|
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày báo cáo tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV |
Các biện pháp chống dịch cơ bản phù hợp
Tiếp tục ngày làm việc đầu tiên của Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, nhiều ý kiến đánh giá, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, nhất là từ khi được kiện toàn, do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Trưởng Ban đã bám sát diễn biến dịch bệnh, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch. Các địa phương đã triển khai quyết liệt, sáng tạo nhiều giải pháp phù hợp với thực tiễn. Chiến lược và các biện pháp phòng, chống dịch cơ bản là phù hợp.
Với những nỗ lực đó, đến nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP để thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh ở các địa phương.
Bên cạnh kết quả to lớn đã đạt được, cử tri và Nhân dân cho rằng công tác phòng, chống dịch còn một số hạn chế, bất cập, như: công tác dự báo có lúc chưa sát với thực tiễn. Có lúc, có nơi còn lơ là, chủ quan, cứng nhắc, thiếu đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể, đột xuất. Còn hạn chế trong phân tích tình hình để triển khai có bài bản các phương án ngắn hạn cũng như dài hạn để vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Việc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, trong đó có một số văn bản chưa sát thực tiễn, thiếu tính khả thi, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Hệ thống y tế cơ sở và năng lực quản lý của các cấp bộc lộ nhiều điểm yếu; hầu hết các trang thiết bị y tế, thuốc, sinh phẩm, vắc xin,... đều phải nhập khẩu nên chưa kịp thời, bị động, chi phí cao. Một số nơi còn xảy ra tình trạng ách tắc trong lưu thông hàng hoá, di chuyển của người dân. Sau khi "nới lỏng" các biện pháp giãn cách xã hội, một lượng lớn người dân từ TPHCM và các tỉnh có dịch tự trở về quê tiềm ẩn rủi ro và lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Còn tình trạng trục lợi trong thực hiện an sinh xã hội
Về thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2021, cử tri và Nhân dân ghi nhận nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; để ổn định kinh tế vĩ mô, cơ bản bảo đảm các cân đối lớn; thu ngân sách có thể vượt kế hoạch, nông nghiệp đạt kết quả tích cực, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng…
Tuy nhiên, cử tri còn lo lắng bởi GDP 9 tháng năm 2021 không đạt kế hoạch. Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm; một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng năm 2021 đạt thấp so với Nghị quyết của Quốc hội. Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, các địa phương có giải pháp kịp thời lưu thông hàng hóa, vận chuyển vật tư, thiết bị để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; có các chính sách hỗ trợ về thuế; giảm các khoản phí, lệ phí, tiền thuê đất; giãn, khoanh nợ, giảm lãi suất ngân hàng; có chính sách hỗ trợ duy trì lực lượng lao động…để doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất.
Về các vấn đề xã hội, cử tri đánh giá cao các chính sách, giải pháp về cung ứng hàng hóa, lao động, việc làm, gói an sinh xã hội hỗ trợ người dân, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, được cử tri và Nhân dân cả nước đồng tình, đánh giá cao. Dù vậy, theo phản ánh, còn nhiều đối tượng khó khăn chưa được nhận các gói hỗ trợ an sinh xã hội; thủ tục hỗ trợ còn bất cập, rườm rà, tiến độ giải ngân chậm; việc quy định hỗ trợ đối với một số đối tượng chưa cụ thể nên các địa phương áp dụng chưa thống nhất; nhiều nơi nông dân gặp khó khăn do dịch bệnh nhưng chưa được hỗ trợ; vẫn còn tình trạng trục lợi trong thực hiện an sinh xã hội, gây khó khăn, bức xúc cho người dân…
Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có 5 kiến nghị. Trong đó có đề nghị về việc sớm cụ thể hóa Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Trong tình hình do thiệt hại lớn về dịch COVID-19 nên chưa thể thực hiện cải cách chính sách tiền lương, đề nghị Đảng và Nhà nước quan tâm điều chỉnh, nâng lương cho người nghỉ hưu trước năm 1995, vì những người này đang hưởng mức lương thấp, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Đề nghị Đảng và Nhà nước sớm nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ, động viên lực lượng tuyến đầu; tôn vinh, ghi nhận công lao của những đồng chí hy sinh, những người dân bị tử vong do thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch…
M.Quang