bị đội ngũ triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.

Còn chế độ lương, phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi… chỉ được thực hiện đối với nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập, không có quy định chung đối với nhà giáo ngoài công lập hoặc chưa có quy định về mức lương tối thiểu để đảm bảo thu nhập cho nhà giáo ngoài công lập…

Các chính sách ưu đãi, thu hút, hỗ trợ đối với giáo viên chưa đáp ứng được mong mỏi của nhà giáo. Bộ cho rằng cần huy động nhiều nguồn đóng góp từ xã hội để cùng chung tay hỗ trợ nhà giáo phát triển, nâng cao chất lượng giảng dạy và giáo dục.

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI