Còn nhiều bất ổn trong hoạt động của sàn thương mại điện tử

16/10/2023 - 06:55

PNO - Luật gia Phan Thị Việt Thu - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM - nhận định: một số sàn thương mại điện tử không kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, chất lượng hàng hóa bán trên sàn và việc hàng giao cho khách. Như vậy là dung túng cho đối tượng bán hàng giả, hàng gian.

Bà kể chính mình đã đặt mua 1 ấm siêu tốc trên sàn Lazada: “Khi giao hàng tới, ngoài gói hàng vẫn ghi là “ấm siêu tốc” nhưng bên trong là cuộn giấy vệ sinh dùng dở. Tôi chụp hình, phản ánh với bên bán hàng và Lazada nhưng cả 2 đều không phản hồi. Mấy ngày sau thì mới có thông báo từ Lazada là đã hoàn tiền, lý do: giao hàng không đúng” - luật gia Việt Thu kể. 

Ngay cả các nhà bán hàng trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) cũng không hài lòng với cách làm của một số sàn TMĐT. Đại diện 1 đơn vị bán nồi cơm điện ở quận 12, TPHCM (đề nghị không nêu tên) kể, công ty gửi 1 nồi cơm điện về Kiên Giang nhưng khách không nhận hàng. Khi nhận lại, bên trong lại là thùng mì gói. “Chúng tôi khiếu nại đơn vị vận chuyển nhưng họ khăng khăng đó là thùng hàng của chúng tôi đã giao. Vì không quay lại clip lúc đóng hàng nên chúng tôi đành phải chấp nhận mất hàng” - vị này bức xúc. Một số nhà bán hàng cho biết, hiện phí giao hàng (ship) liên tỉnh đắt hơn cả hàng vận chuyển về từ Trung Quốc. Dù vậy, phía vận chuyển không đảm bảo chất lượng hàng hóa. Cả người bán lẫn người mua đều chịu thiệt khi sự cố xảy ra, các sàn và công ty giao hàng thì đùn đẩy trách nhiệm. 

Cả nhà bán hàng lẫn người mua đều không bằng lòng với cách xử lý của các sàn thương mại khi xảy ra sự cố. Ảnh: Minh An
Cả nhà bán hàng lẫn người mua đều không bằng lòng với cách xử lý của các sàn thương mại khi xảy ra sự cố. Ảnh: Minh An

Ông Lê Minh Thảo - Giám đốc Công ty Unicorn (quận Bình Thạnh, TPHCM) - cho biết: công ty nhập mỹ phẩm từ Hàn Quốc, Nhật Bản về kinh doanh trên sàn TMĐT. Hàng nhập khẩu chính ngạch đáp ứng nhiều thủ tục đăng ký, thông quan, thuế… nhưng không cạnh tranh nổi với các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, giá rẻ trên chính các sàn này. 

Trên các mạng xã hội, tình hình cũng tương tự. Bà Hoài Thu - đại diện Công ty Rebaca (quận 6, TPHCM) - cho biết công ty bán sản phẩm nhập khẩu chính hãng trên TikTok phải cạnh tranh với các đơn vị bán hàng xách tay bán với giá thấp hơn nhiều. “Nghị định 98/2020 quy định kinh doanh hàng xách tay bị coi là hàng nhập lậu (không có hóa đơn, chứng từ; không khai báo hải quan…). Các sàn TMĐT nên có chế tài rõ ràng hơn đối với những cá nhân, doanh nghiệp bán trên sàn. Tất cả đều phải đáp ứng đầy đủ quy định về hóa đơn, chứng từ để tạo sân chơi công bằng đối với hoạt động kinh doanh trên sàn TMĐT” - bà Hoài Thu kiến nghị.

Tại hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp lĩnh vực TMĐT và chính quyền TPHCM mới đây, nhiều nhà bán hàng phản ảnh các sàn TMĐT, mạng xã hội liên tục tăng phí. Bà Hoài Thu cho biết 9 tháng qua, TikTok đã tăng phí 4 lần. Bà Lê Thị Phượng Diễm - đại diện Công ty TNHH MTV Trái Dừa (quận 11, TPHCM) - cho biết từ đầu năm đến nay, Shopee đã 2 lần tăng phí thanh toán, chưa kể các phí cố định, phí mua thêm các gói khuyến mãi, phí ship, phí thầu cho dịch vụ hiển thị... chiếm khoảng 23% doanh thu một đơn hàng. Nhà bán hàng muốn phản ánh nhưng sàn ẩn luôn nút khiếu nại nên chẳng biết kêu ai. 

Trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM về vấn đề này, đại diện Shopee cho biết: việc tăng phí nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng và nâng cao dịch vụ hỗ trợ cho người bán, đặc biệt trong thời gian diễn ra các chương trình khuyến mãi và sự kiện mua sắm hằng năm. Chính sách của Shopee cũng nghiêm cấm đăng bán các sản phẩm giả, nhái... Các sản phẩm khi bị phát hiện vi phạm sẽ bị gỡ bỏ. “Chúng tôi còn áp dụng hệ thống điểm phạt để đánh giá hiệu quả hoạt động của từng cửa hàng (shop) và có cổng thông tin, quản lý về quyền sở hữu trí tuệ cho phép các doanh nghiệp, chủ sở hữu thương hiệu đăng ký, kiểm tra và báo cáo các trường hợp vi phạm quyền sở hữu thương hiệu của mình…” - đại diện Shopee cho hay. 

Ông Phạm Xuân Việt - Trưởng phòng Nghiệp vụ Cục Quản lý thị trường TPHCM - khẳng định: theo quy định, sàn TMĐT phải tự rà soát, thống kê, phân loại và có cơ chế ngăn chặn hàng hóa vi phạm. Các sàn phải phối hợp khi cơ quan chức năng đề nghị cung cấp thông tin những đối tượng có dấu hiệu vi phạm trên sàn, phục vụ công tác thẩm tra xác minh chủ hàng và nơi chứa trữ hàng hóa. “Tuy nhiên, nhiều vụ việc khi tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng, chúng tôi liên hệ đề nghị sàn TMĐT cung cấp thông tin nhưng họ cung cấp rất sơ sài, rất khó để xác minh. Cục Quản lý thị trường gửi văn bản thông báo đến sàn TMĐT để lọc những đối tượng bị phản ánh chứ thực tế không xử lý được do không xác định được đối tượng vi phạm, cũng không xác định được hàng hóa vi phạm để xử lý. Để ngăn chặn hàng giả, hàng lậu, bảo vệ người tiêu dùng và DN chân chính, chúng tôi cần sự phối hợp chặt chẽ của sàn TMĐT” - ông Phạm Xuân Việt nói. 

Nguyễn Cẩm

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI